An Giang, Đồng Tháp vỡ đê, nước tràn như thác

An Giang, Đồng Tháp vỡ đê, nước tràn như thác
Hôm nay, 28 - 9, lũ Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, nhiều tuyến đê tại Đồng Tháp, An Giang... bị vỡ, nước tràn vào như thác khiến nhiều diện tích lúa hè thu bị mất trắng.

An Giang, Đồng Tháp vỡ đê, nước tràn như thác

Đê bờ Tây Kinh 7 (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú, An Giang) vỡ nhấn chìm 1.500 ha lúa đông xuân của người dân trong biển nước
Đê bờ Tây Kinh 7 (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú, An Giang) vỡ nhấn chìm
1.500 ha lúa đông xuân của người dân trong biển nước.
 

Tiếp theo vụ vỡ đê trên địa bàn xã Vĩnh Phước (huyện Tri Tôn, An Giang), tối qua và rạng sáng nay (28 - 9), hàng loạt điểm đê xung yếu trên địa bàn các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới… bị vỡ đồng loạt, nhấn chìm toàn bộ diện tích lúa trong vùng.

Tại huyện Thoại Sơn, con đập số 2 ở tiểu vùng Tân Vọng, xã Vọng Thê bị vỡ chiều 26 - 9. Trong ngày này, đê kinh Phước Điền (xã Văn Giáo, Tịnh Biên) bị vỡ một đoạn từ 4-6m nhưng địa phương đã kịp thời khắc phục.

Hôm qua (27 - 9), đến lượt đê bao tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) bị vỡ nhấn chìm 620 ha lúa, đê xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành) bị vỡ nhấn chìm 320 ha lúa.

Rạng sáng nay (28 - 9), đê bao tại Kinh 8, xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú) bị vỡ nhấn chìm 270 ha lúa. Nghiêm trọng nhất là vụ vỡ đê tại Kinh 7, xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú), nhấn chìm 500 ha lúa và đe dọa trực tiếp đến 1.000 ha lúa còn lại của tiểu vùng Kinh 7 - Kinh 10 thuộc xã này.

Người dân xã Ô Long Vĩ chặt cây ngăn lũ
Người dân xã Ô Long Vĩ chặt cây ngăn lũ. Ảnh: Thanh Niên
An Giang, Đồng Tháp vỡ đê, nước tràn như thác ảnh 3
Ra sức chống chọi tại đoạn đê bị bể ở tuyến Kinh 8, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang)
Ra sức chống chọi tại đoạn đê bị bể ở tuyến Kinh 8, xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang). Ảnh: Thanh Niên
 

Theo tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang, lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về, nước từ các sông tiếp tục dâng cao.

Mực nước đo được lúc 7 giờ sáng nay trên sông Tiền tại Tân Châu là 4,75m, trên sông Hậu tại Châu Đốc lên 4,11m, tại Chợ Mới 3,41m, Long Xuyên 2,73 - vượt mức đỉnh lũ năm 2000.

Trong những ngày tới, nước lũ tiếp tục dâng nhanh với tốc độ mỗi ngày từ 5-7cm.

Lũ dâng cao đã gây ngập trên 1.000 căn nhà, nhiều tuyến sông bị sạt lở với chiều dài khoảng 30km.

Địa phương đang lên phương án di dời dân đến nơi an toàn. Tính đến sáng qua, nhiều tuyến đê ngăn lũ đã bị ngập, nước tràn qua diện tích đất sản xuất của dân.

Người dân vùng lũ An Giang đang ra sức cùng với các lực lượng ngày đêm chống đỡ với trận lũ lớn hiếm thấy từ nhiều năm nay.

Chính quyền và nhiều người dân ở xã Ô Long Vĩ cho biết, từ chiều qua, đoạn đê trên tuyến này đã xuất hiện điểm nứt tại bờ Tây, thuộc phạm vi đất nhà ông Phạm Văn Hùng (ấp Long Hưng).

Người dân và các lực lượng do xã, huyện điều động đã ra sức gia cố nhưng do nước lũ dâng cao, áp lực nước lớn nên đến 21 giờ 30 hôm 27 - 9, điểm đê trên bị vỡ một đoạn từ 4-6m.

Rất may, gia đình ông Hùng được sự giúp đỡ của người dân địa phương kịp sơ tán đến nơi an toàn.

Đến sáng nay, điểm đê trên bị vỡ rộng ra trên 30m. Nước lũ nhanh chóng nhấn chìm 500 ha lúa 30 ngày tuổi và tiếp tục tràn qua các con đập ngăn với tiểu vùng Kinh 9, Kinh 10, nơi có 1.000 ha lúa thu đông cùng tuổi.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Quân khu 9 đã điều động khẩn cấp trên 1.000 quân nhân thuộc biên chế Sư đoàn 30 cùng với lực lượng của xã, huyện, tỉnh An Giang huy động… tổng cộng hơn 3.000 người cùng người dân địa phương ra sức khắc phục sự cố.

Ông Vương Hữu Tiến, Chi cục phó Chi cục thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết, trước mắt địa phương tập trung vá điểm vỡ đê tại bờ tây Kinh 7 và đưa lực lượng gia cố các con đập ngăn với tiểu vùng Kinh 9 và Kinh 10 để cứu 1.000 ha lúa còn lại.

Các lực lượng ứng cứu đã tiến hành đắp đập ngăn hai đầu Kinh 7 để làm giảm áp lực của lũ thượng nguồn đổ về, tiếp đó sẽ sốc cừ, tấn bao cát vá điểm đê vỡ.

“Lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo, bằng mọi giá phải giữ được trà lúa đông xuân. Trong trường hợp bất khả kháng thì cố gắng hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất”, ông Tiến cho biết.

Đồng Tháp lại vỡ đê, 500ha lúa bị nhấn chìm

Sau hơn mười ngày chống chọi với nước lũ, 4h sáng 28-9, một đoạn đê trên bờ bắc kênh Cả Mũi thuộc ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp bị vỡ. Chỉ trong vòng vài phút, nước lũ cuốn phăng hơn 20m đoạn đê bao.

Do mực nước trên kênh và mặt ruộng chênh lệch quá lớn (hơn 4m) nên nước chảy rất mạnh. Nước từ kênh tràn vào ruộng như thác khiến các sà lan và máy đào đều không dám lại gần. Một cây cầu ván dài khoảng 30m trên kênh đã bị nước cuốn phăng. Người dân tham gia chống lũ sợ nước làm vỡ thêm các đoạn đê gần đó nên phải dạt ra xa hàng chục mét, đứng nhìn trong tuyệt vọng.

Đến khoảng 9h cùng ngày, nước lũ "nuốt chửng" hơn 500ha lúa và miệng đê bị vỡ đã bị xói lở, rộng thêm 40m. Thiệt hại riêng vốn đầu tư cho diện tích lúa này ước tính khoảng 5 tỉ đồng.

Theo ông Mai Văn Xuyên, phó chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, hiện trên địa bàn huyện còn bốn tuyến đê xung yếu có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, gồm tuyến kênh Cả Mũi - Bắc Viện, Tân Thành A - Tân Phước, Cà Vàng xã Tân Bình, bờ đông kênh Sa Rài xã Tân Hội Cơ. Huyện đang huy động mọi nguồn lực ra đồng gia cố đê.

Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.