Khi chúng tôi sở thị nước uống đóng bình thương hiệu K. của cơ sở Kim K. ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, gần chục công nhân cơ sở này đang chùi rửa bình đựng nước đóng bình loại 20 lít bằng nước rửa chén. Họ pha nước rửa chén vào thau rồi đổ vào bình nước xúc qua loa. Nhiều bình sau khi rửa còn bọt xà phòng nổi lên lợn cợn nhưng sau đó nó vẫn được đưa vào công đoạn đóng chai. Các nhân viên của cơ sở cho rằng, bình nước sẽ sạch sẽ khi được dán nhãn và phủ nilon. |
Bên ngoài cơ sở nước uống đóng bình, chai có thương hiệu T. ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, hàng trăm bình nước màu xanh nằm chỏng chơ với bụi đất.
Khi chúng tôi có mặt, vài nhân viên đưa bình vào khu vực nền đất dùng vòi nước xịt vào bình và xúc rửa qua loa rồi đưa ra phơi khô không cần ngâm, chà rửa và khử khuẩn bằng hóa chất theo quy định.
Nước để đóng chai tại đây lấy từ giếng khoan, ở tầng nước trên nên nguy cơ nhiễm các kim loại nặng và nhiễm vi sinh, vi khuẩn rất cao nhưng chủ cơ sở này quả quyết: "Nước rất sạch sau đó được xử lý bằng tia cực tím".
Một vài cơ sở nhỏ lẻ khác còn đóng trực tiếp nước từ nguồn nước giếng bơm lên vào bình, sau đó tút lại bằng cách dán nhãn mác và bao nilon rồi cho ra thị trường.
Công bố mới đây của Trung tâm Nước Sinh hoạt & Vệ sinh Môi trường Nông thôn TP.HCM cho hay, trong 107 mẫu nước lấy từ nguồn nước ngầm của các hộ dân ở quận 9, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, 52 phần trăm mẫu nước bị nhiễm vi sinh nặng gây bệnh tiêu hóa. |
Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân- Khoa Y tế Cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng (YTDP) TPHCM cho Tiền Phong biết, hầu hết các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình nhỏ lẻ như cơ sở T. đều không đảm bảo vệ sinh.
"Đa số loại cơ sở này dùng nguyên liệu sẵn có từ nước giếng bơm tại chỗ và đóng thủ công nên mỗi lít nước thành phẩm chỉ tốn vài trăm đồng. Chi phí để họ bỏ ra làm dây chuyền sản xuất nước tinh khiết thấp lại cho lợi nhuận cao nên rất nhiều người đổ xô làm"- bà Ngân nói.
Theo bà Ngân, công nghệ làm nước đóng bình tinh khiết của các cơ sở này rất đơn giản, nếu không nói là quá qua loa. Các cơ sở sau khi lấy nước từ giếng, lọc qua các cột than cho bay mùi phèn, quét qua tia cực tím để tiệt trùng rồi đóng bình, dán nhãn nước tinh khiết coi như xong. Còn bình, chai chủ yếu được tái sử dụng, rửa bằng xà phòng nên độ Ph rất cao.
"Các kim loại nặng như asen, thủy ngân, lưu huỳnh và vi sinh tồn tại trong nước ngầm không được xử lý. Uống trong thời gian dài, nguy cơ ung thư hoặc sẩy thai rất dễ xảy ra"- Thạc sĩ Ngân cho biết.
Lê đôi dép dính đầy bụi cát, công nhân tên T., làm tại cơ sở nước đá thủ công Thiên L. ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức dẫm lui chà tới trên các khay đựng đá trước khi bơm nước từ giếng khoan lên cho vào khay để đưa vào lò. Không biết nguồn nước từ giếng khoan thế nào nhưng nước không thấy được thanh lọc, sau đó được cho vào khay gỉ sét, cáu bẩn. Cạnh đó, hàng chục cây nước đá đã ra lò, nhìn rõ bên trong thấy bụi cát bám đầy. Phía bên dưới cây đá là những váng phèn đông cứng đang được công nhân bốc lên xe. |
Theo khảo sát của Trung tâm YTDP TPHCM năm 2008, trong 77 cơ sở nước uống đóng bình thì 51 cơ sở quảng cáo không đúng sự thật.
Các cơ sở này hầu hết không tuân thủ các điều kiện về nguyên tắc vệ sinh trong quá trình sản xuất, cơ sở vật chất xuống cấp, quy trình sản xuất không được chuẩn hóa.
"Số cơ sở không đạt này lọc nước bằng than hay sỏi rồi đưa qua hệ thống dùng tia cực tím tạo ozone khử trùng, thậm chí đưa thẳng nước từ giếng vào bình và đóng chai đem bán. Không có cơ sở nào có công nghệ màng lọc thẩm thấu ngược"- một cán bộ Trung tâm YTDP cho biết.
Các cơ sở làm nước đóng bình thường cung cấp cho các đại lý với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/bình 20 lít |
Theo bác sĩ Lê Trường Giang- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ngay trong thời điểm này, Sở sẽ mạnh tay với các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình và nước đá.
"Các mẫu nước kiểm tra nếu không đạt, cơ sở sản xuất không tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm"- Bác sĩ Giang nói.
Cũng theo bác sĩ Giang, báo cáo của Trung tâm YTDP ngày 23/2 về kiểm tra nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan đã qua xử lý tại các trạm cấp nước tại 4 trạm cấp nước An Phú Tây 1,2,3 và 4 trên địa bàn huyện Bình Chánh - TPHCM cho thấy, các chỉ tiêu hàm lượng Clo, độ pH và độ đục trong nước đều không đạt.
"Theo quy trình sản xuất đá tinh khiết tiêu chuẩn, nguồn nước phải lấy từ độ sâu 90m, xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím. Ngoài ra, các bộ phận khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều bằng inox, không bị gỉ sét. Quy trình sản xuất nước đá khép kín hoàn toàn tự động, không có sự tiếp xúc trực tiếp với bàn tay con người" - Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Ngân nói. |