Đổi mới về tư duy đã dẫn đến sự phát triển vượt bậc về kinh tế. Ảnh: SGGP |
Ông trao đổi về vấn đề này với tư cách là nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là người nằm trong dòng chảy của thời cuộc đã trải nghiệm và thấu hiểu.
Giáo sư Đặng Phong nói: Tư duy kinh tế nói riêng và tư duy nói chung của Việt Nam phải tính đến nguồn gốc của nó.
Người Việt Nam từng phải sống trong chế độ thực dân Pháp, nếm trải được sự cướp bóc của chủ nghĩa tư bản nên quan niệm về các thể chế đó chưa đầy đủ khi thấy ở nó toàn những khuyết tật. Sau đó, Liên Xô được xem như một thiên đường, bởi Liên Xô là cường quốc đầu tiên áp dụng ngày làm 8 tiếng, lương của phụ nữ và nam giới bằng nhau, không còn chế độ chủ - thợ...
Đó là sự bắt nguồn từ tư duy kinh tế theo mô hình XHCN và cũng là một sự lựa chọn không thể khác được. Tuy nhiên, sau khi cách mạng thắng lợi thì tự mô hình đó cũng có vấn đề, đặt ra yêu cầu phải đổi mới.
Đổi mới tư duy kinh tế bắt đầu từ chữ Dân
Theo giáo sư, sau khi cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi, đất nước bước vào thời kỳ mới thì khuyết tật lớn nhất của mô hình kinh tế, tư duy kinh tế đó là gì?
Khuyết tật của một mô hình kinh tế là điều bình thường. Nhưng khuyết tật lớn nhất của mô hình kinh tế XHCN theo kiểu Liên Xô là tự coi mình không có khuyết tật, coi mình là những khuôn vàng thước ngọc bất di bất dịch. Điểm yếu nhất của mô hình đó là một khi đã theo nó thì rất khó thay đổi. Vì thế, mặc dù khủng hoảng, ách tắc nhưng vẫn không dám thay đổi.
Chúng ta đã mất thời gian dài để thoát khỏi tư duy ấy. Chúng ta đã mất mấy chục năm để chuyển đổi mô hình kinh tế tưởng chừng như bất di bất dịch đó.
Nếu như nói mô hình kinh tế XHCN tự coi mình là những khuôn vàng thước ngọc bất di bất dịch, khó thay đổi thì tại sao chúng ta lại có công cuộc Đổi Mới đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng để bước vào giai đoạn liên tục tăng trưởng cao?
Có thể nói công cuộc Đổi Mới của chúng ta bắt nguồn từ đạo lý vì dân, không để dân đói khổ của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chữ Dân đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đến sau này đều rất lớn.
Vì chữ Dân ấy, những nhà chính trị đã hy sinh húy kị để cứu dân. Chữ Dân có sức áp đảo, lôi cuốn dẫn tới sự chuyển đổi. Chính chữ Dân mới dẫn tới thay đổi chứ không phải điều gì khác.
Với sự chuyển đổi đó, tư duy kinh tế của Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong thời kỳ Đổi Mới, thưa giáo sư?
Chúng ta không chỉ mở cửa về kinh tế mà cả tư duy kinh tế. Chúng ta mời chuyên gia Việt kiều về mở lớp nói chuyện, mở các hội thảo về kinh tế. Thời kỳ này là mùa của các cuộc hội thảo, các quỹ nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam.
Lương tâm của không ít cán bộ không còn trong sáng như xưa. Trước đây sai cũng vì dân, biết là sai nhưng vì lợi ích của dân thì vẫn làm. Nhưng bây giờ biết sai nhưng vì lợi ích cá nhân mà vẫn cứ làm. Đó là sai phạm, không phải sai lầm Giáo sư Đặng Phong |
Cùng với mở cửa kinh tế, tư duy mới về kinh tế đã vào Việt Nam, Việt Nam bắt đầu dịch những tác phẩm kinh tế tinh hoa của thế giới để giúp các nhà kinh tế Việt Nam dần hình thành tư duy mới trong điều hành kinh tế. Việt Nam chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, chấp nhận kinh tế thị trường.
Người tiêu dùng được coi trọng, quyền lực từ người bán chuyển sang người mua. Đó là những chuyển biến lớn về mối quan hệ. Kinh tế tư nhân từ chui lủi, bị kỳ thị sang có chỗ đứng hợp pháp. Những nhà kinh doanh tư nhân trở thành một thành phần cơ bản trong nền kinh tế...
