Ai giám sát cái Tết 2.500 tỷ đồng cho người nghèo?

Ai giám sát cái Tết 2.500 tỷ đồng cho người nghèo?
TP - Vụ việc chi tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết Kỷ Sửu của Chính phủ cho nhiều hộ khá giả, có quan hệ họ hàng với trưởng thôn, phó thôn, thư ký thôn tại  thôn Thống Nhất (An Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đang gây bất bình trong dư luận.

>> Tiền Tết của người nghèo: Những chiêu bớt xén
>> Lương hai triệu đồng/tháng cũng được phát tiền Tết
>> Tiền Tết cho người nghèo: Bớt xén kiểu "quân dân chính"
>> Quảng Bình: Phát tiền Tết sai phạm trên diện rộng
>> Thứ trưởng Bộ Tài Chính : Vi phạm phải xử lý
>> Thủ tướng yêu cầu : Tổng kiểm tra chi tiền Tết cho người nghèo

Ai giám sát cái Tết 2.500 tỷ đồng cho người nghèo? ảnh 1

Gia đình chị Thương, hộ nghèo ở Quảng Bình chỉ nhận được 100 nghìn đồng dịp tết vừa qua. Ảnh : Minh Toản.

Riêng thôn này đã chi sai 20 triệu trong tổng số 50 triệu đồng được phân bổ.

Từ vụ việc trên và một số vụ việc tương tự, công chúng có quyền đặt câu hỏi, liệu khoản ngân sách 2.500 tỷ đồng từ Chính phủ có đến đúng, đến đủ tới hơn 10 triệu người nghèo (chiếm 12,1% dân số) trên cả nước dịp Tết vừa qua hay không, và số tiền chi sai như kiểu ở thôn Thống Nhất là bao nhiêu ?

Chuyện bớt xén, ăn chặn của người nghèo từ ngân quỹ nhà nước, từ tấm lòng từ thiện của cộng đồng xảy ra không ít lần. Càng đau lòng hơn khi họ đang tâm ăn bớt cái Tết vốn đã rất đạm bạc của những người cùng khổ, xúc phạm hàng triệu trái tim nhân ái hết lòng vì người nghèo.  Truyền thống văn hóa cao quý "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" của cả dân tộc đã và đang bị những vụ việc kể trên gây tổn hại nghiêm trọng.

Những kẻ đang tâm ăn bớt, ăn chặn của người nghèo cần phải được xử lý nghiêm minh. Song rõ ràng không thể không tính đến trách nhiệm của những cán bộ, những công bộc của dân được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm lo, phân bổ và giám sát cái Tết trị giá 2.500 tỷ đồng cho hơn 10 triệu người nghèo.

Người nghèo vốn "thấp cổ bé họng", ít có khả năng tiếp cận thông tin. Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách, từ chủ trương đúng đắn của Chính phủ, từ tiền thuế lao động chân chính của hàng chục triệu công dân sẽ có nguy cơ bị thất thoát nếu không có một cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ và công khai minh bạch.

Xây một cây cầu, làm một con đường hay một công trình cụ thể với hàng loạt nguyên tắc về tài chính, kiểm toán… mà vẫn còn  để xảy ra tham nhũng, thất thoát. Hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách quốc gia chi cho cái Tết của hơn 10 triệu người nghèo trên phạm vi cả nước càng cần sự giám sát nghiêm ngặt từ bộ, ngành và chính quyền các cấp, từ công luận và từ cả chính những người thụ hưởng.

Ý kiến bạn đọc

Lê Anh Tuấn, Email: ...bk2003@yahoo.com

Rất mong Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, cử đoàn Thanh tra

Chính sách của Nhà nước là một chính sách nhân đạo hợp với lòng người lòng dân, phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, một số cá nhân lợi dụng chức quyền đã làm sai lệch khiến cho nhiều người nghèo vẫn chưa được nhận tiền trong dịp Tết.

Trong khi đó, ngân sách nhà nước đã chi hỗ trợ, vậy tại sao số tiền đó không đến tay người nghèo đúng lúc...và còn đó những khúc mắc như người không nghèo vẫn nhận được tiền, người nghèo khi nhận tiền lại khấu trừ tiền vì nợ đóng góp...

