>> TPHCM : Làn sóng công chức xin nghỉ việc
>> Cà Mau: 316 cán bộ, công chức nghỉ việc
Trước đây những người làm Nhà nước được tôn vinh. Nay xã hội ta đã và đang từng bước coi trọng cả những người làm ngoài hệ thống Nhà nước.
Cơ quan doanh nghiệp Nhà nước trước đây là sự lựa chọn duy nhất, thì nay có nhiều sự lựa chọn hơn. Những thay đổi này là một bước tiến trong quá trình phát triển và đi lên của đất nước.
Theo tôi việc một công chức rời nhiệm sở để ra làm ở ngoài là điều trăn trở và day dứt, bởi đó là một thử thách giữa thu nhập thấp, nhưng được bình yên, ổn định với thu nhập cao, nhưng cường độ làm việc cao và độ ổn định không cao.
Tôi hoan nghênh những người dũng cảm rời công sở "bình yên" của Nhà nước để đương đầu với những thử thách mới để thực hiện nguyện vọng được làm việc với mức lương cao đúng với công sức và trình độ, cùng với môi trường lành mạnh hơn.
Do vậy Bộ Nội vụ và Bộ Lao động TB, xã hội nên có cách nhìn biện chứng, để đề ra chính sách cán bộ công chức cho phù hợp với điều kện mới.
Chính sách của Nhà nước không chỉ nên dành ưu đãi về lương, bảo hiểm, chế độ học tập nâng nghiệp vụ và tay nghề cho lớp trẻ mới vào các ngành mà còn phải quan tâm cả thế hệ hiện đang làm việc và có nhiều năm là biên chế trong cơ quan Nhà nước, được nhiều Huân huy chương, nhưng đời sống khó khăn do mức lương thấp.
Xin trân trọng cảm ơn Quý Báo đã cho phép đọc giả được chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Nguyễn Tiến Bình-Hà Nội
Email: ...78@yahoo.com
Khâu đánh giá đề bạt cán bộ có vấn đề
Tôi rất đồng tình với ý kiến của một cán bộ cấp phòng của một sở nào đấy khi nói về tâm lý của cán bộ công chức xin thôi việc. Đành rằng vấn đề thu nhập cũng rất quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Vẫn còn đó những người sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng, nhưng điều làm họ chán chường là cách thức tổ chức, quản lý trong các cơ quan nhà nước, nhất là việc đánh giá, đề bạt cán bộ.
Gần như chẳng có một tiêu chí cụ thể nào. Chúng ta còn quá nặng nề về lý lịch. Thường thì những người được gọi là "COCC" hoặc thành phần cơ hội tranh thủ lấy lòng lãnh đạo, luôn được quan tâm đánh giá tốt và đề bạt vào vị trí cao, còn những người "mồ côi" thì chẳng mấy khi đựơc để ý - dù có phấn đấu đến mấy.
Vì vậy, để giữ được những người có đức, có tài, thì ngoài việc cải tiến chế độ thu nhập, chúng ta cần chú ý đến công tác đánh giá, đề bạt cán bộ, không nên nặng về hình thức, mà phải chú trọng đến hiệu quả công tác, vì "hiệu quả công tác là thước do năng lực của cán bộ".