Liên quan đến tiêu cực tại Nhà máy gỗ MDF – Quảng Trị:

Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Miền Trung

Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Miền Trung
TP - 14h ngày 27/2, tại sân Nội Bài (Hà Nội), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (C37 – Bộ Công an) đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với bị can Trần Xuân Đính – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Miền Trung (Cosevco- Bộ Xây dựng).

>> Không dễ gì ông Đính thừa nhận khuyết điểm
>> Bất ngờ bị bãi nhiệm chức Tổng GĐ Cosevco vì tố cáo tiêu cực?
>> Những 'chiêu độc' của Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính
>> DN nợ ngập đầu, Tổng Giám đốc vẫn được thăng chức 

Bị can Trần Xuân Đính bị bắt khi đương sự có đấu hiệu bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Miền Trung ảnh 1

Sáng 28/2, tại trụ sở chính của Tổng Công ty Miền Trung (517 Trần Cao Vân – TP Đà Nẵng), Cục C37 tiếp tục thực hiện lệnh bắt giam đối với bị can Nguyễn Anh Dũng – nguyên GĐ Trung tâm khoa học công nghệ & xây dựng (thuộc Cosevco), cùng lúc tại Đông Hà (Quảng Trị) và Qui Nhơn (Bình Định), lệnh bắt giữ cũng được thực hiện với 5 bị can nguyên là cán bộ của Cosevco khác là Hoàng Công Uyên, Đặng Ngọc Thành (nguyên GĐ và Phó GĐ Công ty Xây dựng 78), Hồ Sỹ Quảng – kế toán trưởng Nhà máy gỗ MDF – Geruco Quảng Trị; Lê Chơn, Nguyễn Khắc Thương (nguyên GĐ và kế toán trưởng Công ty Cơ khí & xây dựng EC5).

Cả 6 bị can trên bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái các quy định quản lý nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án Nhà máy gỗ MDF (Đông Hà) Quảng Trị, theo quyết định phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Viện KSNDTC ngày 26/2/2008. Việc khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can cũng đã được thực hiện.

Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Miền Trung ảnh 2
Bị can Uyên (giữa) bị áp giải từ cơ quan

“Tù mù” hàng trăm tỷ đồng phát sinh từ dây chuyền nhập ngoại

Tháng 6/2001, ông Trần Xuân Đính (khi đó đang là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Cty Xây dựng miền Trung) đã ra quyết định phê duyệt dự án Nhà máy gỗ MDF Cosevco Geruco tại Quảng Trị (viết tắt là Nhà máy gỗ MDF), chuyên sản xuất gỗ ván sợi MDF, công suất 30.000 m3/năm, tổng vốn đầu tư trên 224 tỷ đồng, do Công ty Xây dựng 78 làm chủ đầu tư.

Sang đầu năm 2002, TGĐ Trần Xuân Đính (khi đó đã thôi làm Chủ tịch HĐQT vì bị kỷ luật) đã tìm cách nâng công suất Nhà máy MDF lên 60.000 m3/năm, với tổng giá trị đầu tư trên 299,7 tỷ đồng, trong đó riêng dây chuyền thiết bị nhập ngoại đã là gần 16,6 triệu USD.

Việc “dừng” mức đầu tư suýt soát dưới 300 tỷ, theo những người am hiểu, chỉ là một cách “lách” luật, vì 300 tỷ đồng trở lên là dự án nhóm A do Chính phủ phê duyệt.

Nhà máy khởi công năm 2003, và sau 4 lần điều chỉnh, vốn đầu tư đã tăng vọt lên tới gần 457 tỷ (tăng 52%) (!). Trung tuần tháng 5/2005, Nhà máy khai trương trong không khí tưng bừng, hoành tráng, chi phí khánh thành đã tiêu tốn vài trăm triệu đồng.

Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Miền Trung ảnh 3
Trụ sở Tổng Công ty Miền Trung tại Đà Nẵng    

Những tưởng nhà máy ra đời, CB-CNV có thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhưng chỉ sau đó 6 tháng, Nhà máy gỗ MDF bất ngờ “được” ông Đính sang tay ... bán đứt cho một đơn vị khác !  

Qua điều tra của PV Tiền phong, được biết quá trình xây dựng dự án này, đặc biệt là việc ký kết hợp đồng nhập ngoại dây chuyền chính của nhà máy lộ ra rất nhiều sự tù mù khuất tất.

