Không phải xăng Ethanol, có thể do Acetone

Không phải xăng Ethanol, có thể do Acetone
TP - Trước ý kiến cho rằng dùng xăng Ethanol có thể gây cháy, nổ xe máy, TS Phan Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Dầu khí Quốc gia, cho rằng không thể đổ lỗi cho Ethanol. Thay vào đó, có thể Acetone, một dung môi được pha lẫn với xăng nhằm tăng lợi nhuận, mới chính là thủ phạm.

Thủ phạm gây cháy nổ xe:

Không phải xăng Ethanol, có thể do Acetone

Xe máy tay ga lại 'bỗng dưng bốc cháy'
> Lại thêm xe ô tô tự bốc cháy

TS Phan Ngọc Trung cho biết, xăng Ethanol là hỗn hợp xăng truyền thống (A92) với ethanol. Tùy hàm lượng ethanol mà có các loại xăng khác nhau. Hiện ở VN đang cho sử dụng loại xăng Ethanol E5 (là hỗn hợp của 5% Ethanol và 95% xăng A92). Loại xăng này có trị số octan cao (khoảng 95%). Khi pha vào xăng gốc, nó cũng làm tăng trị số octan của hỗn hợp nhiên liệu nên khả năng chống kích nổ của động cơ tăng, giúp nâng cao hiệu suất cháy và công suất động cơ đồng thời giúp giảm phát thải hydrocarbon (HC) và monoxide carbon (CO).

Vụ cháy xe máy Honda Airblade trên đường Nguyễn Trãi:

Chủ xe không đổ xăng Ethanol:

Anh Hoàng Xuân Bách, chủ sở hữu chiếc xe Honda Airblade (BKS 90H8 -7458) phát cháy trên đường Nguyễn Trãi ngày 9-12, cho hay, lần cuối cùng trước khi xảy ra vụ cháy, anh đổ xăng tại một cây xăng trên phố Nguyễn Lương Bằng, loại xăng A92. Sau lần đổ xăng cuối cùng, xe của anh chạy được trên 40km thì phát cháy. Nguyên nhân vụ cháy hiện vẫn chưa được điều tra làm rõ. Trước đó, anh chưa bao giờ đổ xăng Ethanol.

Bởi những lý do trên, xăng E5 được sử dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí một số nước còn bắt đầu sử dụng xăng E10 (là hỗn hợp xăng pha 90% xăng truyền thống và 10% ethanol) và chưa ghi nhận trường hợp nào cháy nổ ô tô, xe máy do sử dụng xăng pha ethanol.

Ông Nguyễn Anh Đức, Viện phó Viện Dầu khí Quốc gia, cho biết xăng E5 khác xăng thông thường ở chỗ khả năng hút ẩm của nó cao hơn nên khả năng cháy nổ thấp hơn xăng thông thường.

Thêm vào đó, trước khi chính thức được đưa ra thị trường, xăng E5 đã được thử nghiệm, đo, kiểm tra, đánh giá tác động môi trường, khói thải và xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Khoa học & Công nghệ.

Loại xăng này được thử nghiệm, nghiên cứu và kết luận thích hợp với tất cả các loại phương tiện được sản xuất từ năm 1994. Trong khi các loại xe bị cháy thời gian gần đây đa phần là xe mới sản xuất. Vì thế “không thể cho rằng xăng E5 không thích hợp với các động cơ xe thông thường dẫn đến ăn mòn và làm hư hỏng ở động cơ”.

Trong trường hợp một số đơn vị kinh doanh xăng pha thêm Methanol, Condensate (xăng nhẹ) vào xăng A92 hoặc xăng Ethanol sẽ làm tăng quá trình bay hơi của xăng, tăng nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, xăng đựng trong bình kín, nếu không có tia lửa điện cũng không thể xảy ra cháy nổ.

Thủ phạm là acetone?

“Tôi cũng nghi ngờ có thể do xăng nhưng không phải là do xăng Ethanol mà một loại dung môi có tên là acetone”, TS Trung nói.

Ông cho biết loại dung môi này được có thể được sử dụng để làm giảm giá thành sản phẩm. Một thành viên trên Webtretho có nickname là Funny_man cũng đề cập nguyên nhân gây cháy xe là do hàm lượng acetone trong xăng cao. Thành viên này cho biết giá xăng trên thị trường khoảng 2.100 USD/tấn. Giá Acetone trên thị trường khoảng 1.100 USD/tấn. Mức chênh lệch giá của 1 tấn xăng và 1 tấn acetone như vậy là 1.000 USD. Cho nên khả năng người bán xăng pha acetone vào xăng để kiếm lời là có thể. Vấn đề là có ai kiểm tra được hiện tượng này có xảy ra hay không.

Acetone, theo TS Trung, là dung môi mạnh, có độ bay hơi cao (100%), không màu, khả năng bắt cháy rất cao. Dung môi này có khả năng ăn mòn nhựa (plastic) và cao su. Trong khi đó, ở Việt Nam, tất cả các các chi tiết của động cơ xăng thông dụng không được chế tạo chống acetone (acetone resistance). Nếu hàm lượng acetone trong xăng quá cao sẽ khiến các chi tiết làm từ nguyên liệu plastic và cao su trong các động cơ dễ bị phá hủy, dẫn đến nguy cơ rò rỉ. Khi gặp tia lửa điện là cháy.

Theo quan sát của PV tại cửa hàng bán xăng sinh học E5 trên đường Thái Thịnh - Đống Đa (Hà Nội), trụ xăng E5 đựợc dựng cách biệt với các trụ xăng A92. Theo những nhân viên ở đây, mỗi ngày có khoảng 70 - 100 người đến đổ xăng E5, gồm cả ô tô, xe máy. “ Hầu hết những người đến đổ xăng ở đây đều do thói quen sử dụng” - Một nhân viên bán xăng cho biết.

Tại một cửa hàng bán xăng E5 trên đường Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy (Hà Nội), trụ xăng E5 đựợc đặt nối tiếp theo trụ xăng A92. Theo quan sát của phóng viên, những người vào trước, dừng ở phía trên hầu hết đều đựợc đổ xăng E5. Theo lời nhân viên ở đây, trung bình, mỗi ngày bán được trên 1m3 xăng sinh học.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG