>> Đại biểu ĐH Đoàn IX đối thoại với Phó Thủ tướng
>> Xem clip buổi họp báo thông báo kết quả ĐH Đoàn khóa IX
Tham dự có anh Võ Văn Thưởng - Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn khóa IX cùng hai Bí thư T.Ư Đoàn là chị Lâm Phương Thanh và anh Nguyễn Hoàng Hiệp.
Anh Dương Xuân Nam - Tổng Biên tập báo Tiền phong, người tham gia Ban Thường vụ nhiều khóa - đã nói lời chúc mừng mở đầu buổi họp báo: "Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 9 vừa thành công tốt đẹp.
Thay mặt anh em trong báo Tiền phong - những người làm báo của tuổi trẻ, và hàng triệu bạn đọc của báo Tiền phong xin gửi lời chúc mừng tới đồng chí Võ Văn Thưởng, các đồng chí trong Ban Bí thư, Ban Thường vụ cũng như Ban Chấp hành T.Ư Đoàn và các đại biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc.
Chúng tôi cũng xin nói rằng những thông tin và hoạt động tại Đại hội Đoàn lần này đã được báo Tiền phong Online truyền trực tiếp tới hàng triệu độc giả trẻ trên cả nước, và đặc biệt cả những bạn đọc, người dân ở nước ngoài".
Anh Dương Xuân Nam, Tổng Biên tập báo Tiền phong phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Vĩnh |
Nghe anh Dương Xuân Nam phát biểu
Mở đầu buổi họp báo, đồng chí Võ Văn Thưởng nói: Đầu tiên xin bày tỏ lời cảm ơn của cá nhân với các bạn phóng viên, biên tập viên và đoàn viên thanh niên trong cả nước. Có những điều chúng tôi làm được và có những điều các bạn đã giúp nâng tầm nó lên.
Đối với chúng tôi các bạn là những cán bộ Đoàn, những người đã đeo bám đưa tin về Đại hội. Các bạn trong suốt 5 ngày qua đã liên tục đưa tin về Đại hội.
Tôi muốn buổi họp hôm nay là buổi trao đổi với những câu hỏi cụ thể và mới chứ không phải là những câu hỏi về những điều mà báo cáo tóm tắt của Đại hội đã nêu.
Nghe anh Võ Văn Thưởng phát biểu
Nội dung buổi họp báo
Tiền phong: Một trong những nét nổi bật của kỳ đại hội này là công tác cán bộ: các thành viên BCH, BTV và đặc biệt Ban Bí thư chỉ có 3 người - trẻ cả về tuổi đời và được đánh giá cao cả về năng lực.
Công tác cán bộ sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào để đảm bảo đội ngũ cán bộ Đoàn trong nhiệm kỳ mới từ T.Ư đến địa phương sẽ có chất lượng và trẻ về tuổi đời?
Nghe câu trả lời của anh Võ Văn Thưởng
Trong báo cáo của Ban Chấp hành TƯ Đoàn khóa VIII kỳ Đại hội và trong nhận thức của Ban Bí thư T.Ư Đoàn vẫn luôn luôn xác định những điều quan trọng như sau:
Bác Hồ nói, cán bộ nào phong trào ấy. Chúng tôi nhận thức rằng cán bộ có một vai trò rất quyết định đối với phong trào thanh niên.
Thực tế của công tác Đoàn, phong trào thanh niên trong thời gian vừa qua cũng chứng mình rất cụ thể điều này. Ở một cơ sở Đoàn, ở một tỉnh thành Đoàn, nếu chúng ta chọn được một người đứng đầu, một đội ngũ cán bộ Đoàn tốt thì phong trào và kết quả của phong trào Đoàn ở đó tốt, được xã hội thừa nhận và thanh niên tin tưởng vào Đoàn hơn.
Yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới có tính chất bắt buộc, sống còn, quyết định sự thành công hay không thành công của việc triển khai thực hiện Nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ IX. |
Chúng tôi đặt ra tiêu chuẩn của cán bộ Đoàn trong giai đoạn sắp tới phải là những người trẻ có năng lực, dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mà nói thì phải làm, trăn trở với những vấn đề của thanh niên gắn bó với thanh niên, có trao đổi và đối thoại với thanh niên.
Từ năm 2008 trở đi sẽ có một chương trình đào tạo có tính chất bắt buộc đối với các chức danh là cán bộ Đoàn, từ Bí thư quận Đoàn trở lên.
Chương trình hiện chưa có thiết kế cụ thể, nhưng trong tư tưởng chỉ đạo, chúng tôi dự tính là sẽ có năm như thế.
Từ cấp quận Đoàn trở lên sẽ dành từ 10 - 15 ngày tập trung về Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam để học bổ sung những kiến thức mà xã hội hiện nay đang cần ở người cán bộ Đoàn.
Một giải pháp nữa là chúng tôi làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ. Bởi vì có được những cán bộ trẻ thì chúng ta phải có quá trình chuẩn bị lâu dài.
Như vậy chúng ta phải bắt đầu từ tỉnh - thành, vì để cho cán bộ của T.Ư Đoàn có thể trẻ hơn thì cán bộ của tỉnh - thành phải trẻ hơn.
Bên cạnh công tác đào tạo chúng tôi làm tốt hơn công tác quy hoạch, sau đó chuẩn bị được nguồn nhân sự phong phú, có thể giao việc, thử thách để phân công và giới thiệu cho các cấp bộ Đoàn, cho các cơ quan của Đoàn bầu vào các chức vụ cao hơn, phù hợp với tuổi trẻ hơn.
Anh Võ Văn Thưởng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn khóa IX. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Tiền phong: Một trong những quyết tâm lớn của đại hội lần này là có nhiều biện pháp để tổ chức Đoàn đồng hành với thanh niên. Vây chương trình nào sẽ được ưu tiên ngay sau đại hội?
Nghe câu trả lời của anh Võ Văn Thưởng
Tinh thần của Đại hội lần này được xác định là tuổi trẻ xung kích phát triển xã hội, bảo vệ Tổ quốc và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đồng hành với thanh niên trên đường lập thân lập nghiệp.
Chúng tôi vẫn xác định tinh thần tuổi trẻ xung kích phát triển xã hội, bảo vệ Tổ quốc là yếu tố quan tâm và có ý nghĩa rất quan trọng. Vì trong nhận thức và mong muốn của cả xã hội thì thanh niên là rường cột của nước nhà.
Nhưng để thanh niên xung kích tốt và thực hiện tốt vai trò của mình thì Đoàn phải đồng hành cùng thanh niên trong lập thân lập nghiệp và chúng tôi cho rằng việc đồng hành cùng thanh niên trên đường lập thân lập nghiệp sẽ củng cố mối quan hệ bền chặt giữa Đoàn và thanh niên.
Mối quan hệ này càng bền chặt sẽ quyết định sự vững mạnh của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Và điều này cho thấy, ở nơi nào mối quan hệ giữa tổ chức Đoàn và thanh niên lỏng lẻo có nghĩa là Đoàn ở nơi đó yếu và sức mạnh của Đoàn yếu.
Đi vào việc chúng ta sẽ ưu tiên cho vấn đề gì ngay sau Đại hội, tôi cho rằng vấn đề có thể ưu tiên và triển khai được ngay là đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm.
Để chuẩn bị trình với Đại hội đề án Đoàn thanh niên hỗ trợ thanh niên học nghề và giải quyết việc làm, chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị từ tháng 5/2007 bằng việc cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và giải quyết việc làm.
Qua rất nhiều lần góp ý, phản biện của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các phóng viên, và trong buổi giao lưu với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hôm qua, Phó Thủ tướng thông báo là đề án đã được Thường trực Chính phủ cơ bản đồng tình và sẽ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Tôi cho rằng chúng ta có điều kiện để triển khai ngay vấn đề học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên ngay sau Đại hội như một ưu tiên.
