Cận thị giả và đeo sai kính

Cận thị giả và đeo sai kính
TS Nguyễn Chí Dũng, trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện mắt T.Ư, ước tính đang có trên 3 triệu học sinh bị tật khúc xạ, phần lớn trong đó là cận thị. Tuy nhiên, đang có nhiều sai lầm trong chăm sóc mắt, đeo kính cận ở người cận thị.
Cận thị giả và đeo sai kính ảnh 1

18,9% học sinh nữ ở TP.HCM phải mang kính cận thị. Ảnh: T.T.D. - Tuổi Trẻ

Tại khoa mắt trẻ em Bệnh viện mắt T.Ư, bác sĩ Vũ Bích Thủy cho hay có một bệnh nhân ở Nam Định, cận thị 5 điốp nhưng khi được nhỏ thuốc liệt điều tiết và đo mắt đúng quy trình thì thành... không cận.

Theo bà Thủy, những bệnh nhân này không cần đeo kính, chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn, ăn đủ chất.

“Đang có một số quan niệm sai lầm ở nhóm bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cận thị. Có người cho là nhà nông mắt kém không cần đeo kính vì đeo kính thấy xấu hổ, làm ra vẻ trí thức! Có gia đình sợ đeo kính sẽ xấu, không cho con đeo.

Ở trẻ em, độ cận có thể thay đổi tới... 14 điốp, tức từ không cận nhưng khi đo có thể cận tới 14 điốp. Theo một luận án tiến sĩ, những trường hợp cận thị giả như vậy có thể lên đến 20%” - bác sĩ Thủy cho biết.

Ba tháng một lần

Bên cạnh tình trạng cận thị giả, quan niệm sai lầm đeo kính dưới độ cận thực tế sẽ giúp độ cận không tăng hoặc tăng chậm, cũng khiến cho mắt của bệnh nhân cận thị kém hơn.

Chưa làm gì

Theo TS Nguyễn Chí Dũng, tỉ lệ người cận thị (và các tật khúc xạ khác như viễn, loạn thị) đang có xu hướng gia tăng những năm gần đây ở châu Á. Ở Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tỉ lệ học sinh bị tật khúc xạ có thể là 50-80%. Điều đó cho thấy nếu không có chiến lược phòng chống sớm, VN có thể sẽ đi theo vết xe đổ.

Tuy nhiên, việc phòng chống cận thị ở hầu hết các địa phương mới đang ở giai đoạn 1, tức là... chưa làm gì.

Khảo sát của TS Dũng cho hay theo điều tra mới nhất (năm 2008), tỉ lệ học sinh nam Hà Nội bị cận thị là 19,4%, học sinh nữ lên đến 25,8%. Tại TP.HCM, điều tra năm 2003 cho thấy số học sinh bị cận ở nam là 15,3% và nữ là 18,9%.

Theo bà Thủy, sai lầm này kết hợp với việc sử dụng đơn kính cũ mua kính, trong khi tình trạng của mắt đã thay đổi; tự mua kính cận thị không đúng độ về sử dụng... có thể dẫn đến hàng loạt hậu quả tai hại như nheo khi nhìn, mỏi mắt, co quắp mi, mất độ phối hợp thị giác hai mắt, lác hai mắt. Trường hợp biến chứng nặng, bệnh nhân có thể bị đục dịch kính, thoái hóa hoặc bong võng mạc.

“Người bị cận thị dưới 3 điốp nên đi khám mắt ba tháng một lần. Cận thị mức cao hơn, tần suất đi khám mắt dày hơn. Trường hợp mắt có biểu hiện bất thường cần đi khám ngay. Bệnh nhân cận thị cũng không tùy tiện đi chữa cận bằng các biện pháp chưa được chứng minh là khoa học. Để chăm sóc mắt cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo tư thế ngồi học, đọc, viết đúng tư thế và đủ ánh sáng, giảm nhẹ căng thẳng cho mắt” - bác sĩ Thủy khuyến cáo.

Hơn 1/2 đeo kính đúng

Tại hội thảo mới được tổ chức ở Hà Nội về tật khúc xạ, bà Hà Thị Vinh (Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế) cho biết theo điều tra năm 2005, chỉ 20% cửa hàng kính thuốc có nhân sự đủ điều kiện. Trong bốn năm qua, có thêm khoảng 400 kỹ thuật viên được đào tạo, trong khi cả nước có tới 2.000 cửa hàng kính thuốc!

“Chúng tôi chưa có số liệu về số cửa hàng kính thuốc không đạt chuẩn, nhưng từ năm 2009 yêu cầu nhân sự với cửa hàng kính thuốc là phải có người có bằng cấp trung học y trở lên và có hai năm kinh nghiệm làm việc tại cơ sở chuyên khoa mắt. Thanh tra sở y tế các tỉnh đang rà soát các cửa hàng không đạt chuẩn này” - bà Vinh nói với Tuổi Trẻ.

Theo bác sĩ Thủy, yêu cầu một cặp kính cận tốt là gọng kính phù hợp với khuôn mặt, mắt kính đúng công suất, đúng trung tâm thị giác, khoảng cách từ mắt đến kính là 12mm, độ nghiêng của kính là 12 độ.

Bà Thủy cho biết có nhiều trường hợp bệnh nhân cận thị nhìn đường đi bằng phẳng thành đường dốc, mắt hoa, đau đầu do đeo kính không phù hợp độ cận hoặc khâu mài lắp kính không chuẩn.

Theo bác sĩ Nguyễn Chí Dũng, ngay tại Hà Nội - nơi cửa hàng kính mắt rất nhiều nhưng tỉ lệ người được đeo kính đúng cũng chỉ ở mức 60-70%. Ở Hải Phòng tỉ lệ này chỉ ở mức 50%, TP.HCM 51%...

LAN ANH

MỚI - NÓNG