Rất mong Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, cử đoàn Thanh tra để giám sát, kiểm tra tình hình một cách khách quan, tránh tình trạng bao che cho những sai phạm và xử lý một cách nghiêm minh để làm gương.

Minh Anh (HN), IP Address: 220.253.51.162

Chính sách tốt cần có cơ chế phù hợp

VIệc phát tiền cho người nghèo đã ít nhiều bị lợi dụng. Giờ đây, chúng ta sẽ lại tốn công thanh tra, kiểm tra rồi điều tra. Chúng ta đã trao quyền cho một bộ phận cán bộ thiếu chuyên nghiệp gây thất thoát tiền công, đặc biệt làm lỡ một dịp Tết vui cho một số người nghèo, làm tổn hại đến ý nghĩa của chính sách nhà nước.

Thực ra, chúng ta có thể làm đơn giản hơn rất nhiều. Thiết nghĩ, với các khoản trợ cấp trên chúng ta có thể in giấy báo đến từng hộ gia đình thông báo quyền lợi và thủ tục. Tiền và danh sách lĩnh tiền chuyển qua ngân hàng.

Ngân hàng căn cứ danh sách và giấy chứng minh để cấp phát trả tiền cho dân. Chúng ta đâu cần phải chuyển tiền cho trưởng thôn- một cấp quản lý mang tính tình nguyện và phong trào thiếu chuyên nghiệp.

Thật đáng tiếc là một việc nhỏ như vậy cũng xảy ra tiêu cực do không có cơ chế hiệu quả để thực hiện gây hiệu ứng ngược đối với một chính sách đầy tính nhân văn.

Từ việc nhỏ, liên tưởng đến những việc khác lớn hơn, số tiền lớn hơn, số đối tượng có quyền lợi nghĩa vụ liên quan lớn hơn. Với một kiểu cơ chế như thế, sẽ có bao nhiêu tiêu cực thất thoát và bao nhiêu bất bình?!

Nguyễn Minh Tâm, Email: n...41@yahoo.com. 

Phải xem lại cán bộ !

Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Việt Hùng khi đặt vấn đề: Ai kiểm soát khoản chi 2.500 tỷ đồng cho cái Tết của người nghèo năm nay. Chủ trương chi 3.800 tỷ đồng cho hơn 10 triệu người nghèo (1/9 dân số nước ta) có cái Tết vui vẻ là hành động hết sức kịp thời, có ý nghĩa chính trị rất cao.

Thế mà chỉ vì không kiểm soát đến nơi đến chốn, để cho những "quan tham" ăn chặn, chi sai, làm cho ý nghĩa chính trị của hành động này vì thế mà giảm đi.

Trước hết, phải xem lại cơ chế hoạt động cứu trợ, trợ cấp xã hội; phải kiểm tra tận nơi chứ không thể ngồi chờ địa phương báo cáo như đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính định làm. Bởi vì nếu chỉ ngồi ở trên chờ báo cáo thì kết quả chắc chắn sẽ là mọi việc đều tốt.

Như việc chống tham nhũng đấy, đã có địa phương, đơn vị nào báo cáo là tại địa phương, đơn vị mình có tham nhũng đâu? Phải chờ đến khi bị dư luận hoặc cơ quan điều tra, thậm chí là đối tác nước ngoài phát hiện (vụ PCI - đại lộ Đông Tây TPHCM), lãnh đạo địa phương, đơn vị đó mới chịu vào cuộc kia mà.

Vì đây là công tác xã hội nên cần phát huy vai trò của Quỹ cứu trợ và nên lập một cơ quan riêng do Mặt trận Tổ Quốc đảm nhiệm chuyên lo việc cứu trợ, trợ cấp.

Chính phủ muốn trợ cấp cho dân cũng chuyển vào quỹ này chứ không trực tiếp phân phối. Các cơ quan công quyền chỉ cần làm tốt vai trò giám sát, quản lý hoạt động chứ không nên trực tiếp đứng ra làm vì sẽ xảy ra hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Hai là phải xem xét lại cán bộ. Lâu nay đã có cái tệ là cứ có khoản tiền nào chi ra là có chuyện ăn chặn, bớt xém, tham ô, đục khoét, kể cả từ viện trợ cho đến các khoản trợ cấp cho nạn nhân bão lụt, thiên tai, hỗ trợ người nghèo.

