Lan Nguyễn, 28 tuổi, từng mơ có một ngôi nhà khi từ Việt Nam sang Nam California (Mỹ) cách đây 11 năm. Tuy nhiên, Lan Nguyễn và chồng có thể không bao giờ có đủ tiền vì phải chi phần lớn để thuê căn hộ tại Garden Grove.
Nay, Nguyễn đã chuyển tới vùng ngoại ô thành phố Houston, bang Texas, nơi cô sở hữu căn hộ 4 phòng ngủ, có cả bể bơi với giá 200.000 USD.
Nguyễn là một trong số nhiều người Mỹ gốc Việt từ California đổ xô đến Houston bởi giá nhà đất ở đây rẻ, chi phí cho cuộc sống thấp hơn và nhiều cơ hội kinh doanh béo bở.
Houston có thể mang đến “Giấc mơ Mỹ” cho người Việt sau khi họ không thể có được nó tại California. Tại San Jose và Quận Cam, nơi tập trung đông nhất cộng đồng người Việt tại Mỹ, giá nhà đất tăng vọt và trở nên quá sức với một số người.
Người Mỹ gốc Việt di cư tới Houston là một phần trong câu chuyện điển hình của California, nơi kinh tế đang yếu đi và nhiều người dân Mỹ đang ra đi. Nghiên cứu hàng năm của Cục Tài chính công bố ngày 20/12 cho biết có 89.000 người Mỹ rời khỏi California năm 2007.
Cộng đồng người Việt tại Houston hiện lớn thứ 3 ở Mỹ với khoảng 85.000 người năm 2006, tăng 1/3 chỉ trong 6 năm. Các lãnh đạo cộng đồng và môi giới bất động sản ở Houston cho biết bắt đầu nhìn thấy người Việt từ California di cư đến đây từ 5 năm trước, chủ yếu do giá nhà ở thành phố này rẻ hơn.
Khi người dân đổ xô đến Houston, giới kinh doanh bất động sản cũng quảng cáo giá nhà đất trên các tờ báo của người Việt tại California. Các nhà phát triển thuyết phục việc mở rộng kinh doanh tới Houston.
Thiên Phạm, chuyên kinh doanh bất động sản, cho biết có khách hàng của ông bán 1 căn hộ ở California với giá 1 triệu USD và sau đó mua 7 ngôi nhà tại Houston với giá 170.000 USD – 200.000 USD. Một căn hộ hạng trung ở Houston có giá khoảng 145.000 USD.
Trong khi đó, căn hộ cùng loại ở Westminster có giá 520.000 USD, Garden Grove là 475.000 USD và 640.000 USD ở San Jose. Với 175.000 USD, Vicent Ho, 36 tuổi, mua 1 ngôi nhà ở Houston lớn hơn gấp 3 lần so với ngôi nhà cũ (ở California). Vincent Ho bán ngôi nhà cũ với giá 600.000 USD và số tiền còn lại anh đã đầu tư mở rộng kinh doanh ở Quận Cam.
Những người Việt đầu tiên đến Texas làm nghề chài lưới ở gần vịnh Mexico để kiếm sống. Họ cũng có thể kiếm việc làm trong lĩnh vực bán lẻ, sản xuất… Sau đó việc kinh doanh của người Việt bắt đầu phát triển trên khắp Houston, tập trung trong khoảng 6 km, dọc đại lộ Bellaire, phía tây nam của thành phố. Khu phố này cũng tương tự Bolsa ở Little Saigon.
Houston cũng có siêu thị người Việt, nhà thờ, chùa và các nhà hàng với những món ăn ngon không kém phở được bán tại Little Saigon. Tại đây còn có bác sĩ, luật sư, người môi giới nhà đất nói tiếng Việt. Thậm chí những ngôi sao nhạc pop người Việt nóng bỏng nhất cũng dừng chân ở Houston.
Một số doanh nhân người Việt đã mở rộng việc kinh doanh ở California tới Houston. Thương hiệu bánh mì Lee,s Sandwiches (của tỷ phú Lê Chiêu) nổi tiếng khắp California đã mở 2 cửa hàng ở Houston trong 2 năm qua.
Các nhà đầu tư người Mỹ gốc Việt đang rót hàng triệu USD vào Houston, nơi vẫn còn nhiều chỗ trống để xây dựng hệ thống cửa hàng và nhà ở. Ông Lưu Trần Kiêm đang có kế hoạch chi 300 triệu USD để mở trung tâm mua sắm Saigon Plaza ở đại lộ Bellaire (Houston) vào năm tới.
GBI Group, Cty phát triển nhà của ông Trần Kiêm, đã mở rộng kinh doanh tới Irvine và Houston cách đây 2 năm. Cty của ông còn có những dự án khác ở Houston bao gồm kế hoạch xây hàng trăm ngôi nhà để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng người Việt.
Ông Trần Kiêm nhận thấy nhiều cơ hội trong các lĩnh vực kinh doanh mới ở Houston hơn Little Saigon, nơi đã ken đặc bởi hàng ngàn hiệu làm móng, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ với sự cạnh tranh quyết liệt.
“Houston là cơ hội cuối cùng cho các nhà đầu tư thuộc cộng đồng châu Á ở Mỹ”, ông Trần Kiêm nói. Khu người Việt tại Houston còn có lợi thế khi cách không xa cộng đồng người Hoa, Hàn Quốc, La-tinh, Pakistan.
Trong khi đó, Little Saigon chủ yếu phục vụ cho cộng đồng người Việt. Ông Trần Kiêm tin rằng một ngày nào đó, khu người Việt ở Houston sẽ lớn hơn và tốt hơn Little Saigon.
Tuy nhiên, ở Houston cũng có thách thức. Khí hậu ngột ngạt ở khu vực này buộc nhiều người phải ở trong nhà vào mùa hè và một số người mua nhà để đầu tư cũng khó tìm được người để cho thuê.
T.Đ
Lược dịch từ Los Angeles Times