Hà Nội: Ra ngõ gặp tắc đường

Hà Nội: Ra ngõ gặp tắc đường
TP - Nhiều người lo ngại, nếu không có giải pháp quyết liệt thì, dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô sẽ khốn đốn vì ùn tắc giao thông.
Hà Nội: Ra ngõ gặp tắc đường ảnh 1
Không đèn tín hiệu, không cảnh sát giao thông, tình trạng hỗn loạn và tắc đường đã xảy ra nhiều giờ. Ảnh: PV

Đường Trần Đại Nghĩa vừa mới hoàn thành một năm, góp phần giảm tải cho đường Giải Phóng. Những ngày qua, phố này trở thành điểm nóng vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

Được lắp đèn tín hiệu nhưng lượng phương tiện đổ vào từ phía đường Giải Phóng và Đại Cồ Việt làm nút giao Lê Thanh Nghị - Trần Đại Nghĩa đông cứng người, xe.

Tương tự, đường Đại La, Trường Chinh cũng trong tình trạng ùn tắc cả ngày ngoại trừ đêm khuya. Phố Đại La quá hẹp, dù ô tô chỉ được đi một chiều.

Đường vành đai 2 Trường Chinh gánh đủ loại phương tiện, đặc biệt là xe tải vào ban đêm, nên nguy cơ ùn tắc trên con đường này có thể kéo đến 22 giờ.

Dự án nút giao thông Kim Liên hiện vào giai đoạn nước rút, công trường mấp mô, ngổn ngang vật liệu, cũng làm cho giao thông tại nút luôn căng thẳng.

Những ngày qua, từ 8 đến 12/5, tại đường Khâm Thiên, liên tục xảy ra ùn tắc, kéo theo ùn tắc trên đường Lê Duẩn. Lực lượng công an và trật tự địa phương hết sức nỗ lực nhưng tình hình giao thông trên tuyến không khá hơn vì lượng phương tiện quá dày đặc…

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, Hà Nội vẫn có khoảng 100 điểm thường xuyên ùn tắc, tập trung chủ yếu vẫn là khu vực quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân.

Đặc biệt, tại quận Đống Đa, trên 20 điểm ùn tắc nặng như Đường Láng, Đê La Thành, Chùa Bộc, Trường Chinh, Thái Hà, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng…

Những tuyến đường này được duy tu, tổ chức giao thông lại và thường trực cảnh sát nhưng đều trở nên bất lực trước sự gia tăng chóng mặt của phương tiện giao thông.

Gồng mình chống ùn tắc

Ông Phạm Hữu Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Duy tu Giao thông - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thừa nhận, địa bàn thành phố vẫn còn có quá nhiều điểm, nút, đường giao thông là điểm nóng ùn tắc, cần phải được điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trong tháng Tư và đầu tháng Năm, Sở này tiến hành tổ chức lại giao thông tại 11 điểm, nút, trong đó có nút giao thông Cầu Diễn, nút Đào Tấn - Bưởi, nút Văn Cao - Bưởi, nút Hoàng Quốc Việt - Bưởi và Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, nút Lê Thanh Nghị - Giải Phóng, điểm đầu cầu Quan Nhân, Tôn Thất Tùng - Trường Chinh…

Theo kế hoạch, trong tháng Năm, Sở Giao thông Vận tải sẽ tập trong xử lý nhiều điểm nóng tại một số trục đường hướng tâm và vành đai.

Cụ thể, Sở này sẽ rà soát, điều chỉnh toàn bộ các điểm, nút trên trên tuyến đường Giải Phóng (đoạn Văn Điển - Đại Cồ Việt), trục Láng Hạ - Lê Văn Lương. Đặc biệt, hai cửa ngõ phía tây và bắc là trục Nguyễn Trãi và Nguyễn Văn Cừ cũng được lên kế hoạch tổ chức giao thông.

Theo ông Phạm Hữu Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Duy tu Giao thông – Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các điều chỉnh chủ yếu gồm dựng dải phân cách; phân làn, luồng hạn chế tối đa xung đột dòng phương tiện, lắp đèn, biển báo, sơn vạch…

Kinh phí dự kiến để thực hiện công tác tổ chức giao thông sẽ khoảng bốn tỷ đồng. “Mặc dù không giải quyết được triệt để các bất hợp lý, chúng tôi đặt mục tiêu cải thiện tới mức cao nhất tình hình giao thông tại các khu vực này” - Ông Nam khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, đây chỉ là những giải pháp tạm thời trong vòng một năm tới. Về lâu dài, thành phố phải đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng giao thông như xây dựng thêm đường, đẩy nhanh dự án xe điện (ngầm, nổi),… mới có thể cải thiện bức tranh giao thông chung của toàn thành phố.

MỚI - NÓNG
Trường Đại học chuyển thành Đại học: Không chỉ khác 'danh xưng'
Trường Đại học chuyển thành Đại học: Không chỉ khác 'danh xưng'
TP - Các trường đại học (ĐH) đã và đang chuyển thành ĐH. Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ sự khác nhau giữa trường ĐH và ĐH là như thế nào trong khi các chuyên gia cho rằng, các trường sau khi đổi tên phải thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…