Giai đoạn này thường kéo dài không lâu, các nang trứng còn lại nhanh chóng thoái triển, ngưng tiết estrogen để rơi vào thời kỳ mãn kinh thực sự.
Khi nào người phụ nữ bước vào tuổi hồi xuân
Về hoạt động sinh dục, cuộc đời người phụ nữ có thể chia thành 4 giai đoạn dựa vào diễn biến của kinh nguyệt:
Thời kỳ trước dậy thì (chưa có kinh nguyệt); dậy thì (bắt đầu có kinh nguyệt); thời kỳ hoạt động sinh dục (các chức năng sinh sản phát triển hoàn chỉnh); thời kỳ mãn kinh (không còn kinh nguyệt, không thể thụ thai, các chức năng sinh dục suy kiệt).
Trước khi mãn kinh hoàn toàn thường có giai đoạn chuyển tiếp gọi là tiền mãn kinh với một số thay đổi đặc biệt. Trong giai đoạn này kinh nguyệt thường không đều, chu kỳ kinh dài ra hay ngắn đi, lượng máu kinh thay đổi nhiều lên hay ít đi một cách đặc biệt, có thể rong kinh, băng kinh.
Kèm theo thường xuất hiện các rối loạn về thần kinh thực vật như các cơn nóng mặt (bốc hỏa), hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, mất ngủ, cáu gắt, giảm tập trung...
Đôi khi trong thời kỳ tiền mãn kinh, do sự tiết hormon sinh dục nữ suy giảm gây cơ chế feed-back (điều khiển ngược) lên vùng dưới đồi - tuyến yên dẫn đến tăng tiết đột ngột các hormon hướng sinh dục tác động lên buồng trứng, kích thích các nang trứng còn lại chế tiết estrogen tăng vọt.
Người phụ nữ lúc này chịu ảnh hưởng của nồng độ nội tiết tố nữ tăng cao, hoạt động sinh dục có thể tăng lên, cơ thể cảm thấy như trẻ lại, dân gian thường gọi là hiện tượng “hồi xuân”.
Các rối loạn ở thời kỳ hồi xuân
Đa số phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh đều có một số biểu hiện đặc biệt, có thể ít nhiều khác nhau ở từng người do cơ địa, nhưng nói chung đều xuất hiện các rối loạn sau:
Các rối loạn vận mạch
Cơn bốc hỏa: thường ở đầu, mặt, cổ, diễn ra trong vài phút, có thể lên đến vài chục cơn mỗi ngày. Các cơn bốc hỏa này thường xảy ra khi có các thay đổi, kích thích tâm lý và mất đi tự nhiên.
Vã mồ hôi: Thường xảy ra sau các cơn bốc hỏa, do hiện tượng co mạch trở lại gây toát mồ hôi đầm đìa, thường xảy ra vào ban đêm. Chóng mặt, nhức đầu: do hiện tượng co mạch máu não, có khi gây cảm giác mất thăng bằng. Hồi hộp, đánh trống ngực.
Các rối loạn tâm lý: Mất ngủ, ngủ không sâu; nóng tính, hay cáu gắt, cảm giác dễ bị tổn thương, hay lo lắng về sức khỏe. Một số ít phụ nữ có thể bị trầm cảm, thường xảy ra ở những người có tiền sử tâm lý không ổn định.
Các rối loạn ở đường sinh dục và tình dục: Tổ chức liên kết vùng niệu - sinh dục mỏng đi, tưới máu ít làm âm hộ xơ teo nhỏ, niêm mạc âm đạo teo mỏng, khô nhẵn nên dễ bị tổn thương sang chấn. Tử cung nhỏ dần, nội mạc tử cung mỏng, teo đét.
Các hệ thống treo cơ quan sinh dục như cân, dây chằng nhão, có thể dẫn đến sa sinh dục. Giao hợp khó khăn do khô âm hộ, âm đạo, đau rát dẫn đến sợ giao hợp, ham muốn tình dục cũng giảm nhiều.
Các thay đổi ở da: Da mỏng, lớp mỡ dưới da giảm, các tổ chức liên kết lỏng lẻo làm da nhăn nheo, chảy xệ. Các thụ thể androgen giảm, gây rụng lông mu, lông nách, các tuyến nhờn teo nhỏ làm da khô, cùng với hiện tượng giảm tưới máu ở da làm da càng ngày càng mỏng đi.
Các thay đổi ở hệ tiết niệu: Niệu đạo teo nhỏ, lỗ đái mở rộng gây hiện tượng són đái, nhất là khi gắng sức. Có thể xuất hiện đái buốt, đái rắt, nhiễm khuẩn tiết niệu ngược dòng do sự tưới máu vùng niệu - sinh dục bị suy giảm nhiều.
Loãng xương do mật độ xương thay đổi: Nguyên nhân do mất thành phần canxi trong xương vì hấp thụ canxi giảm nhiều. Sự suy giảm trầm trọng nồng độ estrogen trong máu dẫn đến giảm tích lũy canxi ở xương. Ở tuổi mãn kinh người phụ nữ có thể mất 6% khối lượng xương mỗi năm.
Những vấn đề ở hệ thống tim mạch: Tỷ lệ bệnh tim mạch của phụ nữ mãn kinh tăng lên 2-4 lần so với lứa tuổi sinh đẻ. Estrogen có vai trò giảm cholesteron, giảm triglycerid trong máu, thông qua đó có tác dụng bảo vệ thành mạch chống xơ vữa.
Chính vì vậy sự suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh dẫn đến tăng nguy cơ bệnh mạch vành, tăng huyết áp, huyết khối...
Giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Để giảm thiểu các rối loạn tiền mãn kinh, giảm các nguy cơ của thời kỳ này, nâng cao chất lượng cuộc sống, người ta đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó liệu pháp hormon thay thế (HRT-hormon Replacement Therapy) được cho là có hiệu quả tốt.
Liệu pháp này là việc sử dụng estrogen kết hợp với progesteron hoặc không nhằm bù đắp cho việc thiếu estrogen nội sinh. Liệu pháp hormon thay thế giúp làm giảm tất cả các triệu chứng trên.
Nhưng liệu pháp này có thể mang lại một số tác hại như làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, u vú, tăng huyết áp... vì vậy người phụ nữ sử dụng hormon thay thế phải luôn luôn được khám xét bởi các thầy thuốc chuyên khoa để loại trừ chống chỉ định và theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.
Bệnh cạnh việc dùng thuốc, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý (tăng cường vitamin C, B, D, giảm chất béo, bỏ các chất kích thích), thể dục thể thao đều đặn, chế độ nghỉ ngơi, làm việc điều độ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập một cuộc sống thoải mái, có chất lượng, có ích cho cộng đồng.
Theo ThS.Nguyễn Cảnh Chương
Sức khỏe & Đời sống