Việc này nghiêm trọng không phải do số lượng thất thoát lớn mà nguy hiểm ở chỗ nó làm giảm lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước. Không chỉ có những người trực tiếp vi phạm phải bị xử lý nghiêm mà còn phải xem xét cả trách nhiệm của thủ trưởng cấp trên của họ tại các địa phương để xảy ra vi phạm vì đã không quản lý, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định của Luật phòng chống tham nhũng.

Hồng Trần, Email: ...pom@yahoo.com.vn

Tiền Tết cho người nghèo,giúp cho người nghèo có được một cái Tết đầy đủ là một chính sách rất hợp lý của Nhà nước ta.Việc tại một số địa phương các cán bộ làm trái với hướng dẫn của chính phủ là một điều đáng lên án.

Tuy nhiên chúng ta cũng cần có những sự nhìn nhận việc này một cách sâu xa hơn. Tại một số địa phương việc xác nhận hộ nghèo vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.

Trong những năm gần đây có một số chính sách cho người nghèo vay vốn sản xuất. Nhiều gia đình không thuộc diện nghèo nhưng có nhu cầu muốn được vay vốn nên đã dựa vào mối quan hệ nào đó xin xác nhận là hộ nghèo... vì vậy khi có quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc hỗ trợ tiền cho người nghèo ăn tết đã xảy ra các tiêu cực như cào bằng ,chia đều...

Ngoài ra những gia đình thuộc diện đói nghèo theo tiêu chuẩn thường hay trây ỳ trong các công việc của làng xã,các khoản đóng nộp thường chậm trễ. Nên khi nhận được tiền từ chương trình này một số nơi đã trích lại để bù vào các khoản tiền điện hay thuỷ lợi phí...

Nguyễn Hùng Cường, Email: ...qc@yahoo.com

Công tác giảm nghèo tại cơ sở: dễ mà khó...!!

Quy trình đánh giá xếp loại Hộ nghèo tại cơ sở:

b1. Hàng năm Bộ và các Sở Lao động - TB&XH có các công văn hướng dẫn, các biểu mẫu điều tra đánh giá Hộ thoát nghèo và rơi vào nghèo mới gửi các Phòng LĐ-TBXH Huyện -TP-Thị xã.

b2. Các Phòng LĐ - TBXH tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách thức điều tra, đánh giá cho cán bộ cấp Xã.

b3. Cán bộ cấp Xã về địa phương, trực tiếp xuống tận thôn bản, khối xóm tổ chức họp dân. Cùng với người dân, đánh giá xếp loại hộ nghèo theo các tiêu chí và các biểu mẫu điều tra.

b4. Sau khi điều tra xong, cán bộ cấp Xã tổng hợp biểu mẫu gửi về Phòng Lao động - TBXH Huyện.

Tuy nhiên, b3 có rất nhiều điều bất cập:

- Cán bộ cấp xã, chủ yếu là cán bộ phụ trách chính sách có trình độ chuyên môn không cao (thậm chí là thấp). Là cán bộ bán chuyên trách (không phải là chức danh), phụ cấp thấp ==>> Không nhiệt tình với công việc ==>> làm việc hời hợt, qua loa đại khái ==>> Hiệu quả công việc không cao ==>> đánh giá xếp loại người Nghèo không chính xác.

- Cán bộ cấp thôn, bản, khối xóm làm việc thiếu trách nhiệm, hời hợt (công việc vác tù và hàng tổng). Trong công tác đánh giá, xếp loại hộ nghèo đây lại là bộ phận thực hiện khâu quan trọng nhất. Hộ nào thoát nghèo, rơi vào "nghèo mới" là do "anh" này.

Nếu như "anh" này không thực hiên tổ chức họp dân mà chỉ ngồi ở nhà cầm bút tác oai tác quái thì tình trạng anh em họ hàng nhà cán bộ khối xóm, thôn bản; Nhà giàu... có giấy chứng nhận hộ nghèo và hộ nghèo "bị thoát nghèo oan" xảy ra là chuyện không thể tránh khỏi. Có địa phương thì ưu tiên cho những hộ có con em đang theo học Đại học, cao đẳng thuộc diện hộ nghèo để được miễn giảm học phí.

