Chưa phải phân làn mà tách dòng phương tiện

Chưa phải phân làn mà tách dòng phương tiện
TP - Sau một tuần phân làn trên nhiều tuyến phố, trao đổi với PV Tiền Phong hôm qua, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc (PGĐ) Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, đường ở Thủ đô chưa đủ điều kiện để phân làn.

Ông Nguyễn Xuân Tân, PGĐ Sở GTVT Hà Nội:

Chưa phải phân làn mà tách dòng phương tiện

> Phân làn giao thông đại quy mô: Khả năng thành công thấp
> Tốn 27 tỉ đồng, vẫn ùn tắc

Mặc dù đã 3 lần thất bại và nhiều chuyên gia cho rằng các tuyến đường ở trung tâm Thủ đô chưa đủ điều kiện để phân làn nhưng liên ngành Công an - GTVT vẫn thực hiện trên nhiều tuyến phố. Ông nghĩ sao về việc triển khai này?

Nếu tổ chức giao thông theo làn ở Hà Nội mà cứ phải đủ điều kiện mới thực hiện thì không bao giờ làm được việc gì. Tuy nhiên, việc tổ chức giao thông trên một số tuyến phố hiện nay chỉ là tách dòng phương tiện đi theo làn chứ không phải tổ chức phân làn. Mục đích là để phương tiện nào đi theo làn của phương tiện đó nhằm hạn chế xung đột, ùn tắc.

Còn phân làn chỉ có thể thực hiện được trên các tuyến phố có mặt cắt lớn để ngoài chống ùn tắc các làn được phân còn đạt được tốc độ quy định với đường đô thị. Hiện ở Hà Nội chỉ có 2 tuyến đủ tiêu chuẩn để tổ chức phân làn là Đại lộ Thăng Long và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Các tuyến đường ở trung tâm Hà Nội chưa có tuyến nào đủ điều kiện để tổ chức phân làn.

Ông Nguyễn Xuân Tân, PGĐ Sở GTVT Hà Nội
Ông Nguyễn Xuân Tân, PGĐ Sở GTVT Hà Nội.

Vậy tiêu chí nào để liên ngành đưa ra phương án tách dòng phương tiện theo làn trên 5 tuyến phố vừa qua?

Do cơ sở hạ tầng giao thông Hà Nội còn hạn chế, nên khi có sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và sự thống nhất chủ trương từ Thành ủy và UBND thành phố, Sở GTVT đã đưa ra phương án tách dòng phương tiện theo làn.

Tiêu chí được chúng tôi lựa chọn thực hiện là các tuyến phố xuyên tâm, vành đai hoặc các tuyến phố đã phân luồng một chiều và có mặt cắt ngang mỗi chiều tối thiểu từ 10m trở lên. Còn mục tiêu ít nhất phải giảm tai nạn giao thông, ùn tắc và tạo thói quen đi lại cho người dân.

Sau một tuần triển khai, các mục tiêu này liên ngành đã đạt được bao nhiêu phần trăm, đặc biệt là thói quen đi lại của người dân?

Việc tách dòng phương tiện theo làn hiện nay của 4 trên 5 tuyến phố mới ở giai đoạn vừa làm vừa tuyên truyền nên sẽ quá sớm nói về hiệu quả. Tuy nhiên qua theo dõi tình hình đi lại của nhân dân (thói quen) những ngày qua, chúng tôi nhận thấy người chấp hành đi theo làn đã đạt 90 đến 95% lượng người tham gia giao thông trên đường.

Những ngày qua chỉ thấy thanh tra giao thông ra đường. Phải chăng liên ngành vẫn chưa tung hết lực lượng hay có chuyện “né” trách nhiệm?

Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân chính khiến 3 lần phân làn phương tiện trước chưa thành công. Vì vậy, theo chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch UBND thành phố, những ngày tới, không chỉ CSGT mà chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc để thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn.

Sắp tới liên ngành dự định có thực hiện thêm tuyến nào? Việc xử phạt người vi phạm bao giờ sẽ áp dụng?

Theo kế hoạch sau khi thực hiện ổn định việc tách dòng phương tiện theo làn trên hết 5 tuyến phố, từ nay đến cuối năm, Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu thêm 6 tuyến phố nữa để thực hiện việc này. Cụ thể, hiện việc khảo sát trên tuyến phố Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông), một trong các tuyến phố dự định sẽ tách dòng phương tiện theo làn từ nay đến cuối năm đang được Sở GTVT triển khai. Nếu được thành phố yêu cầu, sau 5 tuyến phố trung tâm, tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông) sẽ được tách dòng phương tiện tiếp theo.

Việc xử phạt người vi phạm theo làn sẽ được thực hiện sau khi việc tách dòng phương tiện và trật tự đi lại trên các tuyến phổ cơ bản ổn định. Còn hiện nay liên ngành vẫn phải vừa tổ chức, vừa tuyên truyền, vận động.

Cảm ơn ông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.