Tăng lương để giữ chân công chức giỏi

Tăng lương để giữ chân công chức giỏi
TPO - Trong chương trình Đối thoại trẻ trên VTV6 tối 25/3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho biết, lương của ông là 5,2 triệu đồng/tháng. Bản thân ông cũng phải "tìm nhiều cách để phát huy năng lực và thu nhập của mình như giảng dạy, nghiên cứu khoa học, viết sách, tạp chí…"
Tăng lương để giữ chân công chức giỏi ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đối thoại với các bạn trẻ.

Gần một tháng qua, diễn đàn của Tiền phong Online rất “nóng” về vấn đề công chức bỏ ra ngoài làm việc. Các ý kiến tập trung vào hai nguyên nhân chính là thu nhập thấp và môi trường làm việc kém năng động. Vậy tới đây, Nhà nước sẽ có chính sách gì để níu chân những công chức giỏi, thưa Thứ trưởng?

Bộ Nội vụ đang có chính sách để thu hút người tài. Ví dụ, những người có bằng cấp cao sẽ được tuyển thẳng, không phải qua các bước thi tuyển. Những người có điều kiện, khả năng thì trong một thời gian ngắn có thể được tăng lương trước thời hạn, chứ không phải 3 năm tuần tự. Những chính sách này đã và đang được thực hiện từ năm 2007.

Tin, bài liên quan

>> Đề xuất giải pháp thu hút người trẻ vào công sở
>> Đất nước cần người trẻ ở khu vực công
>> Công chức CNTT ồ ạt rũ áo ra đi
>> Bàn chuyện thu phục nhân tài
>> Vì sao nhiều thủ khoa từ chối lời mời của Hà Nội?

Việc tăng lương sẽ thực hiện theo lộ trình của Ban chỉ đạo Tiền lương Nhà nước. Cho tới năm 2012 sẽ cố gắng thực hiện đề án về tiền lương, đảm bảo mục tiêu: lương của công chức đạt được mức trung bình của các doanh nghiệp; đảm bảo đủ sống và có tích lũy.

Vào công chức phải thi tuyển công khai, minh bạch. Bộ cũng đang nghiên cứu việc tuyển vào vị trí của từng công việc. Ví dụ, nếu đủ năng lực, có thể thi tuyển thẳng vào từng vị trí, làm vậy sẽ thu hút được người tài. Điều này sẽ phá vỡ sự tuần tự.

Hiện đang thí điểm tuyển thẳng vào các vị trí trưởng phòng ở Long An, TP HCM, Đà Nẵng. Nghị quyết Trung ương 5 cũng nói rõ về việc này. Chúng ta đang chỉ đạo thi tuyển trực tiếp vào các vị trí, kể cả vị trí lãnh đạo quản lý. Chậm nhất 2011 sẽ áp dụng đại trà cho tất cả các cấp, ngành.

Việc quan trọng khác là đánh giá kết quả cống hiến, kết quả làm việc của từng người và trên cơ sở đó sẽ có hưởng thụ. Tổng thu nhập sẽ theo sản phẩm, theo kết quả làm việc.

Chúng tôi đang đề nghị với Nhà nước, sắp tới có ngày của Công chức Việt Nam để tôn vinh những người này. Thực sự, công chức quản lý hành chính đang là những người quản trị đất nước. Đội ngũ này đang hoạch định chính sách, kiểm soát quá trình phát triển, đồng thời cũng chính là người quyết định tương lai đất nước.

Chính vì vậy, họ có trọng trách rất lớn. Chúng ta phải có chính sách tôn vinh những người đang từng bước trở thành người đầy tớ thực sự của nhân dân.

"Tổng thu nhập trên bảng lương của tôi là 5,2 triệu đồng/tháng"

Theo Thứ trưởng, khoảng bao nhiêu % công chức rời cơ quan Nhà nước vì lý do thu nhập? Thứ trưởng đã bao giờ có ý định ra ngoài làm vì lý do này?

"Việc bao giờ công chức sống được bằng lương, 3 năm hay 5 năm thì tôi cũng chưa nói trước được. Nếu phấn đấu theo lộ trình đã xác định là đến năm 2012".

Theo tôi, ở thời điểm hiện nay, thu nhập chiếm khoảng 30 – 35% quyết định ra đi của công chức. Đề án chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đã đưa cải cách tiền lương, nâng mức thu nhập của công chức lên cho tương xứng với vị trí và cống hiến của họ.

Tổng thu nhập trên bảng lương của tôi là 5,2 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi chưa bao giờ vì thu nhập mà có ý định rời bỏ con đường của mình. Có điều phải tìm nhiều cách để phát huy năng lực và thu nhập: tham gia vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học, viết sách, tạp chí… Việc làm thêm đó sẽ hỗ trợ chuyên môn cho công việc.

Có ý kiến cho rằng, môi trường làm việc Nhà nước trì trệ, điều kiện làm việc lạc hậu, nhân viên làm việc cầm chừng... nên người tài đã ra đi. Theo Thứ trưởng, xu hướng này có tồn tại ở Bộ Nội vụ?

Theo tôi, hiện tượng trên là có nhưng không phải phổ biến. Nhiều cơ quan còn gặp không ít khó khăn nhưng họ ý thức được công việc, sẵn sàng chấp nhận và vượt qua.

Những công việc trong bộ máy Nhà nước đang trong quá trình cải cách, sắp xếp, xác định lại chức năng và nhiệm vụ trong điều kiện mới. Quan hệ hành chính cũ kiểu ban phát, xin cho giờ phải thay đổi, tạo môi trường tốt cho người dân, cơ hội cho các nhà đầu tư. Nhiều công việc mới đang được hình thành. Đội ngũ cán bộ phải chờ đợi những quy định, công việc mới. Vì vậy, một bộ phận công chức đang phải ngồi chờ.

Ở Bộ Nội vụ, cơ quan làm nhiệm vụ cải cách nên có nhiều việc. Nhiều cán bộ phải làm việc ngoài giờ. Hai năm gần đây, Bộ Nội vụ cũng có khoảng 10 người chuyển công tác.

Hiện vẫn còn 300 loại việc gây phiền hà cho dân

Thứ trưởng vừa nói cần phải chấm dứt việc ban phát, xin cho, ông đánh giá thế nào về tình trạng này hiện nay?

Thực ra, tình trạng này vẫn tồn tại. Chính phủ đã yêu cầu phải rà soát tất cả các thể chế, quy định có liên quan tới dân, doanh nghiệp để đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt quy trình rườm rà.

Nhưng trên thực tế, một bộ phận vẫn tùy tiện đặt ra những quy định và nó buộc người dân, doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư phải lệ thuộc vào họ vì lợi ích riêng. Điều này hiện không dám lộ liễu và được làm ở nhiều cấp độ, mức độ khác nhau.

Đây thực sự trở thành điều cấm kỵ đối với tất cả các cơ quan Nhà nước khi thực hiện công khai minh bạch và chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Hiện vẫn còn 300 loại việc gây phiền hà cho dân. Chính phủ đang phải rà lại, cái gì cắt bỏ được là phải làm ngay. Địa phương nào làm không đúng quy định và tự tiện ban hành luật riêng đều bị xử lý.

Vừa rồi, kiểm tra 42 tỉnh, có tới 38 tỉnh sai phạm. Chính phủ đã ra văn bản yêu cầu phải chấm dứt hoặc sửa đổi, điều chỉnh. Đây là thái độ kiên quyết nhằm triệt tiêu tình trạng bao cấp, xin cho.

Việc thi tuyển công chức cũng có một số vấn đề, khi phát hiện, chúng tôi làm kiên quyết như ở Quảng Bình, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc. Khi phát hiện tiêu cực, lãnh đạo cũng phải bị cách chức hoặc chuyển đổi vị trí. Nhà nước không dung dưỡng cho chuyện này.

Ở nhiều doanh nghiệp tư nhân và tổ chức nước ngoài, họ có hẳn bộ phận chuyên “săn đầu người”, vậy Bộ Nội vụ có đơn vị chuyên trách nào lo tìm người tài về làm việc không, thưa Thứ trưởng?

Cơ quan tổ chức nhân sự của mỗi đơn vị phải chịu trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ nhân lực. Bản thân vụ công chức của Bộ Nội vụ cũng đang làm việc này.

Chúng ta đã có một cơ cấu nhưng chính sách không như doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tới trường trả một khoản học phí nhưng cơ quan Nhà nước thì không có quyền làm điều đó mà chỉ có thể tới theo dõi quá trình học tập để khi ra trường thì có đề xuất tuyển thẳng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Linh Linh ghi

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG