Một nguồn tin cho biết, Công an tỉnh Nam Định đã bắt được một chuyến xe chở 11 cháu nhỏ làm con nuôi người nước ngoài. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ba bị can về hành vi làm giả con dấu tài liệu cơ quan nhà nước. Ở đây là làm giả hồ sơ trẻ sơ sinh cho người nước ngoài nhận làm con nuôi.
Có thông tin cho biết Trần Trọng Lãm, một trong ba bị can, đã xin trẻ sơ sinh từ nhiều nơi, sau đó giao cho hai bị can là Vũ Đình Lợi - trạm trưởng y tế xã Yên Tiến và Trương Công Lịch - trạm trưởng y tế xã Yên Lương.
Lịch và Lợi đã làm giả hồ sơ về nguồn gốc trẻ sơ sinh rồi chuyển tới Trung tâm trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên (viết tắt là Trung tâm trợ giúp nhân đạo) do bà Trần Thị Lương làm giám đốc.
Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm trợ giúp nhân đạo huyện Ý Yên, Trung tâm bảo trợ xã hội Trực Ninh đã đưa hơn 300 trẻ em từ 5 tuổi trở xuống bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh khó khăn sang nước ngoài làm con nuôi
Chiều 11/7, ông Nguyễn Văn Vinh - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định - khẳng định: "Các trung tâm trên không trực thuộc sự quản lý của sở mà thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện nói trên".
Ông Vinh cho biết thời gian gần đây phát hiện những dấu hiệu bất thường, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định yêu cầu sở thẩm tra và báo cáo.
Kết quả kiểm tra cho thấy Trung tâm trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên được thành lập theo quyết định ngày 1/3/2006 của chủ tịch UBND huyện Ý Yên.
Trụ sở và nơi quản lý nuôi dưỡng đối tượng đặt tại khuôn viên của Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em (cũ). Giám đốc của trung tâm này nguyên là chủ nhiệm Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em kiêm nhiệm. Họ có bốn bảo mẫu làm việc theo kiểu hợp đồng thời vụ, không qua đào tạo chuyên môn.
Theo ông Vinh, kinh phí hoạt động trung tâm do ba tổ chức nước ngoài có văn phòng con nuôi nước ngoài là Tổ chức Destimes (Pháp), Tổ chức Thầy thuốc thế giới (Pháp), Tổ chức Moniri (Ý) cam kết tài trợ (trung tâm báo cáo miệng, không có văn bản lưu). Cơ sở vật chất gồm có năm gian nhà cấp 4 và một số trang thiết bị sơ sài, không đủ điều kiện để chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Tính đến ngày 21/6/2008, họ đã bàn giao 100 trẻ cho các tổ chức con nuôi nước ngoài, hiện còn lại 11 trẻ bị bỏ rơi từ 2-5 tháng tuổi chưa kịp làm thủ tục...
Trung tâm trợ giúp nhân đạo huyện Ý Yên nằm tại thị trấn Lâm, nhưng ít người biết đến bởi nó hoạt động khá kín tiếng. Một số người dân sống gần đó nói rằng họ không biết các cháu được đưa đến và rời đi khi nào.
Theo những gì chúng tôi quan sát được khi có mặt tại trung tâm, có ba phụ nữ đang chăm sóc các cháu bé. Có tất cả 11 trẻ, cháu lớn nhất sáu tháng rưỡi, cháu nhỏ nhất ba tháng rưỡi nằm chen chúc, cháu ngủ, cháu thức, cháu đang uống sữa trong hai chiếc giường ghép sát vào nhau và hai chiếc võng trong căn phòng rộng chừng 9m2 có mái thấp lè tè.
Mặc dù hai chiếc quạt bàn quay vù vù hết tốc lực nhưng cái nóng chiều hè vẫn hầm hập. Trên da một số cháu nổi mẩn đỏ từng đám. Tất cả các cháu, gồm ba bé trai và tám bé gái, đều được đóng "bỉm" (bỉm được làm bằng những mảnh nilông bọc ngoài những miếng chăn dạ, khăn mặt hoặc quần áo cũ).
Theo ông Nguyễn Đình Nguyên - trưởng phòng chăm sóc, bảo vệ trẻ em Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định, cơ quan điều tra đang làm rõ mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của các trung tâm này.
Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh thành lập từ tháng 2/2005 đến nay đã tiếp nhận 242 trẻ em bị bỏ rơi. Tại đây đã có 221 trẻ em được đưa ra nước ngoài làm con nuôi, ba trẻ làm con nuôi trong nước. Tại thời điểm kiểm tra, có năm bà bầu đang ăn ở tại trung tâm này chờ sinh nở.
Ông Nguyên cũng cho biết đang đề xuất đưa 11 trẻ từ 2- 5 tháng tuổi còn lại ở huyện Ý Yên về cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho các cháu. Ông đề nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của trung tâm này.
Theo Thu Hoài và nhóm PV, CTV báo Tuổi Trẻ