Có 3 đối tác nước ngoài cùng đấu thầu cung cấp gói dây chuyền công nghệ, là Maschinenfabrik. J. Diffenbacher GmbH & Co. (LB Đức) chào giá 16,6 triệu USD; Siempelkamp (Úc) chào giá 19,5 triệu USD, và nhà thầu Metso chào giá 14,1 triệu USD.

Cuối cùng, công nghệ ép đơn tầng lạc hậu của  Diffenbacher được chọn, còn công nghệ ép đa tầng của 2 đối tác còn lại bị loại, dù được cảnh báo việc chuyển đổi từ đơn tầng sang đa tầng rất tốn kém.

Tháng 6/2002, Bộ trưởng Bộ Xây dựng (lúc đó là ông Nguyễn Mạnh Kiểm) đã có công văn gửi Tổng Công ty Miền Trung khẳng định: Quá trình thực hiện đấu thầu có một số tồn tại nên chưa đủ cơ sở để lựa chọn nhà thầu đã trúng gói thầu trên.

Đồng thời yêu cầu lưu ý xem xét giá cả dây chuyền nhằm tiết kiệm vốn đầu tư, nhưng đã bị lãnh đạo Cosevco phớt lờ. Ngày 12/7/2002, TGĐ Trần Xuân Đính đã “nhanh nhảu” đứng ra ký hợp đồng ngoại với Maschinenfabrik  mà “không cần” được sự ủy quyền của chủ đầu tư là Công ty Xây dựng 78 (HĐ số 117878/02/03/E).

Sau đó 2 tháng (9/2002), GĐ Công ty Xây dựng 78 là ông Hoàng Công Uyên mới ký hợp đồng ủy thác nhập khẩu, ủy quyền cho ông Đính ký kết thực hiện việc mua bán, mà thực chất chỉ nhằm hợp thức hoá việc “lấn sân” sỗ sàng của ông Đính (thậm chí văn bản chính thức lại không cần ghi ... ngày tháng !)

Tuy nhiên, khuất tất lớn nhất chính là sự “vênh” nhau khó hiểu về thời gian; số và ngày tháng ban hành các văn bản, hợp đồng; khác biệt cả về loại ngoại tệ thanh toán theo hợp đồng (giữa đồng USD và EUR) ký kết tại gói thầu trên, dẫn đến thua thiệt, thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước.

Hiện có ít nhất là 2 hợp đồng, một HĐ có số 117878/02/02/E (bản dịch tiếng Việt, không biết căn cứ vào hợp đồng gốc nào ?), và 1 HĐ bản tiếng Anh số 117878/02/03/E, và ngày tháng lúc thì ghi 28/4/2002, lúc lại ghi 27/3/2002 (hợp đồng này đồng tiền thanh toán là USD).

Kết quả là quyết định phê duyệt ký trả bằng tiền USD, nhưng lại thanh toán bằng EUR. Tại QĐ 600 (ngày 27/3/2002), và QĐ số 21, chi phí dây chuyền nhập khẩu là 16,6 triệu USD (tương đương 241 tỷ đồng).

Nhưng đến khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án Nhà máy gỗ MDF (QĐ số 150 ngày 27/1/2006), thì mục chi phí dây chuyền chính nhập khẩu có số tiền là 16,6 triệu EUR tương đương 365,1 tỷ, chênh lệch nhau đến trên 120 tỷ đồng !

Ngoài ra, do có sự bất nhất về văn bản, nên có những điều khoản đã quy định bên cung cấp (nước ngoài) phải trả, nhưng cuối cùng khi quyết toán, thì phía chủ đầu tư Việt Nam lại “lãnh đủ”. Đơn cử như chi phí đào tạo (gần 316 triệu đồng); chi phí chạy thử bên bán chịu, nhưng chủ đầu tư lại được phê duyệt 3,5 tỷ, sau điều chỉnh lên trên 7 tỷ đồng...

Có những hạng mục, thiết bị máy móc theo hợp đồng do phía đối tác nước ngoài sản xuất cung cấp, nhưng vẫn được “kê” vào danh mục chi phí chế tạo trong nước với chi phí nhiều trăm triệu đồng. Lại còn có loại “chi phí vay vốn dự án” lên tới gần 800 triệu đồng mà không biết ai cho phép, và thanh toán vào khoản nào ...

MỚI - NÓNG