Đây cũng là một vấn đề bức xúc của thanh niên và khi giải quyết được vấn đề này, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống của thanh niên thì sẽ khá hơn, tệ nạn xã hội trong thanh niên sẽ giảm bớt.
Ông bà ta từng nói “nhàn cư vi bất thiện”, nên khi có công ăn việc làm thì chắc chắn tệ nạn sẽ giảm bớt.
SVVN: Trước Đại hội, thông qua các diễn đàn (trên báo chí) thì có rất nhiều sự kỳ vọng của đoàn viên thanh niên cả nước. Theo đồng chí, Đại hội đã đáp ứng được sự kỳ vọng đó khoảng bao nhiêu phần trăm?
Vấn đề của đoàn viên là sinh viên hiện nay: Công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên, phương thức tổ chức hoạt động ở cơ sở Đoàn trong điều kiện chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ; hay vấn đề nhà trọ cho sinh viên, việc làm cho sinh viên đang học và tốt nghiệp... được Đại hội quan tâm như thế nào?
Một trong những khó khăn là Hội Sinh viên và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam hoạt động chưa rộng và yếu, một phần do không có kinh phí. Trong nhiệm kỳ này vấn đề trên sẽ được khắc phục như thế nào, Đoàn sẽ làm gì để đưa các hội trên mạnh hơn?
Nghe câu trả lời của anh Võ Văn Thưởng
Anh Võ Văn Thưởng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn khóa IX. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Thật là khó khăn khi trả lời là Đại hội của chúng ta đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm kỳ vọng của thanh niên. Bởi vì điều này nếu hỏi các bạn thanh niên thì sẽ có kết quả chắc chắn hơn.
Nhưng tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của thanh niên, những vấn đề của giới trẻ quan tâm Đại hội đã bàn tới một cách tương đối toàn diện.
Còn những điều chúng ta bàn có đáp ứng sự kỳ vọng của thanh niên hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tổ chức những nội dung mà chúng ta đã bàn.
Nếu những điều mà chúng ta đã bàn hôm nay tại Đại hội mà triển khai đi vào đời sống thanh niên bằng những hoạt động, chương trình cụ thể thì tôi tin chắc rằng sẽ đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của thanh niên.
Nếu khả năng tổ chức thực hiện của chúng ta yếu, không tốt, không đi vào đời sống thì khả năng đáp ứng đó sẽ ít đi rất nhiều và đoàn viên thanh niên sẽ không tin cậy vào tổ chức Đoàn.
Vấn đề đoàn kết tập hợp thanh niên cũng là một vấn đề có nhiều khó khăn mà Đại hội này cũng nêu ra trên tinh thần đa dạng hóa hình thức tập hợp thanh niên.
Chúng tôi hiểu, không gian làm việc, điều kiện làm việc, môi trường sinh hoạt của thanh niên trong thời gian vừa qua có những thay đổi, biến động rất mạnh mẽ mà Đoàn đã không theo kịp.
Tư tưởng của Đại hội Đoàn lần này xác định việc tập hợp thanh niên vẫn là mặt trận quan trọng với tư tưởng là xây dựng Đoàn sẽ mạnh. Chúng tôi cũng sẽ tính toán việc xác định các loại hình phù hợp với không gian, thời gian hoạt động mới của thanh niên.
Ví dụ, nếu muốn tập hợp thanh niên ở các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ở các khu công nghiệp, khu chế xuất thì hiện nay việc cán bộ Đoàn xách cặp đi vào làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để xin thành lập các tổ chức Đoàn, Hội... thì tôi cho rằng phương thức này không hiệu quả. Tôi nghĩ rằng cần nghĩ ra cách làm việc mới trong tập hợp thanh niên.
Ngoài giờ làm việc trong các nhà máy, thanh niên sẽ về các khu nhà trọ và thanh niên có những nhu cầu tư vấn về pháp luật, về sức khỏe sinh sản, về lối sống đô thị,...và chúng tôi tính toán sẽ có những hình thức tập hợp thanh niên một cách đa dạng và phù hợp với không gian của thanh niên.
Tôi cũng xin thông tin là T.Ư Đoàn đang chỉ đạo Bình Dương và Hải Dương xây dựng đề án thành lập 2 Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và lao động trẻ. Tôi tin rằng nếu 2 trung tâm này được tổ chức tốt thì chúng ta sẽ nhân rộng ra để tập hợp thanh niên và hỗ trợ được cho các đoàn viên rất nhiều.
Tạp chí Thanh niên: Xin đồng chí cho biết nét mới của ĐH IX so với các kỳ ĐH trước?
Chưa một kỳ đại hội Đoàn nào có nhiều trung tâm thảo luận như năm nay, điều đó chứng tỏ nhiệm vụ của tổ chức Đoàn ngày càng lớn. Vậy theo đồng chí vấn đề nào là khó khăn và thách thức nhất trong công tác Đoàn hiện nay?
Để vượt qua những khó khăn thách thức đó tổ chức Đoàn cần làm gì?
Nghe câu trả lời của anh Võ Văn Thưởng
Thú thực là chưa có những đánh giá một cách đầy đủ để so sánh giữa các Đại hội. Tuy nhiên, có thể nêu ra một số nét mới của Đại hội lần này so với các kỳ Đại hội trước.
Thứ nhất, ở Đại hội này, Ban tổ chức và Đoàn Chủ tịch mong muốn mỗi một đại biểu dự Đại hội đều có điều kiện thời gian và khả năng để tham gia vào các hoạt động của Đại hội.
Chính vì vậy, chúng tôi xác định quá trình thảo luận sẽ ở trung tâm và ở tổ. Chúng tôi chia làm 14 trung tâm với 14 chủ đề, chia 25 tổ trao đổi những vấn đề của tuổi trẻ Việt Nam. Với việc chia trung tâm và tổ như vậy, đại biểu nào cũng có thể có thời gian và tham gia tích cực để đóng góp vào nội dung của Đại hội.
Thứ hai, về công tác tổ chức Đại hội. Với Đại hội lần này, chúng tôi tính toán giảm bớt một số hoạt động phụ có tính chất của Ban tổ chức để đoàn đại biểu tự tổ chức giao lưu, dành thời gian tập trung cho những nội dung của Đại hội.
Các kỳ Đại hội trước, tối nào Ban tổ chức cũng có chương trình dành cho đại biểu nhưng lần này thì không mà để cho đại biểu tập trung.
Thứ ba, công tác đón tiếp, thông tin, chuẩn bị tài liệu, cung cấp cho đại biểu những cơ sở quan trọng để đại biểu tham khảo đưa ra những ý kiến cho đại hội phong phú hơn.
Chúng tôi có gửi 1.033 phiếu góp ý cho đai biểu và nhận về khoảng 550 phiếu.
Một nét mới nữa là về nhân sự của BCH, BTV lần này. Với tinh thần phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của Đại hội, của các cá nhân tham gia bầu cử, chúng tôi làm theo phương thức bầu có số dư ở cả 3 lần bầu: Bầu BCH, bầu BTV và bầu Bí thư TƯ Đoàn. Đây là nét nổi bật trong lựa chọn và bầu cử dân sự so với các kỳ Đại hội trước.
BCH T.Ư Đoàn khóa VIII và Đại hội cũng đồng ý là xác định chúng ta có 5 thách thức.
Thách thức thứ nhất là làm thế nào để giữ chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam hiện nay, khi mà thông tin rất đa chiều với thanh niên.