Quay trở lại với vấn đề cấp tiền cho hộ nghèo ăn Tết. - Một số hộ nghèo của năm cũ, đến cuối năm đã thoát nghèo (có thể là chưa bị thu hồi Giấy chững nhận hộ nghèo) thì không đủ điều kiện được hưởng (Tại địa phương chúng tôi có khá nhiều hộ dân có đơn kiện không được nhận tiền nhưng đã thoát nghèo).

Vì thời gian có Quyết định của Thủ tướng chính phủ và thời gian cấp phát tiền đã bước sang năm 2009 - Nhiệm vụ đánh giá công tác xoá đói giảm nghèo của năm 2008 đã hoàn thành.

- Tại một số địa phương, đặc biệt là địa bàn miền núi, nông thôn, sự chênh lệch giữa hộ nghèo và hộ ngoài nghèo là không đáng kể. Khi không có chủ trương chính sách hay quyền lợi gì thì làng quê vẫn yên bình, nhưng khi có chủ trương chính sách gì đó thì kiện tụng, chửi bới, thậm chí là hành hung người trực tiếp đứng ra cấp phát.

- Các hộ nghèo (một số hộ) được nhận tiền đồng ý trích một phần nhỏ nào đó cho một số hộ khác có hoàn cảnh tương tự. Điều này theo tôi là có thể được, tuy nhiên việc này phải xuất phát từ tấm lòng của người dân, cán bộ không có quyền tự đưa ra ý kiến, không thể bớt xén để tư lợi riêng cho bản thân.

Cần phải có biện pháp mạnh tay để xử lý những người thực hiện sai, vì điều này làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân đối với bộ may chính quyền cấp cơ sở.

Phan Văn Hoàng, Email: ...hoandth@yahoo.com.vn

Cần nghiêm trị loại cán bộ ăn chặn của dân

Tôi hoan nghênh chủ trương của Đảng và những việc làm cụ thể của Chính phủ trong việc tích cực hỗ trợ người dân, đặc biệt là những hộ, khẩu đang gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, những nghĩa cử đó thể hiện được tính nhân văn trong cộng đồng xã hội, vừa lo cho dân và bảo vệ dân để có một cuộc sống tốt đẹp...

Tôi cũng như những người đã đọc tin trên rất căm phẫn loại cán bộ ích kỷ, hám lợi, ăn bám, ăn chặn bất cứ chế độ nào của dân. Chúng tôi đề nghị chính phủ và các cơ quan chức năng đã kiểm tra cụ thể, có biện pháp xử lý thích đáng, triệt để đối với tất cả các cán bộ dù lớn, dù nhỏ đã cố ý làm trái quy định của Chính phủ để làm gương, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân.

Tôi nghĩ: nói và làm đúng, xử lý đúng theo pháp luật là biện pháp tích cực, hữu hiệu nhất hiện nay trong việc xây dựng một cuộc sống văn minh-công bằng xã hội.

Phan Văn Phu, Email: ...phukhcn@gmail.com

Biết được thông tin Trưởng thôn chi sai tiền hỗ trợ người nghèo ăn tết chắc ai cũng bất bình và phản đối, tôi cũng vậy nhưng có điều bây giờ tôi mới hiểu sự thật về vai trò Trưởng thôn trong phim Gió làng Kình, tôi cứ nghĩ phim hư cấu thêm chứ chức Trưởng thôn làm gì đến nỗi phải vận động chạy chọt và bám trụ đến thế. Đây là điều cần suy nghĩ kể cả việc bầu thẳng chức danh chủ tịch xã.

Nguyễn Minh Tâm, Email: nguyen...@yahoo.com - Đông Ngạc-Từ Liêm-Hà Nội

Mấy năm trước, khi các tỉnh miền Trung chìm trong bão lũ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã chung tay đóng góp để cứu trợ nạn nhân; không phân biệt sang hèn, không kể nhiều ít. Thế mà có một số quan chức địa phương lại bớt xén hoặc "chậm giải ngân". Mãi đến khi báo chí phát hiện, dư luận lên tiếng mới vội vội vàng vàng "chi gấp" để "chữa cháy".

