Theo ThS Bạch Quốc Khánh, phó viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu TW, dù choáng một lúc rồi tự hết thì vẫn nên đi khám bởi choáng, ngất do nhiều nguyên nhân.
Nếu ngất do thiếu máu thì đã là thiếu máu nặng, chắc chắn phải truyền máu. Người bình thường (không có bệnh nan y) mà hơi xanh xao, hay ngất xỉu cần tìm hiểu những nguyên nhân khác chứ chưa chắc là do thiếu máu, bởi khả năng thiếu máu dẫn đến ngất ít xảy ra.
Nếu đã xác định được choáng không do thiếu máu thì phải làm xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân (có thể do mạch máu, tim hoạt động không tốt).
Một người bình thường có lượng huyết sắc tố hemoclobin trong cơ thể trung bình là 120g/1 lít máu. Phải thiếu đến mức độ lượng hemoclobin chỉ có dưới 80g/1 lít máu thì mới ngất xỉu. Nếu thiếu máu nhẹ (khoảng 110g/1 lít máu) thì không ngất được.
Khi cảm thấy mệt mỏi hơn so với trước, hay chóng mặt không rõ nguyên nhân thì nên đi khám. Bởi đây là triệu chứng của cơ thể suy yếu. Có người huyết áp ở thời điểm chóng mặt bị tụt, hoặc đường máu có vấn đề...
Những người có bệnh về máu bẩm sinh như tan máu, suy tủy xương, ung thư máu... thì càng phải đặc biệt chú ý đến các triệu chứng choáng, chóng mặt. Thông thường những người này luôn trong tình trạng hơi thiếu máu.
Do đó, nếu có bất cứ điều gì bất thường càng cần phải đi khám.
Làm gì tránh thiếu máu?
Người có chế độ ăn đặc biệt, không đủ chất, người cao tuổi (do khả năng nhai, nuốt, ăn uống kém) thường thiếu máu do thiếu dinh dưỡng. Phụ nữ lại hay thiếu máu do thiếu sắt bởi phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt.
Người thiếu máu lâm sàng da thường xanh, niêm mạc nhợt, mắt nhợt. Làm những việc thông thường, kể cả những việc nhẹ nhàng như đi lại, lau rửa đồ đạc.. cũng thấy mệt hơn, đặc biệt, đi cầu thang thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh (dù trước kia không thế).
Người thiếu máu cần đi xét nghiệm hemoclobin, xác định thiếu máu do nguyên nhân gì. Nếu không xác định được nguyên nhân, chỉ ăn uống tốt thì cũng không giải quyết được gì. Nếu thực sự thiếu máu do thiếu sắt, do dinh dưỡng thì lúc đấy mới đặt vấn đề dinh dưỡng lên hàng đầu.
Để phòng tránh thiếu máu, cần có chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng, không nên ăn kiêng nếu không có thể trạng hoặc bệnh đặc biệt bởi sắt, vitamin có trong nhiều loại thức ăn, cả động vật và thực vật. Khi ăn uống đầy đủ mà vẫn xảy ra thiếu máu thì cần đi khám để xem dạ dày, ruột có phải có vấn đề dẫn đến không hấp thu được không. Nếu thiếu máu trong bệnh lành tính thì chỉ cần truyền máu và kiên trì điều trị bằng dinh dưỡng là ổn.
Theo Khoa học & Đời sống