“Hỗ trợ sáng tác” nhỏ giọt, tùy hứng

“Hỗ trợ sáng tác” nhỏ giọt, tùy hứng
TP - Tiền hỗ trợ sáng tác không nhiều, anh em văn nghệ sĩ cũng không kêu ca. Nhưng khi khoản tiền ít ỏi này lại bị chia năm xẻ bảy, tới mức người sáng tác chỉ nhận được một phần mười thì quả đáng nói. Chuyện xảy ra ở Bình Định.

Cần nói ngay rằng, một số văn nghệ sĩ (VNS) tỏ ra không quan tâm đến các khoản tiền tài trợ cho hoạt động sáng tác từ phía Nhà nước, có thể vì họ không bị thúc bách về tài chính.

Tuy nhiên, với nhiều người, kể cả dư dả hay không, tiền tài trợ này vẫn là nguồn động viên cho VNS thêm “phấn khởi” sáng tác được thêm tác phẩm phục vụ công chúng.

Tiền tài trợ sáng tác đến từ rất nhiều nguồn: trung ương, địa phương, các Hội chuyên ngành… Trung ương thì căn cứ vào quy mô của từng Hội địa phương. Các tỉnh thành thì tùy theo ngân sách…

Hội VHNT Bình Định được Trung ương hỗ trợ hàng năm 250 triệu (2004), đến 2007 tăng thêm thành 260 triệu/năm, cũng là Hội “lớn” so với Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… chung quanh (180-200 triệu). Cộng thêm khoản tiền dành cho Chính sách phát triển VHNT của tỉnh trên dưới 200 triệu hàng năm, bình quân từ 2002-2007 số tiền chung là 450 triệu/năm.

Con số chính xác theo kết luận của Thanh tra tỉnh số 219/KL-TTr ngày 31-7-2008 là 2.790.670.000 đồng được cấp từ 2002-2007, đã thanh quyết toán với kho bạc 2.319.478.570 đồng, còn thừa chuyển sang năm sau là 471.191.000 đồng.

Điều đáng nói là hơn 2,3 tỷ đã thanh quyết toán, nhưng số tiền đến với hội viên 5 năm (2002-2007) được Thanh tra tỉnh công khai ngày 20-10-2008 chỉ là 225.632.965 đồng, tính cả các khoản khen thưởng (nghĩa là 1/10).

Nếu nói chính xác hơn, tiền đến với hội viên (qua hỗ trợ tác phẩm và khen thưởng) còn ít hơn vì trong số này có chi 48,7 triệu cho 2 người không phải hội viên Hội VHNT Bình Định (chi theo chỉ đạo của tỉnh).

Hơn 2,1 tỷ đã thanh quyết toán hiện giờ vẫn chưa được công khai là chi vào đâu!

Hỗ trợ tùy hứng

Vậy ai xét hỗ trợ? Đó là 3 vị Thường vụ Hội (một nhà thơ, một đạo diễn, một họa sĩ). Có cuốn sách được tài trợ hơn 300.000 đồng, có cuốn hàng chục triệu. Dường như không có quy chuẩn nào! Điều này đã dẫn tới những bất cập khiến nhiều VNS thấy bức xúc.

Ví dụ, để làm được một cuộc triển lãm ảnh, tranh cho đàng hoàng (vì phải có sản phẩm mới được xét), anh em phải bỏ ra hàng chục triệu, nếu in tập có thể lên đến trăm triệu. Vậy mà sau khi “xét”, anh em chỉ được tài trợ vài triệu tượng trưng.

Như, triển lãm ảnh của Võ Chí Hà: 1,2 triệu, triển lãm ảnh Nguyễn Ngọc Tuấn “Hoài Nhơn quê hương tôi”: 1,365 triệu; phòng tranh Nguyễn Chơn Hiền: 3,2 triệu… cuốn sách “Tiếng vọng” của Nguyễn Đình Sinh: 345 nghìn, cuốn “Đồng cảm đồng đội” của Vân Bích: 346 nghìn đồng…

Kỷ lục của sách được tài trợ cao nhất thuộc về cuốn “Huyền tích kinh xưa” (tức “Văn hóa dân gian thành Hoàng đế” đã được Hội Văn nghệ-Dân gian VN hỗ trợ xuất bản) là: 13.751.724 đồng!