Thứ hai, thanh niên luôn được xác định là rường cột của nước nhà và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên. Vậy, tổ chức Đoàn phải tổ chức cho thanh niên tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội như thế nào để xứng đáng là tổ chức chính trị xã hội bao gồm những thanh niên tiên tiến.
Thứ ba, làm thế nào để củng cố hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đoàn TNCS với Thanh niên, thể hiện vai trò người bạn tin cậy được thanh niên thừa nhận, tin tưởng.
Thách thức thứ tư, Đòan xác định là đội dự bị tin cậy của Đảng. Làm thế nào để xây dựng Đoàn thật sự mạnh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.
Thách thức thứ năm là làm sao nâng cao hiệu quả của phong trào.
Với các bạn, tôi xin nói thẳng thắn, trong báo chí khi phê bình những người làm không tốt hay dùng cụm từ “mấy ông này làm kiểu phong trào, làm như phong trào”. Tôi cho rằng, làm phong trào nếu mang hiệu quả cao thì cực kỳ tốt và có ý nghĩa lớn.
Như vậy, nâng cao chất lượng hiệu quả phong trào là chúng tôi cũng góp phần làm sao vài năm nữa, nói “làm kiểu phong trào, như phong trào” sẽ không bao hàm ý xấu mà có ý nghĩa mới là "làm chất lượng, hiệu quả và nhiều người tham gia".
Lao động xã hội: Công tác hỗ trợ đoàn viên thanh niên khuyết tật, tàn tật trong học nghề, lập nghiệp được Đại hội Đoàn lần này đề cập thế nào? Đề nghị cho biết những chương trình hỗ trợ cụ thể?
Nghe câu trả lời của anh Nguyễn Hoàng Hiệp
Công tác hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên khuyết tật, tàn tật được T.Ư Đoàn chú trọng. Đây là đối tượng được Đoàn thanh niên đặc biệt quan tâm.
Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho thanh niên khuyết tật, tàn tật học nghề và có việc làm.
Có một thực tế trong thời gian vừa qua có nhiều cơ sở kinh doanh có nhu cầu tuyển người khuyết tật làm việc, nhưng đáp ứng nhu cầu này nhiều khi không đơn giản, doanh nghiệp yêu cầu tay nghề, mà thanh niên khuyết tật chưa đáp ứng được nhu cầu đó.
T.Ư Đoàn đã chú trọng giải quyết vấn đề này, tập trung cho công tác hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khuyết tật, hội người mù... trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên khuyết tật.
Trong đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên của T.Ư Đoàn, đối tượng khuyết tật, tàn tật là đối tượng được ưu tiên.
T.Ư Đoàn phối hợp với các hội người mù, người tàn tật... hỗ trợ đoàn viên thanh niên vay vốn, lập dự án. T.Ư đoàn có vai trò xung kích, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người khuyết tật.
Tổ quốc: Thời gian tới, Đoàn sẽ làm gì để thu hút chất xám của thanh niên Việt kiều?
Nghe câu trả lời của anh Võ Văn Thưởng
Chất xám nói chung và chất xám của thanh niên Việt kiều là vốn quý trong giai đoạn hiện nay. Trong hội nghị này, dù có nhiều chương trình nhưng tôi cũng dành thời gian gặp gỡ những đoàn viên, thanh niên đang học tập ở nước ngoài về dự đại hội Đoàn toàn quốc.
Ở đây, có thể thông tin rằng, dự kiến vào tháng 3 năm 2008, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ xin chủ trương tổ chức đại hội tài năng trẻ.
Với việc tổ chức đại hội tài năng trẻ, chúng tôi sẽ mời về những tài năng trong nước, những tài năng đang học tập, lao động, công tác ở nước ngoài trên nhiều lĩnh vực để gặp gỡ, trao đổi, hiến kế, đề xuất những mong muốn của mình với những cơ quan có thẩm quyền.
