30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt

30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt
Đây là số liệu được PGS-TS Isabel Correia - Trưởng nhóm liệu pháp dinh dưỡng điều trị Trường ĐH Federal de Minas Garais, Brazil - đưa ra trong Hội thảo chuyên đề: "Tiến bộ mới của liệu pháp dinh dưỡng trong điều trị ung thư" - được tổ chức tại TPHCM vào ngày 13/4.
30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt ảnh 1

Hội thảo do Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư (UT), Hội UT TPHCM phối hợp với Abbott Laboratories tổ chức.

Sụt 5% cơ thể sẽ rút ngắn 1/3 thời gian sống

Theo thống kê của Hội UT Việt Nam, mỗi năm, cả nước có khoảng 150.000 người mắc các chứng UT và 75.000 người chết vì căn bệnh này.

Điều đáng nói, đa số bệnh nhân, người thân và ngay cả các nhân viên y tế mới chỉ tập trung vào vấn đề điều trị đặc hiệu, mà chưa chú trọng đến chế độ chăm sóc dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cho người bệnh UT.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, chỉ cần sụt 5% cân nặng đã rút ngắn 1/3 thời gian sống của bệnh nhân.

PGS-TS Isabel Correia cho rằng: "Có đến 30% tử vong UT là do suy kiệt trực tiếp gây ra. Ngay khi chẩn đoán bệnh dương tính với UT, phải lập tức chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng tránh suy kiệt, giúp người bệnh đáp ứng tốt với điều trị đặc hiệu".

Tại buổi thảo luận, các chuyên gia hàng đầu về UT trong nước và quốc tế đều thống nhất rằng: Dinh dưỡng chuyên biệt là giải pháp tối ưu đẩy lùi tình trạng suy kiệt do UT.

So với bổ sung dinh dưỡng thông thường, kết quả của các nghiên cứu lâm sàng mới nhất cho thấy, dinh dưỡng chuyên biệt với công thức khoa học gồm sự kết hợp của năng lượng cao giàu protein - bổ sung EPA (axít eicosapentaenoic) đã nâng cao đáng kể hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống khỏe của người bệnh.

30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt ảnh 2
PGS-TS Isabel Correia.

Nhà nghiên cứu dinh dưỡng Laura Healy nhận định rằng: Axít eicosapentaenoic mang lại hiệu quả cho các bệnh nhân UT thực quản phải phẫu thuật, nhờ làm giảm các phản ứng viêm do khối u gây ra và tình trạng mất đi khối cơ của người bệnh.

Không có thức ăn cấm kỵ với người bệnh UT

Đối với chế độ dinh dưỡng cho từng loại bệnh UT, theo GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội UT TPHCM, đã khuyến cáo: Chế độ dinh dưỡng phải gồm đầy đủ chất đạm để cơ thể đủ sức đáp ứng miễn dịch. Lưu tâm đặc biệt về mức độ vận động cơ thể, không vì bị bệnh mà nằm yên một chỗ.

GS Hùng cho biết thêm: Nhiều người đã được chẩn đoán chính xác bệnh UT, nhưng vẫn thấy khỏe và sinh hoạt bình thường. Đó là các trường hợp được chẩn đoán sớm như: UT cổ tử cung, UT vú, UT da, UT tuyến giáp cạn. Còn có một số bệnh nhân bị suy kiệt thời gian dài mới được chẩn đoán.

Điều trị UT không chỉ gồm có việc truyền đạm mà phải dùng các liệu pháp chuẩn gồm phẫu, xạ, hóa trị... theo một phác đồ hợp lý, cùng với chế độ dinh dưỡng nâng đỡ đúng mức và khuyến khích người bệnh vận động cơ thể theo sức mình.

Hoàn toàn không có những thức ăn cấm kỵ đối với bệnh nhân UT. Bệnh nhân có thể ăn bất cứ thứ gì thích và cảm thấy ngon miệng. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân không ăn uống được đầy đủ như bình thường thì có thể dùng thêm một loại sữa bổ sung dinh dưỡng có nền tảng omega 3, giàu đạm và cao năng lượng để chống suy kiệt trong quá trình điều trị.

Đối với phụ nữ trên 30 tuổi, cần chú ý thêm khám nhũ (vú), chụp nhũ ảnh, tầm soát UT cổ tử cung. Đối với nam giới, nên tầm soát UT tuyến tiền liệt. ở người trẻ tuổi, chỉ cần khám mỗi năm một lần là đủ. Ngoài ra, nên chú ý những thay đổi bất thường hoặc các triệu chứng như: Sụt cân, ho ra máu, thay đổi thói quen đại - tiểu tiện, xuất hiện u cục... Nếu bị UT, nên có chế độ ăn uống đầy đủ đạm, nhiều cá ít thịt, thêm dầu thực vật, rau quả tươi, uống nhiều nước và vận động thể dục... giúp cơ thể trang bị đủ dinh dưỡng vượt qua bệnh UT.

Theo Võ Tuấn
Lao động

MỚI - NÓNG