Trước đó, ngày 14/1, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố sẽ không cấp visa mới cho các nhân viên làm việc tại 2 cơ sở của Hội đồng Anh tại St. Petersburg và Yekaterinburg, do 2 cơ sở này đã tiếp tục mở cửa làm việc, bất chấp lệnh cấm của chính quyền sở tại.
Đại sứ Anh tại Moscow Tony Brenton đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga để giải thích về việc tiếp tục mở cửa các chi nhánh của Hội đồng Anh bên ngoài thủ đô Moscow. Nga coi đây là hành động “khiêu khích”.
Đáp lại, trong một tuyên bố chính thức, Ngoại trưởng Anh David Miliband cho rằng, hành động như vậy (của Moscow) chỉ làm “vấn đề trầm trọng thêm mà thôi”.
Hội đồng Anh, cơ quan truyền bá văn hoá phi lợi nhuận của chính phủ Anh, bị các chính quyền Moscow cáo buộc vi phạm các quy định về thuế. Moscow đã yêu cầu tất cả các chi nhánh của Hội đồng Anh, trừ cơ sở chính tại Moscow, phải chấm dứt hoạt động.
“Chúng tôi đang xem xét cẩn thận các hành động gần đây nhất của Nga và sẽ tiếp tục tham vấn các đối tác quốc tế. Chúng tôi sẽ sớm đáp trả hành động của chính phủ Nga”, ông Miliband nói.
Hội đồng Anh bắt đầu hoạt động tại Nga từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, có khoảng 14 cơ sở của cơ quan này đang hoạt động trên khắp lãnh thổ Nga.
Theo các nhà phân tích quốc tế, tranh cãi về Hội đồng Anh sẽ làm quan hệ Moscow-London thêm căng thẳng kể từ sau vụ đầu độc cựu điệp viên Alexander Litvinenko ở London.
Linh Huy
Tổng hợp