Chính thứ ngôn ngữ mới của họ đã tạo nên một tiếng Việt “mới” phong phú, đa dạng và… “lai tạp” nhiều hơn.
Ngôn ngữ biến thể
Chưa bao giờ ngôn ngữ của giới trẻ lại có nhiều biến thể như hiện nay. Không khó để nhận biết những biến thể này. Chỉ cần lướt qua vài blog hay những “chat room” (nơi tán gẫu) của giới trẻ là có thể nhận ra được sự phát triển “tự do” của ngôn ngữ đến thế nào.
Những từ ngữ được thêm, bớt, “sáng tạo” như: Khoan tặc (quảng cáo khoan cắt bê tông bừa bãi mất mỹ quan), Đào Bồi (đào tạo và bồi dưỡng), Mông tặc (chỉ những kẻ gây án dùng kim tiêm đâm vào mông phụ nữ)…
Hay trong ngôn ngữ chat, một số người còn thể hiện “đẳng cấp” của mình bằng những từ vựng “giản dị”, phổ biến như: iu (yêu), bjt (biết), dzui ze (vui vẻ), iếu (yếu), bao h (bao giờ), ljnk (tên Linh), ac ac (thể hiện sự ngạc nhiên), ank (ảnh), kaj (cái)…
Đó là những từ ngữ “đặc trưng” mà chỉ dân chat chuyên nghiệp mới có thể… “phiên dịch” được.
Đặc biệt với giới trẻ tuổi teen (tuổi đang cắp sách đến trường) thì ngôn ngữ đó đã trở nên thông dụng, phổ biến hơn trên những blog (nhật ký cá nhân) hay trong những cuộc trò truyện online (trên mạng internet). Sự ngẫu hứng trong cách thể hiện ngôn ngữ đã tạo nên phong cách rất riêng của họ và đó còn là “tín hiệu” để giới trẻ nhận ra nhau.
Không chỉ sử dụng từ ngữ biến thể, mà giới trẻ còn “biến thể” luôn cả giọng điệu diễn đạt của mình để tạo “ấn tượng”. Đầu năm nay xuất hiện một bài văn gây xôn xao dư luận được cho là của một nữ sinh trường Marie Curie.
Bạn gái ấy đã viết nhiều câu tương tự thế này: ”Đồ quỷ sứ, tao là đàn bà phụ nữ hẳn hoi, hàng họ đầy đủ, tem chưa bóc, còn zin 100%, thế mà mài dám gọi tao = anh àk, bà lại vả cho một fát thì hết cả lấc cấc bây h…"
Có một blog nhiếp ảnh nghiệp dư đã chiêu dụ "khách" bằng 1 slogan (khẩu hiệu) "khủng bố" thế này: " Hớn thành đẳng cấp, bựa thành show". Không cần hiểu thấu nghĩa, biết chắc chủ nhân đã làm tốt cái việc tạo cảm giác "choáng!" tức khắc cho bất cứ ai. Câu này nhanh chóng được "người hâm mộ" dùng triệt để trong vô số tình huống.
Thực tế không chỉ ở Việt Nam mới xuất hiện những ngôn ngữ biến thể này mà ở các nước khác cũng vậy. Việc sử dụng những từ ngữ “giản lược”, từ lóng là khá phổ biến.
Các tác giả 9X này có lẽ chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là "câu khách" blog của mình. Muốn "khách hàng" được giải trí và bằng mọi cách khuấy lên- "làm nóng" ngôn ngữ.
Mật mã - tín hiệu để nhận ra nhau?
“c0c^".....c0c^"...hA` pe()" ra nhAn^.QuA` cUA? tu"_xinK_jU naZ"...h`yhy`.....lu0n^ kut3 b ju naZ"....c0^" gaG" an it" th0i^..ch0 gay` b0T*' di,daG" thon thA? rui` th`i nhAnh2 c0' ng`.iu nhE"...dE^? c e min`h c0n` chjA sE? nuA`* cHU"....he^`he^`.....okie.................:x......:X...:x”
(cốc…cốc… Hà béo ra nhận quà của tu_xinh_yeu này… hì hì.. luôn dễ thương bạn yêu nhé… cố gắng ăn ít thôi cho gầy bớt đi, dáng thon thả rồi thì nhanh có người yêu nhé… để chị em mình còn chia sẻ nữa chứ…)
Thật chẳng dễ dàng gì để giải mã đúng những ký tự “mật mã” mà giới trẻ viết ra nếu như chưa quen với chúng. Giới trẻ cho rằng, sử dụng những kí hiệu ấy tạo “cảm giác” phấn khích hơn cách viết thông thường, đôi khi chỉ là thể hiện, hay không muốn bố mẹ biết được nội dung câu chuyện.
Những ký tự đặc biệt này đã được kết hợp vào với nhau sao cho gần giống với những chữ cái nhất để nó có tượng hình thật đặc biệt, độc đáo, cuốn hút sự tò mò của người đọc.