Nhiều cây bút có tầm của văn nghệ Bình Định: Đào Viết Bửu, Trịnh Hoài Linh, Nguyễn Thanh Xuân… chưa thể in nổi tập thơ vì không có tiền. Lỡ vay mượn in xong chỉ xét hỗ trợ vài ba trăm ngàn như đã nêu thì “ăn mày” luôn!

Hoặc theo “cơ chế” tài trợ sáng tác mà Hội VHNT Bình Định đang làm thì nhiếp ảnh gia nổi tiêng Đào Tiến Đạt, hàng trăm giải thưởng quốc tế, Tước hiệu Nghệ sĩ FIAP, nhiều năm qua không hề được một xu (không luôn tiền thưởng đoạt giải quốc tế, trong khi Hội VN Bình Định lại có thưởng cho những ai đoạt giải trong nước?!) dù bạn bè anh ở khắp nơi chỉ cần đăng ký đề tài là được nhận 8-9 triệu.

Cũng cần nói thêm, một chuyến đi thực tế sáng tác ở địa phương của chi hội văn học (15 người, 1 ngày) chỉ được chi… 300.000 đồng (chuyến đi Cát Khánh- Đề Gi, Thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh…, 2006). Anh em phải chạy đôn chạy đáo các nguồn tài trợ từ doanh nghiệp để có tiền xe tiền ăn trưa… Sao lại có thể chi số tiền quá bèo bọt như vậy?

Bình Định có chính sách riêng!?

Ở Phú Yên, theo nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, chuyện in sách được thực hiện khá đơn giản. Đăng ký đề cương, Hội xét xong là tài trợ giấy phép xuất bản và in 300 cuốn. Ai muốn in nhiều hơn thì bỏ thêm tiền.

Ở Gia Lai, nhà thơ Hương Đình cho biết tài trợ theo quy mô (số trang), thơ mỏng hơn truyện nên quy đồng 3-5 triệu cho hai thể loại này một cuốn. Quảng Ngãi cũng chi hẳn hết tiền cho anh chị em nào đăng ký trong năm, trừ chủ tịch Hội dù có sách in.

Qua nguồn từ nhà báo Thanh Xuân (Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Phú Yên), ví dụ thêm, Chi hội anh được “giải ngân” đầu năm 2008 là 40 triệu. Số tiền này hẳn sẽ thiết thực đến với các nhiếp ảnh gia và họ, đương nhiên không thể không có tác phẩm.

Đã có những cuộc họp, những kiến nghị. Câu hỏi vì sao lại có thực trạng đầu tư nhỏ giọt, được lãnh đạo Hội Bình Định trả lời nhiều lần từ các cuộc họp rằng, tỉnh ta khác các tỉnh kia! Anh em VNS đều hoang mang không hiểu Bình Định khác ở điểm nào? Trong khi, chính quyền tỉnh hàng năm chi khoản tiền hàng trăm triệu vì mục tiêu phát triển văn nghệ tỉnh nhà, mà số tiền này lại không đến được anh em VNS.

Làm thế nào để đồng tiền hỗ trợ sáng tác được về tay VNS đúng nghĩa, đúng mục tiêu? Làm sao để anh chị em VNS không còn cảm giác đồng tiền nhân dân ưu ái rút ruột gửi gắm cho “đời sống tinh thần” không bị sử dụng méo mó?

Làm sao để những người thực sự có năng lực mà nghèo, có thể ra mắt những sản phẩm sáng tạo tâm huyết của mình? Câu trả lời thuộc về lãnh đạo Hội VHNT Bình Định.

MỚI - NÓNG