Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Chiều 30-9, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Việc xây dựng Đề án nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Đây cũng là việc làm thiết thực, góp phần chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước.

Tờ trình về Đề án nêu rõ, đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã hình thành, từng bước được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và quản lý mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội.

Công tác giám sát được tăng cường với sự kết hợp của nhiều phương thức tổng hợp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, tập trung vào những vấn đề bức xúc, được dư luận đồng tình và đánh giá cao.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công trình, dự án quan trọng quốc gia, ngày càng được cải tiến, bám sát và từng bước đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Phương thức hoạt động, chế độ làm việc được cải tiến theo hướng bảo đảm phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Quốc hội thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Về xây dựng pháp luật, quy trình làm luật đã được cải tiến nhưng còn chưa đồng bộ; hầu hết báo cáo đánh giá tác động của việc ban hành luật, pháp lệnh còn đơn giản, chưa đạt yêu cầu… Một số quy định về hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa phù hợp, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn kịp thời, nhất là việc tiếp thu kết luận, giải quyết kiến nghị sau giám sát, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, việc bảo đảm cho hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội còn nhiều bất cập…; việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, quy định pháp luật liên quan đến tiêu chí, quy trình, thủ tục quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước, các công trình, dự án quan trọng quốc gia còn nhiều bất cập……

Những đổi mới đề nghị triển khai thực hiện từ kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII tập trung vào các nội dung: Tại kỳ họp Quốc hội, đổi mới việc chuẩn bị và trình bày tờ trình, báo cáo, dự án theo hướng tóm tắt nội dung và rút ngắn thời gian trình bày tại hội trường; đổi mới thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội cả về nội dung và hình thức, đổi mới việc thảo luận tại phiên họp toàn thể theo hướng phát huy vai trò điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đổi mới theo hướng tiếp tục hoàn thiện thủ tục chất vấn theo nhóm vấn đề và thông báo trước để đại biểu Quốc hội có thời gian chuẩn bị câu hỏi, dành toàn bộ thời gian tại Hội trường cho việc trả lời câu hỏi trực tiếp của đại biểu Quốc hội. Đổi mới việc xây dựng các nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội theo hướng trước kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội phân công cụ thể các cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo nghị quyết sẽ ban hành tại kỳ họp để bảo đảm sự chủ động và nâng cao chất lượng chuẩn bị dự thảo nghị quyết.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đổi mới tập trung vào 3 nội dung: việc chuẩn bị và quyết định dự kiến chương trình kỳ họp, phiên họp; cách thức tiến hành thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc ban hành kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tờ trình cũng nêu ra những kiến nghị đổi mới cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; việc quyết định các vấn đề quan trọng; hoạt động đối ngoại của Quốc hội...

Qua thảo luận, đa số đại biểu tán thành với nhiều nội dung được đề xuất trong Tờ trình, bao quát được các vấn đề cần phải đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, có những vấn đề nêu lên trong Đề án như việc đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp là những việc đã làm, thời gian tới tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn, chứ không phải là sự đổi mới nêu trong Đề án.

Cơ bản tán thành với nhiều nội dung nêu trong Đề án, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thấy rằng, trong Đề án thiếu hẳn một nội dung quy định về hoạt động và điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách; đồng thời đề nghị ban soạn thảo Đề án cần bổ sung nội dung này. Đại biểu tán thành với việc đổi mới việc chuẩn bị và trình bày tờ trình, báo cáo, dự án theo hướng tóm tắt nội dung và rút ngắn thời gian trình bày tại Hội trường, nhưng đề nghị việc tóm tắt nội dung phải giúp người đọc hiểu được đầy đủ, toàn diện nội dung văn bản. Tán thành với quy định nghiêm túc thực hiện việc gửi tài liệu, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, tính toán để bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện quy định này.

Nêu lên những băn khoăn về hoạt động tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị, cần nghiên cứu, cải tiến cách thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, tránh hình thức, tạo điều kiện để mọi người dân có thể dự các cuộc tiếp xúc trước và sau kỳ họp Quốc hội.

Về nội dung mở rộng hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội theo hướng tổ chức định kỳ, có ý kiến cho rằng không nên quy định định kỳ mà phải tùy thuộc vào các vấn đề cần thiết giải trình, vì vậy chỉ nên quy định khuyến khích, tăng cường là hợp lý.

Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Ksor Phước tán thành với việc đổi mới hoạt động lập pháp, trong đó đổi mới việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo hướng hoàn thiện cơ chế, bảo đảm thực hiện quyền trình dự án, kiến nghị về luật của đại biểu Quốc hội; quy định cụ thể quy trình, thủ tục và các nguồn lực để đại biểu Quốc hội có thể thực hiện được quyền này.

Các dự án được đưa vào chương trình phải có đánh giá tác động của việc ban hành luật và có nguồn lực bảo đảm việc thi hành. Về đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu đề nghị tiếp tục đổi mới hoạt động trên cơ sở lựa chọn những vấn đề khó khăn, nghiêm trọng, bức xúc trong đời sống xã hội; sau chất vấn Quốc hội ra nghị quyết không phải để quy trách nhiệm mà đặt vấn đề về nội dung công việc thông qua chất vấn.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.