Chữa 'bệnh' vô cảm, cách nào ?

Chữa 'bệnh' vô cảm, cách nào ?
TPO - Chúng ta vẫn chưa quên chuyện Nhà hàng Thanh Loan ở Lương sơn, Hoà Bình. Báo Tiền phong, chính quyền và cả các ĐBQH đã lên tiếng, nhưng kẻ gây ra tội ác vẫn chưa bị bắt. Vụ việc năm trước chưa được giải quyết, nay lại có chuyện đau lòng ngay tại Hà Nội.
Chữa 'bệnh' vô cảm, cách nào ? ảnh 1

Nạn nhân Bùi Thị Thương tại Nhà hàng Thanh Loan, Lương Sơn, Hòa Bình (trái) và nạn nhân Nguyễn Thị Bình, Hà Nội (phải).

Tôi chỉ có 2 ý kiến nhỏ này thôi. 

1. Làm nhục và tra tấn phụ nữ hơn 10 năm như vụ việc báo nêu chỉ có ở thời Trung cổ. Việc tái áp dụng một hành vi Trung cổ trong thời đại văn minh cần được xử lý ngay lập tức, không được để đối tượng gây tội ác còn nhởn nhơ ngoài xã hội một giây, một giờ nào nữa.

Luật tục Trung cổ xử lý người gây ra tội ác bằng chính phương thức mà kẻ có tội đã thực hiện với người bị hại. Xã hội văn minh của chúng ta không cho phép làm như vậy nhưng kẻ chủ mưu và bọn đồng lõa phải được xử lý nghiêm khắc.

Tôi đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là Tiền phong cần theo đuổi đến cùng vụ việc này vì thiên chức báo chí, vì lương tri và đạo lý của chế độ chúng ta. Tôi cho rằng đã có cơ sở pháp lý để không dừng lại ở việc xử lý hành vi của kẻ gây ra tội ác mà cần đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh của chúng vì đó là một trong những nguồn gốc gây ra tội ác và phải có biện pháp kỷ luật thích đáng đối với Chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương vì đã để xẩy ra vụ việc nói trên.

Tiền phong đã thông tin kịp thời nhưng hy vọng báo sẽ không bỏ cuộc. Rất tiếc vụ việc tại nhà hàng Thanh Loan - Lương sơn, Hoà Bình năm trước chưa làm đến nơi đến nơi đến chốn, cho nên bây giờ nó lại xảy ra ngay tại Hà Nội.

2. Tôi lấy làm lạ là trong khi báo Tiền phong (qua các công đoạn điều tra, thu thập thông tin, viết bài, thẩm định, biên tập và chế bản (nghĩa là đã hao phí thời gian) đưa tin liên tục vụ nhà hàng Thanh Loan, vậy mà các cơ quan pháp luật vào việc rất chậm (rất nhiều việc để lâu hoá bùn).

Nhiều nước khác, những người lãnh đạo cũng bận rộn rất nhiều việc nhưng mỗi khi có những sự kiện, dù chỉ xảy ra với một công dân nhưng lại là vấn đề của cộng đồng, của xã hội thì họ lập tức vào cuộc.

Họ không chỉ lên tiếng quyết liệt mà họ phải theo dõi chỉ đạo, đôn đốc cho tới khi vụ việc có kết quả. Người dân không chỉ chờ đợi ở những bài diễn văn dài mà họ chờ đợi ở lãnh đạo sự tận tâm với dân.

Một lần nữa xin cám ơn BBT báo Tiền phong.

Nguyễn Việt Phong
Email: phongnv@yahoo.com

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Bùi Thành, Email: buivanthanh90@yahoo.com

Đề nghị xử lý trách nhiệm ông Chủ tịch phường

Theo tin từ TTXVN bà Hà Thị Bình, 70 tuổi, người đã giải thoát cho Nguyễn Thị Bình nói : " Hơn 1 năm nay, mấy lần thấy nó đánh con bé ghê quá, tôi đã sang báo cáo với trực ban công an phường Thượng Đình. Cả 4 lần đều nhận được câu trả lời : "Được rồi, bà cứ về đi, chúng tôi có trách nhiệm". Nhưng rồi mọi chuyện vẫn như cũ. Có lẽ họ cho rằng tôi "nửa tỉnh, nửa say" nên không tin".

Vậy người đại diện chính quyền phải xử lý trách nhiệm đầu tiên là ông Chủ tịch phường. Từ ông chủ tịch phường, sẽ liên đới đến nhiều người có liên quan như CS khu vực, những người trực ban v.v....

Tôi đề nghị làm được như vậy thì mới là khâu then chốt giải quyết các vấn đề tương tự. Nếu chúng ta né tránh thì không biết đến bao giờ mới mong có được kỷ cương nghiêm minh. Kính mong toà soạn chuyển ý kiến của tôi đến các CQ có trách nhiệm, mong góp phần cho xã hội ta tốt đẹp hơn.

Lê đức Duy, Email: thingoc@t-online.de

Chữa căn bệnh vô cảm này không khó, chỉ cần Quốc Hội thảo ra luật rõ ràng về trách nhiệm, nhiệm vụ của công chức thì ngay lập tức ,dù vô cảm hay thiếu trách nhiệm, người công chức các ngành cụ thể sẽ theo đó thực hiện.

