Nhà văn Nguyên Ngọc |
Trong các nội dung xã hội hoá lĩnh vực giáo dục, nhiều chuyên gia giáo dục đã phản đối thông tin cổ phần hoá một số trường đại học công lập.
Trao đổi với Tiền phong nhà văn Nguyên Ngọc-người trong thời gian gần đây đã tham gia vào chủ trương xã hội hóa giáo dục với việc vận động để thành lập Trường ĐH tư thục Phan Châu Trinh (Hội An)-nói:
Trước hết tôi muốn được nói điều này: Quan niệm và thực tế về trường đại học tư ở nước ta, theo chỗ tôi được biết, không hề giống với hầu hết các nước trên thế giới hiện nay.
Các trường đại học tư ở ta trong thực tế là một thứ kinh doanh giáo dục, kinh doanh đại học gần như hoàn toàn có tính chất thương mại, thậm chí như nhiều người nói, là một thứ kinh doanh siêu lợi nhuận. Trước đây tôi vẫn nghĩ tình trạng này là do động cơ của những người xăng xái đứng ra làm trường đại học tư.
Gần đây, do có trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị thành lập một trường đại học, tôi mới rõ rằng quan niệm này xuất phát từ chính Nhà nước, từ chính cơ quan chịu trách nhiệm về giáo dục.
Trong khi chuẩn bị làm trường, tôi đã phải trực tiếp nghiên cứu bản Điều lệ về trường đại học tư do Nhà nước ban hành và đang được thực hiện, mới hiểu ra rằng theo bản điều lệ chính thức đó một trường đại học tư được quan niệm và tổ chức hoàn toàn như một “hội buôn”, không hơn không kém.
Nếu các trường đại học tư hiện nay đang ra sức kinh doanh để kiếm lợi nhuận thì điều đó chính là xuất phát từ quan niệm được thể hiện rõ ràng trong Điều lệ do cơ quan chức năng ban hành! Chẳng nên trách ai khác.
Vậy nên, đem một số trường công đi cổ phần hoá nữa thì đương nhiên tức là mở rộng thương mại hoá giáo dục đại học. Những người tâm huyết về giáo dục không thể nào tán thành chủ trương này, dù mới chỉ là trong ý định.
Nhà nước không nên cổ phần hoá bệnh viện công, trường học công Chính phủ cần chỉ đạo làm rõ chủ trương xã hội hoá y tế, giáo dục; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước góp phần đầu tư, phát triển y tế, giáo dục, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và học hành của nhân dân. Nhà nước không nên cổ phần hoá, tư nhân hoá bệnh viện công, trường học công mà cần phải tăng cường đầu tư ngân sách cho phát triển y tế, giáo dục công; xây thêm bệnh viện và nâng cấp bệnh viện công, trường học công, nhất là cấp huyện; có chính sách bảo hiểm y tế, học phí hợp lý... để cho người nghèo, nhất là nông dân, công nhân, người hưởng lương có điều kiện chữa bệnh, học hành đến nơi, đến chốn, vì đây là hai lĩnh vực tác động trực tiếp đến con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội do Đảng lãnh đạo. |
Trường công là do tiền của dân đóng thuế lập nên, không ai có quyền đem bán các trường đó cho những người đi buôn để cho người ta kinh doanh kiếm lời!
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, do Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, gửi đến kỳ họp thứ hai (Quốc hội khóa XII) vừa qua có đoạn: “Gần đây, việc đề xuất tăng học phí, viện phí, tiến hành cổ phần hóa bệnh viện công và những biểu hiện thương mại hóa trong giáo dục, y tế... không đúng với chủ trương “xã hội hóa” trong y tế, giáo dục, đều là những vấn đề bức xúc mà nhân dân băn khoăn, lo lắng”. Với tư cách là một cử tri, nhà văn có chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng này?
Là một cử tri, trước hết tôi muốn được yêu cầu ngành giáo dục công khai đầy đủ mọi thu chi hiện nay của ngành giáo dục. Theo tôi đấy là việc quan trọng đầu tiên, trước khi bàn đến những chuyện về “xã hội hoá” giáo dục.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia đáng tin cậy, đầu tư cho giáo dục của ta hiện nay là cao nhất thế giới, hoàn toàn không thiếu tiền cho giáo dục. Một số thông tin về tài chính được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vừa qua cũng hoàn toàn không đầy đủ, không chính xác, bỏ qua rất nhiều khoản đóng góp thực tế khác của người dân cho giáo dục, không trung thực.
Tiền đóng góp thực tế của dân ấy đi đâu, nhất thiết phải làm rõ. Chủ trương “xã hội hoá giáo dục” để giải quyết khó khăn về tài chính cho giáo dục do vậy là không đúng.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc đẩy mạnh xã hội hóa với những quan niệm đúng và cách làm đúng là điều cần thiết, thưa nhà văn?
Như đã nói ở trên, giáo dục chúng ta lạc hậu, thậm chí lạc hướng, hoàn toàn không phải vì thiếu tiền. Ngân sách không có tội gì trong chuyện này. Rất nhiều người đã lên tiếng về những nguyên nhân sâu xa hơn nhiều của sự xuống cấp trong nền giáo dục của ta.
Tôi cảm giác có một sự vô cảm trước những bức xúc và ý kiến của dân. Xã hội hoá không phải là tiếp tục bắt dân phải đóng thêm tiền, mà hiện đã quá nặng…
Vả chăng còn có nhiều cách để huy động thêm nguồn lực cho giáo dục như nhiều nước đã làm, bằng các chính sách đúng đắn, chẳng hạn miễn giảm thuế cho những đóng góp một cách bất vụ lợi cho các trường tư, v.v…
Phải tìm cách đưa các trường tư của chúng ta thoát ra khỏi tình trạng bắt buộc phải vụ lợi, rồi từ đó ngày càng chạy theo lợi nhuận như hiện nay. Theo tôi đó mới chính là con đường phải tìm. Hoàn toàn không khó nếu những người có trách nhiệm biết cách nghĩ đúng và thật sự tâm huyết.
Cảm ơn nhà văn!
Võ Văn Thành
(thực hiện)