Tôi tin rằng, thông qua diễn đàn đó, những ý kiến của thanh niên Việt kiều sẽ đến được với các cấp chức năng, những người có trách nhiệm. Và tôi tin rằng, Chính phủ sẽ có chính sách để trọng dụng người tài.
Mặt khác, trong việc phát huy nguồn lực hiện nay, tôi cũng biết rằng, Chính phủ cũng đang chuẩn bị ra chính sách thu hút người tài, trong đó có Việt kiều.
Tôi và một số đại biểu Quốc hội trẻ trong thời gian vừa qua cũng đã trao đổi phải làm như thế nào để kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan liên quan có những chính sách thu hút thanh niên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài.
Bên cạnh việc chúng ta đưa thanh niên ra nước ngoài học thì cần tăng cường chính sách thu hút chất xám của thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Vấn đề cụ thể có lẽ cần được tiếp tục nghiên cứu và đề xuất.
Thanh niên: Thưa anh, ở nhiệm kỳ 8 chúng ta có 8 Bí thư. Nhưng ở nhiệm kỳ này chỉ có 3 Bí thư. Vậy công việc của các anh có khó khăn hơn không? Dự kiến bao giờ chúng ta sẽ bầu bổ sung các Bí thư?
Nghe câu trả lời của anh Võ Văn Thưởng
Nếu chúng ta có nhiều Bí thư hơn thì công việc sẽ nhẹ nhàng hơn và có thể trôi chảy hơn. Rồi tâm lý của đoàn viên, thanh niên cơ sở làm hoạt động gì hoặc trao đổi hoạt động gì với Trung ương mà được một đồng chí Bí thư xuống dự, cùng trao đổi cùng chia sẻ với nhau thì sẽ vui mừng hơn.
Chỉ có 3 đồng chí Bí thư thì công việc sẽ nặng nề, vất vả hơn và có thể có nhiều hoạt động mà các đồng chí không thể trực tiếp tham gia được.
Để khắc phục điều này, chúng tôi sẽ phân công, phân cấp rõ ràng; đặc biệt là đối với các đồng chí Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn trong giải quyết công việc của Đoàn.
Từ nay đến cuối năm 2008, chúng tôi sẽ từng bước bổ sung các Bí thư T.Ư Đoàn. Việc lần này chúng tôi chỉ bầu 3 Bí thư T.Ư Đoàn là do sự chuẩn bị của Ban Bí thư T.Ư Đoàn khóa 8, trong đó có cá nhân tôi chưa thật kỹ.
Chúng tôi mong muốn có thời gian chuẩn bị kỹ hơn để lựa chọn những cán bộ đủ tiêu chuẩn theo tiêu chí mà Đại hội vừa nêu, đủ sức để chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công nghị quyết Đai hội Đoàn Toàn quốc lần thứ IX.
Trong năm 2008 chúng tôi sẽ bổ sung thêm một số Bí thư T.Ư Đoàn.
Tiền phong: Có lần anh chia sẻ sức ép không phải do công việc nhiều mà do độ tuổi còn trẻ? Vậy hiện tại sức ép đó còn không?
Nghe câu trả lời của anh Võ Văn Thưởng
Điều này tôi cũng đã có tâm sự với nhiều bạn, lúc mới nhận nhiệm vụ thì nó như là từ sông ra biển, nhưng tôi có một may mắn là trong quá trình công tác của mình luôn luôn có nhiều thời gian được công tác trong những tập thể lớn tuổi và những thành viên trong tập thể lãnh đạo đó đều lớn tuổi hơn mình. Và như vậy mãi rồi cũng thành quen.
Cho nên bây giờ đối với tôi, sức ép về tuổi tác gần như là không có và tôi có thể nói với các bạn là tôi tận tâm với công việc.
Tôi không biết là những người xung quanh tôi có cảm nhận sức ép từ tôi hay không!
* Xin chân thành cảm ơn công ty Vạn Xuân đã tài trợ chương trình này