'Góc Việt' của phu nhân Đại sứ Pháp tại Việt Nam

'Góc Việt' của phu nhân Đại sứ Pháp tại Việt Nam
TPO - Một phụ nữ Tây phương phúc hậu bận chiếc áo bà ba nâu nhưng vẫn toát lên vẻ quý phái. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp bà Marie Charlotte BOLOT, phu nhân tân Đại sứ Pháp tại Việt Nam, người phụ nữ mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt.
'Góc Việt' của phu nhân Đại sứ Pháp tại Việt Nam ảnh 1
Phu nhân Đại sứ Pháp tại Việt Nam Marie Charlotte BOLOT tại nhà riêng (Ảnh: L .A)

Cởi mở và thân thiện, bà Marie đã kể cho tôi nghe về quãng đời thơ ấu của bà tại Việt Nam. Dòng ký ức đầy sống động về những ngày tháng sinh sống cùng cha mẹ tại Sài gòn mấy chục năm qua , nay bỗng ùa về bên người phụ nữ đã luống tuổi.

Đó là những trò chơi tuổi thơ tại Sài Thành, là những chuyến theo chị Hai (Vú em) về vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long đón Tết, là những bữa tắm ở làng quê bằng gáo dừa nước trong tấm phên liếp...

Mẹ là cô gái gốc Hà Nội theo chồng (một người Pháp) vào Sài Gòn và sinh ra bà tại đó. Bà Marie gặp người chồng hiện nay khi hai người học cùng Đại học tổng hợp Sorbone, Paris.

Khi ấy, bà đang theo học ngành lịch sử, còn người chồng tương lai (Đại sứ Hevre BOLOT- PV) theo học ngành ngoại giao. Hai người kết hôn khá sớm và bà đã theo chồng đi công tác nhiều nơi trên thế giới từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp, Zimbabwe, Mỹ, Áo, Rumania và hiện giờ là Việt Nam. Có thể nói, thời gian hai ông bà Đại sứ và các con ở nước ngoài còn nhiều hơn thời gian sống tại Pháp.

Cho tới nay, điều đáng tiếc duy nhất đối với bà Marie là bà ngoại mất sớm, nên mẹ bà phải theo học tại một trường Pháp ở Hà Nội, ít được nuôi dạy theo phong cách truyền thống của người Việt. Bà nuối tiếc nói:“Giá mà bà ngoại không mất sớm, chắc rằng tôi sẽ học được nhiều về nếp sống gia đình Việt từ bà.”

Tuy nhiên, bà Marie cũng đã học được từ mẹ cách nấu món ăn Việt, dù chỉ là những món đơn giản và tiếng Việt. Trong gia đình bà ở bên Pháp, có rất nhiều kỷ vật về Việt Nam mà mẹ bà mang theo. Vào những dịp Tết truyền thống của Việt Nam, mẹ bà vẫn tổ chức những bữa cơm thân mật theo đúng phong cách người Việt, cũng có cả bánh chưng, dưa hành...

“Tôi nói được chút ít tiếng Việt”, bà Marie tự hào khoe mặc dù bà thừa nhận ngữ điệu của bà chưa tốt và không thể phân biệt được các ngữ điệu miền Nam và miền Bắc ngay trong giọng nói của mình. Hiện nay, khi đi ra phố mua sắm, bà đã cố gắng nói tiếng Việt thật nhiều. Bà cho biết, kể từ tháng 1/2008, bà sẽ thuê gia sư dạy tiếng Việt một cách bài bản.

“Tôi muốn hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam”. Đó là quyết tâm của bà Marie. Nếu như trong suốt  23 năm qua theo chồng đi “sứ” ở nhiều nước trên thế giới, bà đều phải thích nghi với phong tục, tập quán của mỗi nước, nhưng khi đến Việt Nam, dường như đó là bổn phận và trách nhiệm của một người con mang dòng máu Việt phải biết về văn hóa và con người quê hương.

Nhiều dự định tại quê hương

Mới sang Việt Nam chưa đầy ba tháng, nhưng lúc nào bà Marie cũng bận rộn. “Bởi lẽ, khi tới một nơi mới, phải mất nhiều thời gian để tổ chức cuộc sống, như phải mua gì và mua ở đâu. Tôi cho rằng, công việc của một phu nhân Đại sứ cũng là một công việc choán hết phần lớn thời gian. Và đặc biệt, đối với Việt Nam, tôi thực sự muốn hiểu biết nhiều hơn về đất nước này, quê hương của tôi”, bà Marie tâm sự.

Vừa mới sang Việt Nam được hơn một tháng, bà đã tích cực tham gia Hội chợ từ thiện do Câu lạc bộ phụ nữ quốc tế Hà Nội tổ chức. Tại đó, với tư cách là phu nhân Đại sứ Pháp, bà đã tổ chức một gian hàng theo phong cách Pháp như các món ăn Pháp, thời trang Pháp.

Toàn bộ số tiền thu được từ hội chợ này nhằm ủng hộ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Bà cho biết, mỗi năm mới có được một hội chợ như vậy là quá ít. Bà mong muốn nó diễn ra thường xuyên hơn. Năm tới, bà dự định sẽ mang sang giới thiệu các sản phẩm thủ công của Pháp tại Hội chợ này.

Đầu tháng 12 vừa qua, bà được mời tham gia thắp sáng cho cây thông Noel tại Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội nhân dịp Lễ hội Giáng sinh từ thiện được tổ chức tại đây. Ý tưởng tổ chức lễ hội này là do bà đề ra và được Ban Giám đốc khách sạn nhiệt liệt hưởng ứng.

Trên cây thông có 50 chiếc phong bì, với mỗi phong bì là một điều ước của những trẻ em nghèo trường Nguyễn Viết Xuân (Hà Nội). Những ủng hộ của các vị khách trọ nơi đây sẽ góp phần giúp các em thực hiện những điều ước này.

Ngoài ra, bà Marie rất muốn sẽ làm được nhiều việc hỗ trợ cho sinh viên Việt Nam đang theo học ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp. Bởi lẽ, bà rất yêu thích công việc giảng dạy, rất có thể bà sẽ tổ chức các lớp dạy học tiếng Pháp miễn phí cho các em...

Lần đầu tiên, cả gia đình Đại sứ BOLOT  đón Giáng Sinh và Năm mới tại Việt Nam. Cô con gái sẽ cùng gia đình bay sang Việt Nam đoàn tụ cùng bố mẹ nơi quê hương của người mẹ yêu quý.

MỚI - NÓNG
Quốc hội ‘chốt’ quy định mới về bán thuốc online
Quốc hội ‘chốt’ quy định mới về bán thuốc online
TPO - Các đơn vị bán thuốc online có trách nhiệm đăng tải đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược của người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở, thông tin về thuốc đã được phê duyệt theo quy định của Chính phủ.