-Làm gì có chuyện đó con! Truyện cổ tích đã gọt giũa qua ngàn năm nay rồi, nó đã là vàng ròng, ngọc quý thì ai dám đụng tay vào nữa?
-Thật mà bố! Cuối truyện không có chi tiết cô Tấm gửi mắm Cám về cho dì ghẻ. Con nghe cô giáo bảo phải sửa chi tiết này cho đỡ rùng rợn và bạo lực.
-Thế sao đến bây giờ người ta mới phát hiện ra sự rùng rợn và bạo lực trong Tấm Cám? Bao thế hệ trước đọc Tấm Cám không phát hiện được điều đó ư?
-Cô còn bảo nhiều vụ trẻ vị thành niên manh động, phạm tội dã man có nguyên nhân từ phần kết truyện này!
-Thế là oan cho truyện Tấm Cám mất rồi. Đạo lý mà dân gian gửi gắm vào truyện là ở hiền thì gặp lành, ác giả ác báo thôi mà! Tấm đâu có muốn thế, đấy là Cám tự chọn cho mình kết cục đó đấy chứ?
-Thế con phải tin vào truyện cổ tích hay phải theo sách giáo khoa hả bố?
-Đừng hỏi khó bố thế con yêu! Có lẽ con đành phải trung dung thôi, vừa tin vừa hoài nghi cả truyện và sách giáo khoa. Chuẩn bị tâm lí dần đi, biết đâu tới đây người ta còn sửa tiếp phần kết của truyện Thạch Sanh, Cây khế, Sự tích trầu cau…nữa con à!
-Thế lúc đó nên gọi loại truyện này là gì hả bố?
-À, ờ…để bố nghĩ xem! Thôi tạm gọi nó là Cổ kim giao duyên truyện vậy!