Hố 'tử thần' chưa thể khắc chế

Hố 'tử thần' chưa thể khắc chế
TP - Việc sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại dò tìm các hố ngầm nhằm sớm phát hiện, khắc phục tình trạng lún sụt mặt đường, gây mất an toàn cho người tham gia lưu thông hiệu quả còn hạn chế. Hố “tử thần” vẫn xuất hiện nhiều, gây bất an cho người dân TPHCM…

Bất an vì “bẫy tử thần” ở TPHCM
> Dùng máy radar tìm 'hố tử thần'

Trước tình trạng lún sụt đường gây nguy hiểm cho người đi đường, UBND TPHCM đã đề nghị các chuyên gia tìm kiếm thiết bị dò tìm phù hợp xác định các vị trí lún sụt tiềm ẩn dưới lòng đất. Nhóm của PGS- TS Nguyễn Thành Vấn đã khảo sát và đưa ra 4 loại thiết bị Georadar (dùng công nghệ sóng điện từ) phục vụ cho khảo sát hố ngầm và một số công trình ngầm như: Pulse EKKO Pro (Canada); Ramac X3M (Thụy Điển); Thiết bị IDS (Italia); Thiết bị GSSI (Mỹ).

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Lê Toàn, thiết bị dò tìm Georadar IDS (có tên RIS Hi-Pave HT1 và RIS MF Hi-Mod) có khả năng phù hợp với đặc thù của TPHCM. Máy RIS Hi-Pave HT1 được sử dụng trong công tác tuần tra bảo trì đường bộ, được kết nối trực tiếp với xe ôtô với tốc độ thu thập dữ liệu tối đa lên tới 250 km/h nên rất phù hợp cho việc thu thập dữ liệu trên đường cao tốc hoặc các khu vực khảo sát rộng lớn. Trong khi đó, máy RIS MF Hi-Mod có kết cấu cơ khí phù hợp cho việc khảo sát trong nội ô và bản đồ hóa các công trình ngầm.

Mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận cho Sở GTVT mua trước 2 thiết bị Georadar để dò tìm và xử lý sớm các vị trí lún sụp.

Tuy nhiên, tại một hội thảo được UBND TPHCM tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia hoài nghi về hiệu quả của máy Goeradar.

Theo lãnh đạo Hội Cầu đường - Cảng TPHCM, việc dò tìm phát hiện sớm “hố tử thần” mới chỉ dừng ở mức độ dự báo.

Thống kê của Sở GTVT, từ đầu năm 2011 tới nay, TPHCM xảy ra trên 70 vụ lún sụt, trong đó 27 vụ là do hệ thống thoát nước bị rò rỉ; 20 vụ do hệ thống cấp nước và 12 vụ do thi công không đúng quy trình.

Thạc sỹ Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TPHCM cho rằng, TPHCM nằm trên nền đất yếu, trong khi việc tái lập mặt đường ở nhiều nơi không đảm bảo chất lượng.

Một số chuyên gia cầu đường cho biết, TPHCM chịu tác động của tình trạng bán nguyệt triều. Nước ngầm dưới lòng đất cuốn trôi đất, cát, gây xói mòn và dần tạo ra các vết nứt trên mặt đường. Ngoài ra, TPHCM hiện có hàng nghìn ki lô mét ống cấp, thoát nước cũ kỹ, cùng với nước rỉ ra đã tạo nên các lỗ hổng, hàm ếch dưới lòng đường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG