Vì sao cổ đông Vinacam kêu cứu ?

Vì sao cổ đông Vinacam kêu cứu ?
TP - Báo Tiền Phong ngày 27/9/2008 đăng bài “Công văn kỳ lạ của ông Thứ trưởng!”phản ánh những rắc rối quanh việc bán cổ phần tại Công ty cổ phần Vinacam (28 Mạc Đĩnh Chi, Q.I - TP Hồ Chí Minh).

Sau khi báo đăng, Văn phòng Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 5923 truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng phản hồi một số chi tiết trong bài báo.

Tuy nhiên, những lập luận của công văn trên đều thiếu cơ sở thực tế, khiến các cổ đông Vinacam có đơn kêu cứu, sẵn sàng hầu tòa để tìm sự công bằng...

Vấn đề thứ nhất, công văn của Bộ NN&PTNT cho rằng, TCty Vật tư nông nghiệp (sau đây viết tắt là TCty VTNN, trực thuộc Bộ NN&PTNT) bán cổ phần (CP) tại Vinacam không thông qua đấu giá là trái pháp luật. Lý do được Bộ này đưa ra: Cty Vinacam được hình thành từ quá trình CP hoá chi nhánh của TCty VTNN tại TP Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, qua ý kiến của các cổ đông Vinacam và qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thực tế không phải như vậy. Năm 2005, Cty CP Vinacam được thành lập theo Luật Doanh nghiệp.

Trong tổng vốn điều lệ 34 tỷ đồng của Vinacam, TCty VTNN đóng góp 12,5 tỷ đồng, được quy đổi từ giá trị trụ sở và các động sản, bất động sản mà chi nhánh TCty VTNN tại TP Hồ Chí Minh quản lý sử dụng lúc đó.

Do đó, việc chuyển nhượng CP tại Vinacam trước hết phải tuân thủ Luật DN, Điều lệ Cty Vinacam và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật DN phù hợp. Theo đó, việc TCty VTNN bán CP tại Vinacam không thông qua đấu giá là không vi phạm pháp luật.

Vấn đề thứ hai, về quyền thuê nhà tại 28 Mạc Đĩnh Chi (Q.I, TP Hồ Chí Minh), Bộ NN&PTNT cho rằng, “giám đốc chi nhánh TCty VTNN tại TP Hồ Chí Minh đã tự ý làm công văn chuyển quyền thuê nhà từ chi nhánh sang cho Cty Vinacam mà không có sự ủy quyền và không báo cáo TCty là trái pháp luật”.

Trước hết, cần khẳng định rằng, việc này đã được HĐQT TCty VTNN quyết định (số 45 và số 82) và việc giám đốc chi nhánh làm công văn chỉ là “chịu trách nhiệm thi hành”, chứ không tự ý.

Mặt khác, khi TCty đầu tư xây dựng lại nhà 28 Mạc Đĩnh Chi bằng nguồn vốn tự bổ sung thì căn nhà cũ (do Cty Quản lý kinh doanh Nhà TP Hồ Chí Minh quản lý) đã tự đổ sập (có biên bản).

Do đó, theo quy định của pháp luật, hợp đồng thuê nhà giữa TCty với Cty QLKDN đương nhiên vô hiệu.

Thêm nữa, toàn bộ 125.000 CP của TCty tại Vinacam đã được bán hết. Bản thân TCty có văn bản khẳng định: “Kể từ ngày bàn giao, TCty VTNN từ bỏ mọi quyền và lợi ích có liên quan đến tài sản đã bàn giao”.

Do đó, TCty đã không còn bất cứ quyền lợi gì liên quan đến Vinacam. Trong buổi làm việc mới đây với PV Tiền phong, sau khi nhận được văn bản hủy hợp đồng thuê nhà đối với TCty (số 675).

Bà Ngô Thị Ngọc Thanh - Phó trưởng phòng Kinh doanh (Cty Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh) khẳng định TCty không còn quyền và lợi ích liên quan tòa nhà 28 Mạc Đĩnh Chi. Bà Thanh cũng hứa sẽ kiểm tra lại hồ sơ và đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh hướng giải quyết theo đúng pháp luật.

Sự việc không quá phức tạp nhưng không hiểu sao đã mấy năm nay các cơ quan chức năng loay hoay tìm cách giải quyết mà không xong. Trước đó, Vinacam đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT có biện pháp xử lý;

Thậm chí các cổ đông của Vinacam còn yêu cầu Bộ thanh tra quá trình góp vốn của TCty VTNN để làm rõ đúng sai, có hướng giải quyết, kể cả phải hầu tòa thì các cổ đông Vinacam cũng sẵn sàng.

Thế nhưng, đến nay, Vinacam vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ NN&PTNT.

MỚI - NÓNG