Những gì ta làm hôm nay, trừng phạt kẻ mất tính người như hai vợ chồng nhà hàng phở ở HN ,hay vụ nhà hàng Thanh Loan... thực ra chỉ là sự đối phó, chưa có căn bản.

Bây giờ ta đang hoà nhập với thế giới bên ngoài, hơn bao giờ hết chúng ta cần phải có luật rõ ràng thì mới mong bớt đi những thói vô cảm, mà lâu nay không ít công chức đã "ngủ quên" trên chính lương tâm của mình, và xã hội .

Cám ơn Tiền phong đã kịp thông tin và mạnh dạn đưa ra ánh sáng những con qủy đội lốt người.

Viet Cuong,Email: VietCuongmh@yahoo.com

Cả gia đình tôi, ai cũng cảm thấy sốc và hết sức căm phẫn với cặp vợ chồng bán phở Chu Văn Đức và Trịnh Hạnh Phương này. Sao họ lại có thể dã man hành hạ người làm như nô lệ như vậy được cơ chứ.

Tôi cũng như rất nhiều bạn đọc không thể hiểu tại sao chính quyền sở tại, các đoàn, hội, công an trong khu vực lại không phản ứng gì trước sự việc như vậy suốt 13 năm qua ???

Chuyện này làm tôi nhớ lại chuyện tương tự tôi đã chứng kiến năm 2003 khi tôi đang là sinh viên du học tại 1 thành phố ở miền nam nước Đức. Một hôm tôi nhận được điện thoại của Sở trẻ em (tiếng Đức là Kinderamt) của thành phố tôi đang sống mời đến phiên dịch cho một cuộc gặp giữa họ và 1 người Việt kiều (tôi vẫn thường phiên dịch cho những cuộc tiếp xúc giữa chính quyền sở tại và một số người Việt tại thành phố đó).

Hôm sau tôi đến Sở trẻ em theo lời hẹn, và gặp tại đó một phụ nữ Việt Nam (cũng là người quen của tôi, tên là N.A) và con gái chị. Tại đó tôi phiên dịch cho buổi làm việc của Sở trẻ em với chị N.A. Chị N.A bị gọi lên làm việc bởi vì 3 hôm trước Sở trẻ em thành phố nhận được điện thoại của một người hàng xóm (người Đức) cạnh nhà chị N.A báo rằng chị đánh đứa con gái chị (cháu tên Trang, khi đó đang học lớp 6) vì người hàng xóm đó nghe thấy tiếng cháu khóc và trông thấy cháu có vết bầm tím ở đùi.

Chị N.A phải hết lời thanh minh, rằng thì là chị có đánh cháu do quá bực, nhưng không đánh đau, chỉ tét vào mông cháu thôi, chỉ để cháu sợ và dạy bảo cháu biết nghe lời thôi, chứ không cố tình làm cho cháu đau; rằng thì là dạy con như vậy đối với người Việt Nam là bình thường, là truyền thống "thương cho roi cho vọt" chứ không phải là hành hạ trẻ em, còn vết bầm tím ở đùi cháu là do cháu bị ngã khi chơi trong vườn với các bạn.

Khi được hỏi cháu bé cũng trả lời như vậy. Người cán bộ tại sở trẻ em chất vấn hai mẹ con chị N.A nhiều, sau đó giải thích rất kỹ luật pháp Đức về vấn đề bảo vệ trẻ em, và họ nói rằng chị đang ở nước Đức thì phải tuân thủ luật pháp Đức, nếu bị tố cáo là đánh con một lần nữa chị N.A sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Tất nhiên là chị N.A phải cam kết không tái phạm. Dễ thấy, chỉ mới tét vào mông con vài cái do quá bực thôi mà chị N.A đã bị hàng xóm tố cáo hành động đó, và ngay hôm sau bị chính quyền gọi lên khai báo.

Trong trường hợp của em Bình, suốt 13 năm trời, từ khi còn là một đứa trẻ, em phải sống trong địa ngục trần gian (cách cơ quan công quyền chưa đầy 1 cây số), bị bóc lột sức lao động và bị tra tấn, hành hạ hết sức dã man, như nô lệ thời trung cổ.

Vậy mà tất cả các cơ quan công quyền, các đoàn hội thuộc phường này lại hoàn toàn không hề có bất kỳ hành động gì để cứu giúp em Bình thoát khỏi "kiếp nô lệ", để ngăn chặn hành vi vi phạm, thách thức pháp luật trắng trợn và kéo dài, mặc dù trực ban CA phường đã được bà cụ Bình - Người dũng cảm giải thoát em Bình trực tiếp báo tới 4 lần (như lời cụ Bình kể lại với PV).

Đề nghị phải nghiêm trị vợ chồng bán phở vô nhân đạo Đức - Phương, và xử lý nghiêm khắc các quan chức phường mắc bệnh "vô cảm", đã gián tiếp khiến hoàn cảnh địa ngục của em Bình kéo dài lâu đến như vậy.

MỚI - NÓNG