Phá rào và chuyện thiếu những hàng rào
Nhưng phải chăng còn có một cuộc Đổi Mới khác không phải đến từ trung ương mà đến từ chính mảnh ruộng của người dân và hàng loạt cuộc “phá rào” của nhiều địa phương?
Đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ phía dưới, người ta phá rào, mở ra những cơ chế mới khiến cho ở trên. Nhưng điều đáng nói ở đây là cái hàng rào bị xử lý chứ không phải người phá rào bị trừng trị. Vì người phá rào đúng, cái hàng rào sai. Cả người phá rào và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gặp nhau ở chữ Dân. Trên dưới một lòng, phép vua thua lệ làng, sau đó lệ làng thành phép vua.
Theo ông, sau hơn 20 năm đổi mới, tư duy kinh tế Việt Nam có cần phải tiến hành những cuộc “phá rào” mới?
Trở ngại của bây giờ không phải là những hàng rào mà chính là không có hàng rào tư duy kinh tế. Cuộc sống luôn chảy như dòng sông, các tư duy kinh tế thường chỉ có giá trị trong khoảng 10 năm.
Sau 20 năm đến bây giờ là tư duy kinh tế lại thiếu đi những hàng rào cần thiết, thiếu hàng rào pháp lý. Tình trạng phá rào giờ là không tốt. Nhà nước chưa nghĩ ra được hàng rào để kinh tế không ách tắc, ví dụ hàng rào để ngăn chặn tham nhũng. Giờ đây tình trạng ăn cắp, móc ngoặc diễn ra ngay cả trong những ngành như giáo dục, y tế.
Khơi dậy những đốm lửa lương tri để tạo sức mạnh
Giáo sư Đặng Phong. Ảnh: Hoài Nam |
Bản thân ông là một người thầy, ông có dám đấu tranh bởi cái xấu xung quanh mình không?
Tôi làm tốt phận sự của mình, đắp bờ vùng bờ thửa để sống cho tử tế. Tôi đấu tranh từ bản thân mình trước, nhà tôi không có cửa, tiền để trong ngăn kéo, sinh viên có thể lấy tiêu. CNXH có lẽ ở trong ngôi nhà của tôi.
Nhà tôi có một bếp tập thể để đãi trò, đêm 20/11 tôi ngồi trong ngôi nhà tràn ngập hoa tươi, tôi giật mình, hoa những ngày này là đắt lắm, mà cắm và ngắm sao hết khi hoa nhiều đến vậy. Thấy lãng phí quá thế nên tôi bảo với các trò của mình rằng, các em có thể tặng hoa cho thầy sau đó một vài tuần.
Ngày 20/11 có trò 12 giờ đêm mới gõ cửa nhà thầy, trên tay là bó hoa mào gà ngắt từ bãi sông Hồng. Với tôi, đó mới là tình thầy trò thật sự, đó mới chính là lương tâm.
Theo ông vấn đề kinh tế tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao của nền kinh tế Việt Nam hiện nay có bắt nguồn từ tư duy kinh tế không?
Theo tôi khủng hoảng không bắt nguồn từ nội tại mà đó là một thứ “dịch bệnh” của toàn cầu. Giới kinh tế học đưa ra những giải pháp rất tốt. Việt Nam đã ứng phó nó theo tinh thần chung của cả thế giới. Sự suy thoái của nền kinh tế là nguy cơ chung nhưng Việt Nam không nghiêm trọng bằng các nước khác.
Nằm trong lợi ích toàn cầu, nếu chúng ta biết lợi dụng thì chúng ta có thể thu hút đầu tư. Trong cơn khủng hoảng này những nước chậm phát triển lại có những cơ hội nếu biết tận dụng.
Mới đây Nhật tạm dừng cấp vốn ODA cho Việt Nam, có phải do những khuyết tật trong tư duy kinh tế của chúng ta đã dẫn tới điều đó?
Theo tôi, không phải vậy mà do chưa có những thể chế rõ ràng.
Theo ông tư duy kinh tế mà Việt Nam chúng ta cần hướng tới là gì?
Tư duy kinh tế sắp tới là tư duy thiết kế những hàng rào thông minh, tập trung xây dựng hàng rào tích cực, để mỗi cá nhân muốn xấu cũng không xấu được, làm điều tốt cho bản thân nhưng phải tốt cho xã hội. Và những vị trí quan trọng phải dành chỗ cho những bộ óc thông minh.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có lương tri, đó chính là tiềm năng để khơi dậy những đốm lửa lương tri để tạo thành sức mạnh.
Xin cảm ơn ông.
Phùng Nguyên - Hoài Nam
Thực hiện