Nay, Chính phủ đã có chủ trương hết sức đúng đắn, lấy tiền từ ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo được vui Tết. Các cụ ta có câu: "Một miếng khi đối bằng một gói khi no". Trong khi những hộ khá giả và giàu ở các thành phố chi cả chục triệu đồng để vui Tết thì đối với những hộ không thu xếp nổi đời sống với 200.000 đồng/người/tháng thì khoản hỗ trợ cũng 200.000 đồng/người đã là quý lắm rồi.

Thế mà cái khoản tiền ít ỏi ấy vẫn còn bị những "tham quan" chi sai và chiếm dụng thì thật là quá đáng lắm. Không thể chịu nổi. Mỗi lần gặp những người ăn xin cầu bơ cầu bất, chúng ta vẫn còn cho họ một khoản tiền nhỏ, vừa để giúp đỡ họ, vừa đẻ thanh thản lương tâm kia mà.

Vì thế, tệ chi sai hoặc chiếm dụng trái phép tiền hỗ trợ Chính phủ cho người nghèo ăn Tết đặt ra dấu hỏi về lương tâm của cán bộ và hiệu lực kiểm soát của bộ máy.

Trước mắt, phải khai trừ khỏi Đảng và cách chức ngay lập tức những cán bộ đã ăn bớt, ăn xén tiền hộ trợ của CP cho các hộ nghèo. Đối với các trường hợp lạm thu để trừ nợ các khoản cũng phải kiểm điểm nghiêm túc và xử lý thích đáng. Người ta nghèo đói, trông vào hỗ trợ của CP để có cái Tết. Còn các khoản đóng góp thì để sau hãy thu chứ hà cớ phải "tận dụng dịp này để thu" như ở Nghệ An đã làm?

Làm ăn kiểu ấy thì chỉ tổ gây mất lòng tin của dân, làm giảm ý nghĩa chính trị của việc CP hỗ trợ người nghèo ăn Tết. Các vị "tham quan" ấy cũng học hành tử tế cả mà sao lương tâm kém quá, "vô chính trị" quá. Không thể để những người như vậy tiếp tục giữ chức vụ được. Họ đã làm cho dân mất lòng tin ở họ và gián tiếp qua họ, giảm lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước rồi!

Truong Quoc ky, Email: ...minh chien@yahoo.com

Tết Nguyên Đán vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ hỗ trợ tiền để người nghèo ăn Tết 200.000đ/nhân khẩu. Đây là sự quan tâm cần thiết đối với người nghèo rất được người dân ủng hộ.

Thế nhưng ở xã..., số tiền trên đến tay người dân đã bị thiếu. Cụ thể, tôi có người anh trai cả gia đình có 4 nhân khẩu và là hộ nghèo, khi xã cấp tiền chỉ được 600.000 đồng. Khi được hỏi là theo tiêu chuẩn phải được 800.000 đồng chứ, thì được trả lời là còn 200.000 đ nữa xã vay, ra tết sẽ trả.

Tôi thấy việc làm của xã là sai với chính sách và chủ trương của Đảng và nhà nước, đề nghị báo Tiền phong làm rõ sự việc.

Trần Văn Phúc, Email: ...phuc@gmail.com

Cần cái tâm người lãnh đạo

Tốt nhất là không để có người nghèo. Khó đấy, nhưng nếu có cái tâm của những người lãnh đạo các cấp chắc người nghèo sẽ giảm dần. Nhưng cái mà chúng ta đang thiếu là cái tâm của những người lãnh đạo nên mới có chuyện ăn bớt.

Nghĩ gì khi con người đã vào thế cùng là sự đói nghèo mà vẫn còn có người ăn chặn miếng cơm manh áo của họ ?

Phan Sơn Long, Email: ...gqn@yahoo.com

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chi tiền hỗ trợ người nghèo ăn Têt Kỷ Sửu 2009 thật nhân văn và đáng trân trọng biết bao, nhất là trong hoàn cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính quyền cơ sở lại để xảy ra những tiêu cực rất lớn, làm ảnh hưởng đến kỷ cương phép nước và gây bất bình trong nhân dân.