“…nA^u Na(/m rO^\i Ho^Ng Ga(p. a^/Y.,…>_<… NhO*/ qUa/ Tro*\I lUo^N…>_<… h0^m nA\o rAnh? Mi\Nh dI cHo*I na/…” ( …Lâu lắm rồi không gặp ấy… Nhớ ấy quá trời luôn…Hôm nào rảnh mình đi chơi nhé…)
Những “mật mã” tiếng Việt đó được sử dụng rất nhiều trong các cuộc trò chuyện của giới trẻ đặc biệt là thế hệ 9X. Khi những “mật mã” của giới trẻ lần đầu tiên xuất hiện, nó đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận về sự tác động của những ngôn ngữ này lên tiếng mẹ đẻ nhưng rốt cuộc nó vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu của teen Việt khi giao tiếp với nhau qua mạng Internet.
Ngôn ngữ là một phương tiện hữu ích nhất để con người giao tiếp với nhau, chính vì vậy số đông người đọc sẽ không chấp nhận lối viết” mật mã bí hiểm này”. Đọc được thì cũng phải mất không ít thời gian và sức lực. Chắc nó cũng chỉ sống ung dung thoải mái trên mạng mà thôi.
Việt - Anh pha tạp
“Ấy check cái phần test đó rồi send cho tớ, nếu thấy good thì sẽ request lại nhé”. Đó là mẩu tin nhắn chứng tỏ tiếng Anh đã phổ biến đến mức đi thẳng vào ngôn ngữ hàng ngày. Có lẽ sự “pha tiếng” này là do môi trường ảnh hưởng nhiều đến phong cách nói và dần dần trở thành thói quen của các bạn trẻ khi “phát ngôn” hàng ngày.
Đôi khi việc sử dụng những câu nói đệm “tiếng Tây” thế này dẫn đến những tình huống “dở khóc, dở cười” khi chúng thâm nhập vào trường học và đã không ít lần thầy giáo cũng… vi phạm: Cuối giờ học thầy giáo nhắc nhở học sinh “các em về nhà nhớ làm bài tập, có gì không hiểu thì phone (gọi)cho thầy. Mai chúng ta làm bài test (kiểm tra) nhé”.
Hay: “Các em về download (tải xuống) bài test này và send (gửi) vào email (thư điện tử) cho cô.
Nếu là giới trẻ thì những từ tiếng Anh đệm kia sẽ là quen thuộc nhưng với những người lớn tuổi, những vị phụ huynh mà vốn từ tiếng Anh còn nhiều hạn chế thì sẽ gây ra sự khó hiểu và đôi khi khó chịu không thể “nuốt” nổi.
“Con đang online, phải làm slide để gửi cho thầy ngay, ba mẹ cứ ăn cơm trước đi”. Đó là một tin nhắn mà một sinh viên gửi về cho ba mẹ, nội dung có thể hiểu thế này: “Con đang trên mạng internet, phải làm bài tập trên phần mềm trình chiếu để gửi cho thầy giáo ngay, ba mẹ cứ ăn cơm trước đi”.
Có không ít bạn trẻ bị người lớn chỉnh đốn vì thứ Việt 'trộn" Anh, họ lý sự: " trong lúc nhắn tin thay vì phải viết những 3 từ tiếng Việt cháu chỉ phải viết 1 từ tiếng Anh.
Cháu viết cho bạn gái: "Này honey" nghe ngọt mà không "sến", lại nhanh nữa chỉ bấm 7 lần. Nếu giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ thì sẽ thành " Này, em thân yêu" 12 lần bấm và cô bạn gái chưa chắc đọc đã thấy sướng".
Ngay cả khi viết bài này, người viết cũng cố gắng không chêm ngoại ngữ thế mà đâu có thoát. Từ "teen" vẫn cứ phải dùng đi dùng lại nhiều lần thay cho cụm từ "thanh thiếu niên".
"Mật mã" ngôn ngữ tác động mạnh tới giới teen có lẽ còn bởi họ thấy mình "an toàn" và yên tâm trong "bức tường lửa" mà tuổi khác không thể "xâm nhập". Vấn đề của họ còn ở chỗ "không phân biệt đối tượng khi "bắn" ngôn ngữ đã được "mã hoá"".
Không khó để bắt gặp những câu có tiếng Anh chêm vào trong cuộc sống hằng ngày của giới trẻ và thật khó để những câu nói kiểu đó làm hài lòng những đối tượng giao tiếp khác nhau.
Ở phương Tây, ngay tại các nước nói tiếng Anh, các phụ huynh từng có những "chiến dịch" sàng lọc ngôn ngữ tiếng Anh biến thể trên mạng nhưng đã gặp thất bại.
Ở ta cũng hiện tượng tương tự, giới trẻ không "thoát" khỏi xu hướng toàn cầu, ngôn ngữ của họ biến tấu thay đổi theo tháng theo quý. Quy luật đào thải tự khắc loại những trào lưu kiểu như "ngọng hóa"," thô tục hóa", "ngây ngô hóa"…để cập nhật các "dòng" mới và rồi người trong "tường lửa" cũng phải già đi, tự bước ra ngoài, chắc chắn họ không dại gì mà nói năng kiểu "mật mã" khi đã thành một công chức thành đạt.