Tăng học phí : Không khả thi

Tăng học phí : Không khả thi
TP - Đề án sửa đổi cơ chế tài chính giáo dục có đề nghị tăng học phí phổ thông lên mức sáu phần trăm thu nhập bình quân của gia đình là hoàn toàn không khả thi. Cứ nhìn vào việc tổ chức thu thuế thu nhập cá nhân cũng đủ rõ.
Tăng học phí : Không khả thi ảnh 1
Mọi trẻ em đều có quyền học tập

Nền kinh tế Việt Nam hiện thời vẫn là nền kinh tế tiền mặt, nên không thể xác định được thu nhập thực của gia đình là bao nhiêu. Điều này các chuyên gia kinh tế đã bàn đến nhiều. Về mặt nguyên tắc, theo đề án này, Bộ GD&ĐT sẽ phải xác định mức thu nhập cho từng gia đình, và theo từng năm.

Có thể hình dung việc Bộ GD&ĐT đề xuất khung học phí cho từng địa phương trong cả nước như việc phân chia khu vực trong tuyển sinh đại học.

Nhưng phân chia ra sao đây khi, trong cùng một khu vực hẹp như xã/phường, quận/huyện, thu nhập của các gia đình khác nhau, có khi chênh nhau hàng chục lần. Mức sáu phần trăm thu nhập của gia đình này có thể tương đương 60 phần trăm hoặc hơn nữa so với gia đình khác.

Giả sử khi quy định các mức học phí, chính quyền Hà Nội có thể khu biệt được các hộ nghèo, hộ nông dân ở ngoại thành nhưng với những hộ có thu nhập cận nghèo hoặc trung bình ở nội thành, chênh lệch thu nhập vẫn là bài toán nan giải.

Việc giải bài toán này sẽ tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực vốn đã eo hẹp của các cơ quan chức năng, và thực sự không cần thiết. Trên thực tế, dù các địa phương xử lý bài toán này thế nào đi chăng nữa, con em của các gia đình nghèo vẫn chỉ còn một lựa chọn duy nhất là bỏ học giữa chừng. Con số này có thể lên đến hàng triệu.

Trong khi đó, nguồn thu từ học phí không phải là con số lớn nếu so với các chi phí đầu tư khác của nhà nước. Cả nước hiện nay có 15.300.000 học sinh phổ thông (năm học 2008 – 2009). Nếu trừ đi số học sinh đến từ các hộ nghèo và cận nghèo thì số học sinh phải đóng học phí ước tính là 10.000.000 em.

Nếu tính theo mức học phí bình quân của cả nước là 41.000 đồng/học sinh/tháng (một nửa mức tối đa quy định bởi đề án) thì tổng số tiền học phí của cả nước thu được sẽ là 3.690 tỷ đồng, bằng năm lần chi phí cho đoạn đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa của thủ đô Hà Nội.

Nếu được lựa chọn năm đoạn đường này hay học sinh cả nước được đi học miễn phí một năm, tôi chọn phương án học sinh cả nước đi học miễn phí.

Đời sống của một con người không chỉ có đời sống thể xác mà, quan trọng không kém, là đời sống tinh thần được hình thành bồi đắp trong những năm đến trường. Khi đời sống thể xác của một học sinh bị xâm hại, người xâm hại có thể bị ra tòa.

Nhưng khi đời sống tinh thần của hàng triệu học sinh có nguy cơ bị tước đoạt thì sao? Chưa kể, đây còn hàm chứa sự phân biệt đối xử với học sinh và làm tổn thương ngay cả với các học sinh từ các gia đình khá giả (các em phải đóng góp nhiều hơn).

Điều này rất phản giáo dục, tạo tâm lý phân biệt đối xử giữa người với người ngay từ khi còn ở ghế nhà trường. Với các học sinh từ gia đình khó khăn được ưu tiên mức học phí thấp, thì sự công khai tình trạng nghèo khó của gia đình hàng tháng, và kéo dài liên tục nhiều năm, là sự vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng.

Một ví dụ là ở Anh, học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp sẽ được hội đồng thành phố miễn tiền ăn trưa. Để làm được việc đó, phụ huynh phải trình giấy xác nhận của hội đồng thành phố cho nhà trường.

Nhưng sự trình giấy này là hoàn toàn khả tín, không một học sinh nào trong lớp biết được. Điều này đảm bảo cho học sinh không bị tổn thương tâm lý, tránh cảm giác thiệt thòi khi giao tiếp với bạn cùng trường.

Một nền giáo dục lành mạnh là một nền giáo dục nuôi dưỡng những giá trị phổ quát như sự công bằng, quyền được học tập của mọi trẻ em. Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục không những không làm được điều này, mà còn có khả năng chặn đường đến lớp của hàng triệu học sinh nghèo.

Nhìn tổng thể, đây là đề án có hại cho sự phát triển của nền giáo dục và sự nghiệp nâng cao dân trí nước nhà, không khả thi và sẽ là sự lãng phí lớn, cả thời gian và nguồn lực của xã hội.

Học phí phổ thông không nên chia nhiều mức

Theo tôi, việc tăng học phí phổ thông nói riêng hay học phí cho giáo dục nói chung đều là cần thiết. Vì tăng học phí cũng là một cách kêu gọi trách nhiệm của từng người đối với sự phát triển của nền giáo dục. Tuy nhiên, đã là học sinh phổ thông thì không nên phân biệt nhiều mức đóng góp.

Con em chúng ta đang được hưởng thụ nền giáo dục XHCN. Do đó, việc thu học phí phải như thế nào đó để mọi người cảm nhận được tính ưu việt của giáo dục XHCN, vừa thể hiện trách nhiệm đóng góp cho cái chung phù hợp với khả năng của họ.

Chính phủ cần xem xét tăng học phí ở khu vực nào, khu vực nào cần phân biệt các đối tượng học. Học phí nếu phân theo vùng cũng không ổn vì, dù trong một vùng rộng lớn hay trong một xóm nhỏ, đều có sự không đồng đều về thu nhập giữa các gia đình. Mà không lẽ vì sự không đồng đều này mà có những học sinh cảm thấy mình chịu thiệt, thậm chí phải bỏ học vì trót sinh ra tại nơi có học phí cao?

Ngoài ra, các nhà làm chính sách cần diễn giải kỹ càng hơn cách tính tăng học phí, đưa ra được lý lẽ thuyết phục về căn cứ tăng học phí của đề án để mọi người góp ý. Ví dụ, tại sao đưa ra con số trần sáu phần trăm mà không là con số khác? Hoặc thu nhập bình quân đầu người tính như thế nào?

Trần Văn Vang

(Phòng Kế hoạch, Cty Cổ phần than Đèo Nai, Cẩm Phả, Quảng Ninh)

(ĐH Liverpool, Anh quốc)

MỚI - NÓNG