Tôi xin đề nghị phóng viên của báo Tiền Phong, nếu có thể, hãy một lần nữa quay về các xã... của huyện.... để làm rõ những bất cập trong việc cấp và nhận tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết.

Tin rằng với những chứng cứ mà người dân quê tôi cung cấp, bài báo sẽ cho độc giả một cái nhìn chân xác về một quyết định đúng đắn, hợp lòng dân nhưng lại bị một số kẻ lợi dụng quyền hạn trong khi thực thi công việc làm sai lệch đi. Xin chân thành cảm ơn!

Thái Quốc Khánh, Email: ...3961@yahoo.com.vn

Thấy tiền... tham bắt quàng cả họ

Tội đáng trách cho những người cố tình phân chia số tiền đầy ý nghĩa đón tết Kỷ Sửu cho mấy người bà con thân thuộc nhưng đáng buồn hơn là bao người nhà cao cửa rộng lại đang tâm nhận số tiền ấy bất chấp danh dự và phẩm giá của mình.

Nhà 2- 3 tầng mà đang tay nhận những đồng tiền chỉ dành cho người nghèo thì nhục nhã biết chừng nào. Sao họ không nghĩ khi mình được hạnh phúc ở trong căn nhà mơ ước của rất rất nhiều người là vinh hạnh biết mấy?!

Nguyễn ngọc Hà, Email: ...063@yahoo.com

Tôi yêu cầu phải truy tố và buộc bồi thường để cho bà con thấy rõ quyết tâm cùa nhà nước luôn lo lắng cho người nghèo.

Phạm Đinh Tuấn, Email: tuantaichinh@....

Kỷ cương phép nước ở đâu?

Đề nghị chính phủ phải tổ chức kiểm tra việc các địa phương có thực hiện đúng chủ trương của chính phủ về việc hỗ trợ tiền cho người nghèo ăn tết xuân Kỷ Sửu hay không.

Thật là vô lương tâm khi ăn chặn tiền của người nghèo dưới mọi hình thức, chính phủ phải sử lý thật nghiêm minh những loại "đầy tớ của nhân dân" kiểu này.

Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Email: ...mai@yahoo.com.vn

Cần nghiêm trị để làm ngương cho người khác

Các cơ quan cấp trên cần phải kiểm điểm lại cách quản lý từ cấp trên xuống, cấp dưới của mình sao cho công bằng để người dân nghèo không bị thiệt thòi. Để không còn tình trạng ''người ăn không hết, người lần không ra".

Qua thực tế cho thấy cách quản lý còn lỏng lẻo. Không riêng gì địa phương đó mà còn nhiều địa phương khác. 

tran manh, Email: ngocbaothu@...

Tôi thật sư đau lòng trước những việc làm mà trưởng thôn Thống Nhất của huyện Quảng Ninh ( Quảng Bình) đã đối xử với những người nghèo đến như vậy.

Tôi đã chảy nước mắt khi nghe được những thông tin này...  Tôi xin tri ân tất cả những tấm lòng dù 1 lần đã, đang và sẽ nghĩ về những người nghèo, những người không may mắn trong cuộc sống.

Thanh Hoàng, Email: ...ziivago@yahoo.com

Chúng tôi thường xuyên được vận động đóng góp để giúp đỡ người nghèo. Chúng tôi thấy đây là một việc làm tốt mang tính tương thân, tương ái và chúng tôi luôn sẵn sàng đóng góp, cho dù cũng chỉ là viên chức nghèo.

Vấn đề ở đây không phải là đóng góp như thế nào (vì tôi nghĩ ai cũng sẵn sàng đóng góp hỗ trợ bà con mình) mà là ở chỗ quản lý và chuyển đến bà con khó khăn của mình như thế nào?

Đọc báo thấy cách làm ăn của những người lãnh đạo thôn Thống nhất và ở nhiều nơi khác mà chúng tôi không tránh khỏi những bức xúc. Đây không phải là lần đầu tiên. Chúng tôi cực lực phản đối thái độ và hành vi đó. Đề nghị Nhà nước nên có những hành động đúng mực để xử lý bọn "sâu mọt" đó, đặng đem lại niềm tin cho người dân và chúng tôi.

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG