Đề xuất giải pháp thu hút người trẻ vào công sở

Đề xuất giải pháp thu hút người trẻ vào công sở
TPO – Nhiều sinh viên khẳng định, khi ra trường sẽ làm việc trong công sở nếu đó là một môi trường năng động, công bằng và chính sách tiền lương hấp dẫn.
Đề xuất giải pháp thu hút người trẻ vào công sở ảnh 1
Nguyễn Như Quỳnh

>> Bấm vào đây để gửi đề xuất của bạn

Nguyễn Như Quỳnh (K43E Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội): Làm việc cho cơ quan Nhà nước mang tính ổn định; tiền lương cũng như việc thăng tiến chủ yếu dựa vào thâm niên.

Những người trẻ không chịu gò bó trong một môi trường kém năng động. Nó khiến chúng tôi không phát huy được hết năng lực của mình.

Muốn thu hút người có năng lực, công sở cần có môi trường năng động, vui vẻ, có nhiều người giỏi. Công việc được phân công đúng với chuyên môn, trình độ từng người. Đặc biệt, môi trường làm việc linh hoạt đó phải tạo nhiều cơ hội cho những người có khả năng cống hiến.

Ngoài ra, việc tăng lương, thăng chức, tiền thưởng… nên dựa trên cơ sở tính chất và hiệu quả công việc của từng người, chứ không phải chỉ dựa vào thâm niên.

Các cơ quan Nhà nước, trong quá trình hội nhập hiện nay, nên có giải pháp xây dựng một môi trường làm việc văn hóa. Điều này góp phần thu hút những người trẻ, tạo động lực cho mọi người làm việc tốt hơn, và quan trọng là tạo được tâm lý tự hào về công ty và công việc của họ.

Đề xuất giải pháp thu hút người trẻ vào công sở ảnh 2
Bùi Văn Thiện

* Bùi Văn Thiện (K49 Sư phạm, Đại học Quốc gia Hà Nội): Tôi sẽ “đầu quân” ngay cho công sở nếu ở đó chúng tôi có cơ hội thể hiện khả năng và một mức thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

Tôi cũng sẵn sàng lên vùng cao dạy học, nếu nơi đó đáp ứng được một mức lương cao. Không ít bạn trong lớp tôi cho biết, sẽ không chọn nghề dạy học, bởi họ không có nhiều cơ hội để phát triển.

Tôi thấy những chọn lựa của họ cũng có lý. Chúng tôi còn trẻ, có khả năng, vậy tại sao chúng tôi không được trả một khoản lương phù hợp với năng lực của mình?

Đành rằng, đất nước đang cần những người trẻ tuổi hy sinh và cống hiến nhưng chúng tôi còn có cuộc sống và tương lai của mình. Có thể có nhiều người nghĩ như vậy là ích kỷ, nhưng tôi thì không cho như vậy.

Nếu công sở có môi trường làm việc năng động, với mức thu nhập đủ sống, tôi tin nhiều người trong chúng tôi sẽ gật đầu. Vì thế, việc nghiên cứu cải cách môi trường làm việc, nâng cao thu nhập cho nhân viên là điều rất quan trọng.

Đề xuất giải pháp thu hút người trẻ vào công sở ảnh 3
Nguyễn Ngọc Trìu

* Nguyễn Ngọc Trìu (K49 Chất lượng cao Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội): Tôi sẽ chọn làm việc ở cơ quan Nhà nước vì ngành học của mình “không có đất dụng võ” ở các cơ quan tư nhân như các ngành kỹ thuật hay công nghệ.

Tôi xác định, làm việc tại cơ quan Nhà nước, không phải nhanh chóng được thăng tiến, dù có khả năng. Điều này cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều bạn trẻ “ngại” vào Nhà nước.

Vì thế, các công sở nên có chính sách khuyến khích người có năng lực bằng cách tin tưởng trao cho họ những vị trí phù hợp. Không nên vì những e ngại như “tuy có năng lực nhưng còn trẻ quá” mà không giao nhiệm vụ quan trọng.

Hiện nay, mức sống đã nâng cao và giá cả cũng khác trước nhiều, nếu chỉ dựa vào đồng lương công chức, tôi tin cuộc sống của mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, Nhà nước nên xem xét việc nâng lương tối thiểu đối với những người mới ra trường để có thể đảm bảo được cuộc sống.

Phan Kiền
Thực hiện

Bạn đọc đề xuất giải pháp thu hút người tài vào công sở

Bạn đọc tên Hùng:

Theo tôi, cần làm ngay việc rà soát lại trình độ công chức, phân định công việc cụ thể từng vị trí; bổ sung định biên chỗ thiếu, loại chỗ thừa. Thi tuyển công chức thực tế hơn. Bộ Nội vụ đảm nhận việc tổ chức thi cho các tỉnh để tránh nhũng nhiễu, sắp dặt.

Cải cách chế độ tiền lương thực tế hơn: Hệ số luơng quá vô lý, công chức trẻ không đủ sống! Trả luơng phải theo vị trí, hiệu quả công việc. Cải thiện điều kiện làm việc. Công tâm trong việc bổ nhiệm.

Bùi Văn Cường; Email: bui_van...@yahoo.com

Tôi là công chức thuộc bộ máy quản lý nhà nước cấp tỉnh. Theo thiển nghĩ của tôi, để thu hút được nhân tài, cần thực hiện các giải pháp sau:

1. Thực hiện tinh giản biên chế một cách triệt để, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đủ năng lực để có chỗ cho những người trẻ có trình độ và nhiệt huyết cống hiến.

Thực tế, bộ máy quản lý hành chính nhà nước chỉ cần 50% số cán bộ công chức hiện nay là quá đủ để điều hành đất nước. Đây cũng là một biện pháp để giảm tải cho ngân sách nhà nước, có tiền trả lương cao cho người có năng lực thực sự.

2. Tổ chức thi tuyển một cách công khai, minh bạch để tuyển vào bộ máy nhà nước những người trẻ có đủ tài, đức phục vụ đất nước. Đây cũng là cách triệt tiêu ý tưởng tham nhũng ngay từ đầu.

3. Thực hiện khoán công việc cho công chức và trả lương theo hiệu quả chứ không theo thâm niên như hiện nay (hàng tuần, hàng tháng họp giao ban phòng, bộ phận để tổng kết tuần này, tháng này làm được những việc gì), tạo ra công bằng và động lực cho sự phát triển.

4. Phá bỏ tiền lệ không bổ nhiệm cán bộ quản lý trẻ mà phải căn cứ vào năng lực, đạo đức để bổ nhiệm. Cải tiến quy trình bổ nhiệm cán bộ, thực hiện bỏ phiếu kín để lấy tín nhiệm và công bố công khai ngay sau khi bỏ phiếu.

5. Xoá bỏ triệt để cơ chế xin - cho. Sau khi tuyển công chức vào 1 - 2 năm, tổ chức sát hạch, ai không đủ năng lực thì sa thải, tránh tình trạng công chức chỉ có vào chứ không có ra như hiện nay.

6. Thực hiện thưởng phạt nghiêm minh chứ không theo kiểu hình thức như hiện nay. Cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật bị cách chức chứ không luân chuyển vị trí công tác, tránh hiện tượng bị kỷ luật ở địa phương, lên Trung ương công tác.

Trần Minh Quang; Email: minhquang...@gmail.com

1. Trong cư xử: Những người làm ở cơ quan nhà nước (đặc biệt có quyền) không phải nghiên cứu đâu xa, mà học ngay cách cư xử và sử dụng nhân tài của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn lớn.

2. Cải tiến cách trả lương. Lương cơ bản phải đảm bảo nuôi sống được mình và một người khác. Thu nhập gắn liền với hiệu quả hoạt động.

3. Lãnh đạo phải là người chịu trách nhiệm duy nhất về hiệu quả hoạt động. Nếu hoạt động không đúng kế hoạch hoặc không hiệu quả thì cách chức.

4. Nên áp dụng hợp đồng lao động trong tất cả các vị trí với nhiệm vụ cụ thể. Cách đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ phải công bằng. Không chấp nhận những lao động "không làm không có lỗi".

5. Người đương chức trong cơ quan nhà nước phải kiểm điểm chính mình, làm gương cho nhân viên.

Nguyễn Văn An; Email: nvan...@gmail.com

Theo tôi, để thu hút được người trẻ có trình độ vào cơ quan nhà nước, trước hết, môi trường làm việc phải phù hợp với ngành đã học.

Thứ hai, đối với sinh viên mới ra trường, chế độ tiền lương phải đảm bảo đủ cho cuộc sống (một nguời đi làm phải nuôi được một người).

Môi trường làm việc trong cơ quan nhà nước phải thực sự công bằng, không được có sự bao che, cân nhắc đối với những người thân có chức quyền khi bổ nhiệm các bộ....

Nguyễn Minh; Email: anhminh23...@yahoo.com

Theo tôi, hiện nay, một số cán bộ từ 49 tuổi trở lên ở các công sở ở tỉnh, huyện không thể ngồi làm việc trước máy tính mà, chỉ biết ngồi chỉ đạo người khác làm...

Tôi đề xuất, Nhà nước nên có chính sách cho các vị này về hưu sớm, để công việc cho lực lượng trẻ đảm đương. Như vậy, sẽ giảm bớt được một số cán bộ lười làm việc, lại tạo ra một làn sóng mới cho các công chức trẻ phấn đấu.

Bên cạnh đó, nhà nước nên tính toán lại chính sách tiền lương. Theo tôi, lương cơ bản phải từ 1 triệu đồng trở lên thì mới có thể thu hút nhân tài trẻ vào làm việc.

Nguyễn Văn Tùng; Email: tunganminh...@yahoo.com.vn

Trước hết, phải lo giữ những công chức có năng lực hiện nay ở lại bằng cách thưởng nóng... Thứ hai, có thể giảm 50% số công chức theo biên chế được duyệt hiện nay. 

Đặc biệt, phải bố trí Trưởng ban Tổ chức là người có chuyên môn, có năng lực về quản trị con ngườ và đặc biệt là phải liêm khiết để có thể nhận xét, đánh giá, bố trí đúng người, đúng việc.

Một bạn đọc; Email: duong...@yahoo.com

Theo tôi, nên có chính sách đãi ngộ đối với những người có trình độ khi vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Đối với sinh viên tốt nghiệp mới ra trường, những người bằng loại khá trở lên, nên được bố trí vào những vị trí thích hợp (miễn thi tuyển).

Phải thanh tra, kiểm tra trình độ, năng lục chuyên môn của cán bộ công chức, giám sát quá trình tuyển dụng.

Trần Nam Sơn; Email: Trannamson…@yahoo.com.vn: Phải có chính sách khác nhau

Nhà nước nên có chế độ chính sách khác nhau giữa những người được đào tạo chính quy và không chính quy. Tôi thấy ở nhiều cơ quan, người học chính quy thì không được trọng dụng mà thay vào đó là những người học tại chức, chuyên tu...

Chẳng hạn, một người học đại học chính quy và một người không chính quy nhưng khi vào làm việc đều có hệ số lương ngang nhau là 2,34 là rất bất công.

Bởi vậy, Nhà nước nên quy định: người học chính quy thì phải có hệ số lương cao hơn và số năm tăng ngạch lương phải ít hơn người không chính quy.

Nguyễn Công Tâm; Email: noi…@yahoo.com

Để giữ người làm trong lĩnh vực công, Nhà nước cần trả lương cao và “đánh” thật mạnh vào những kẻ tham nhũng. Như thế mới có nền hành chính mạnh!

Một bạn đọc: Giải pháp thu hút người tài

1. Giảm 50% đội ngũ công chức hiện nay bằng cách thi tuyển lại chuyên môn, ngoại ngữ, tin học...

Chấp nhận bố trí ngân sách chi trả kinh phí lao động dôi dư như sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là giảm đội ngũ cán bộ công chức cao tuổi, trì trệ, kìm hãm). Còn lại, 50% cán bộ công chức lành nghề có đủ trình độ được tăng ít nhất 2 lần mức lương hiện tại.

Như vậy, tổng quỹ lương chi trả vẫn không đổi, trình độ cán bộ công chức tăng cao, chuyên nghiệp hơn, thu nhập cao hơn.

2. Duy trì chế độ 2 năm kiểm tra lại trình độ cán bộ công chức, ai không đủ trình độ sa thải ngay. Còn lại, tiếp tục tăng lương theo tổng mức lương khoán.

3. Kiên quyết không bổ sung đội ngũ cán bộ công chức cho đến khi ổn định tình hình, cải thiện được tình trạng hiện nay.

Thanh Hoai:

1. Thực hiện thí điểm hợp đồng công chức ở một số cơ quan, đơn vị có thu, từ chuyên viên trở xuống có quyền trong một số lĩnh vực; giao thủ trưởng cơ quan quyền quyết định mức lương, hợp đồng, cũng như chấm dứt hợp đồng.

Thủ trưởng cơ quan sẽ phải chịu kỷ luật ở mức cao nếu vi phạm các điều khoản trong hợp đồng.

2. Thực hiện sổ ghi công việc từng ngày của cán bộ công chức để biết được một ngày, tuần, cán bộ làm được những việc gì, từ đó có tiêu chí và định ra biên chế của mỗi cơ quan.

Hiện nay, cơ quan nào cũng kêu thiếu biên chế nhưng thực ra thừa là chính, dẫn đến lãng phí.

Một bạn đọc

Việc thu hút người "làm được việc", rồi mới nói đến “người tài”, phụ thuộc mấy yếu tố sau:

- Cần có sự phân định rõ chức danh, nhiệm vụ của từng công chức, bộ máy đi kèm với trình độ để giảm bớt số người thừa, bộ máy thừa mới tăng lương được.

- Phải thực hiện được việc chống tham nhũng quyết liệt, chống chạy chức, chạy quyền, làm lành mạnh môi trường làm việc thì việc tăng lương sẽ hiệu quả.

- Các chế độ tuyển dụng, biên chế, các chủ trương... của Nhà nước phải được thực hiện cụ thể, minh bạch chi tiết.

Tran Ha Thanh; Email: cuccu…@yahoo.com

Bộ Nội vụ nên rà soát lại quy trình ra văn bản pháp quy, lấy ý kiến và những quyết định quan trọng liên quan đến sự phát triển bền vững của nước nhà (con người cụ thể).

Theo tôi, phải lựa chọn và có cơ chế đãi ngộ đặc biệt cho những người, bộ phận làm công tác này.

Nguyễn Minh Tuấn; Email: Nguyenminhtuan@....com

Theo tôi, một đất nước muốn phát triển theo xu hướng công nghiệp, hiện đại, văn minh lịch sự thì cần đầu tư phát triển công nghệ thông tin. Tức là, cần đào tạo những con người có trình độ chuyên môn, có đam mê.

Tuy nhiên, để cho những con người đó yên tâm công tác, đem lại lợi ích cho các cơ quan, công sở nhà nước thì chúng ta nên có một chế độ đặc biệt cho họ.

Phạm Thanh Tuyền; Email: pttuyen…@yahoo.com: Nên tăng lương nhưng không quá vội

Đúng là trong ngành giáo dục hiện nay đang bị chảy máu chất xám rất lớn. Tôi được biết, có rất nhiều người công tác đến 9, 10 năm mà vẫn ra đi. Theo tôi, việc nâng lương là rất cần thiết nhưng đừng quá gấp rút để chúng ta có thời gian chuẩn bị.

Nguyễn Quốc Đạt; Email: nguyenquoc.dat….@gmail.com: Tăng lương trước cho cán bộ cao cấp

Theo tôi, nên có một cuộc cách mạng tiền lương từ trên xuống. Tức là, tăng lương thật cao trước cho cán bộ cao cấp (từ hàm Thứ trưởng trở lên chẳng hạn) tới mức ngân sách có thể chịu đựng được, sau đó, sẽ tăng dần các chức vụ duới.

Tôi tin là nhân dân sẽ hoàn toàn đồng tình vì đó là sự công bằng và cũng góp phần chống tham nhũng, chống chảy máu chất xám.

>> Giải pháp đề xuất của bạn?

MỚI - NÓNG