> Bắt 28 người gây rối sau vụ thiếu nữ tử vong
Xóm nghèo mé sông quê ngoại Thu Hiền. Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng. |
Sáng 3-7, người thân và bà con xóm nghèo Sa Pô đi mở cửa mả cho cô Dương Thị Thu Hiền. Mẹ của Thu Hiền, chị Nguyễn Thanh Kim Huệ: “Nhà nghèo, không có đất chôn nên chính quyền cho miếng đất ở đình Ông Cọp chôn cất Thu Hiền. Phải chi, con tôi được nằm gần cho đỡ lạnh lẽo, tủi thân”.
Trong ngôi nhà rách rưới, chật hẹp, chị Nguyễn Thanh Kim Huệ mới ngoài 30 tuổi nhưng đau khổ khiến chị trông già hơn. Chị ngồi trước bàn thờ con gái được kê lên chiếc bàn nhựa, tựa vào vách để khỏi đổ. Sống trong căn nhà tình thương, gia đình chị nghèo vào hàng nhất xóm.
Anh Huỳnh Đen, Trưởng khóm Sa Pô cho biết: Tổ dân cư số 1 có 26 hộ thì có 6 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo”. Người dân ở đây cất nhà mé sông, đất của Huyện đội Năm Căn, chưa được ổn định như nhiều hộ dân khác.
Khoảng 3 giờ ngày 28-6, người dân nghe tiếng tri hô hiếp dâm, sau đó phát hiện Dương Thị Thu Hiền bất tỉnh, nằm vắt ngang con lộ nhỏ. Đến 10 giờ 30 cùng ngày, người nhà đưa Hiền vào Bệnh viện Năm Căn yêu cầu khám để làm y chứng hiếp dâm. Hiền được khám, điều trị và tử vong. Một vài người thân cùng với người quá khích tổ chức đưa thi thể Hiền và quan tài đến Công an huyện Năm Căn, Bệnh viện Năm Căn, nhà các bác sĩ, và trụ sở UBND huyện Năm Căn để quậy phá. |
Bà Nguyễn Hoàng Anh (Ba Cua), ở cạnh nhà ngoại của Thu Hiền, thốt lên: “Nó chết chưa trả hết nợ cho cha mẹ. Hiền vừa được chôn cất, lại có người đến đòi nợ như bà Sáu Hùng mới nãy. Cha mẹ nó cũng thiếu nợ tôi, chưa trả hết, nhưng phải tính lại để trả từ từ chớ làm chi dữ vậy?”.
Bà Hoàng Anh thuộc dạng khá giả, sống nhân hậu, từ khi Thu Hiền lâm hoạn nạn rồi chết, bà giúp đỡ khá chu đáo. Chị Nguyễn Thanh Kim Huệ nói: “Vợ chồng tôi thiếu nợ bà Ba Cua và mang ơn không biết sao trả hết. Nợ tiền bạc, con tôi làm để trả đến chết chưa xong, nay lại phải thiếu nợ thêm”.
Bà Hoàng Anh cho biết, năm 2007, bà cho vợ chồng chị Nguyễn Thanh Kim Huệ mượn 3 triệu đồng, tính lãi 10 phân, có bớt rồi, tính dồn thành 10 triệu đồng chẵn. Thu Hiền lột tôm đã trả dần theo tháng lương, tổng cộng trả được 3,5 triệu đồng đến lúc chết. Chị Nguyễn Thị Phúc, dì ruột của Thu Hiền kể: “Nợ nần của cha mẹ Thu Hiền vay mượn. Lúc đầu, Thu Hiền định không trả nhưng thương cha mẹ nên chịu trả hằng tháng”.
Bà Hồ Kim Anh là bà ngoại của Thu Hiền kể về cháu mình: “Con nhà nghèo, không dám đua đòi gì, chỉ biết nai lưng ra làm để trả nợ. Nó ở với tôi, tháng đưa cho tôi vài trăm ngàn để phụ tiền ăn, còn bao nhiêu gom góp trả nợ cho cha mẹ nó. Lương công nhân lột tôm có tháng hơn một triệu, có tháng gần hai triệu mà giữ kỹ, không mẻ đồng xu. Nó mới mua mấy bộ đồ, chưa kịp mặc thì đã chết rồi”.
Chị Kim Huệ trước bàn thờ con. |
Khổ từ nhỏ
Gần 20 năm trước, anh thanh niên nghèo Dương Văn Toản, quê ở Long An đến vùng Đất Mũi Cà Mau làm mướn đóng đáy sông, phải lòng cô Nguyễn Thanh Kim Huệ. Vợ chồng trẻ phải nương tựa vào bên vợ nhưng nhà vợ lại rất nghèo, chỉ có nhà ở tạm bờ sông, đông anh em, không được học hành.
Trưởng khóm Sa Pô Huỳnh Đen kể: “Trước đây, cha mẹ của Thu Hiền cũng dựng nhà mé sông, có 4 người con không được học hành gì cả, rồi làm ăn thế nào mà thiếu nợ nhiều. Có thời gian cầm vàng giả, tiêu thụ tiền giả nên bỏ trốn. Khi Thu Hiền bị chết, vợ chồng mới về lo tang cho con”.
Rời quê, vợ chồng chị Nguyễn Thanh Kim Huệ chạy sang tỉnh Bạc Liêu, thuê nhà ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình) để làm ăn. Anh Toản và con trai đầu lòng (18 tuổi) cùng đi làm công ghe lưới. Chị Nguyễn Thanh Kim Huệ ở nhà trông coi 2 con còn nhỏ, đứa 9 tuổi, đứa 3 tuổi. Còn Thu Hiền ở lại với bà ngoại mé sông khóm Sa Pô.
Thu Hiền khi còn nhỏ đã lẽo đẽo theo mẹ đến cơ sở sơ chế biến tôm xuất khẩu để phụ lột tôm. Cha mẹ đi xa, Thu Hiền ở với bà ngoại, mới 16 tuổi nhưng khai thêm một tuổi khi làm giấy tờ để xin làm công nhân Cty Thủy sản xuất khẩu Năm Căn.
Chị Nguyễn Thanh Kim Huệ kể: “Đêm hôm trước, nó gọi điện thoại cho cha nói, tối đi bệnh viện thăm bà ngoại. Tôi có bảo đi thăm ngoại thì được chớ đi chơi tao cạo đầu. Không ngờ, gần đến sáng, vợ chồng tôi hay tin cháu bị hiếp chết!”. Một người hàng xóm nói thêm: “Con Hiền nó ngoan, không đi chơi lêu lổng, đi đâu là đi cả 4 đứa con gái xóm này. Con gái giữ tính giữ nết như vậy là được, chết trẻ thật uổng”.
Chiều tối 27-6, Thu Hiền lên Bệnh viện Năm Căn để thăm bà ngoại bị bệnh, được bà ngoại cho 10.000 đồng để đi xe về. Thu Hiền đi bộ, dọc đường gặp đám bạn ngồi nhậu rủ rê và thảm cảnh xảy ra.
Anh em bên ngoại của Thu Hiền khá đông, có đến 8 người nhưng đều nghèo, ít được học hành.
Từ bệnh viện trở về chôn cất cháu ngoại xong, bà Hồ Thị Anh lại tức tốc lên Bệnh viện Cái Nước nuôi con gái Út. (19 tuổi), bị thương trong vụ gây rối khiếu nại cái chết của Thu Hiền. Hôm qua, bà Hồ Thị Anh lại nhập viện vì chứng bệnh già. Chị Út khóc lóc nói: “Mẹ con em lại phải nuôi nhau trong bệnh viện, không biết vụ cháu Thu Hiền chết oan sẽ được xử lý như thế nào?”.
Kỷ luật thầy thuốc, khen thưởng Công an huyện Ngày 3-7, GĐ Sở Y tế tỉnh Cà Mau Huỳnh Trung Kiên cho biết, đã cách chức Phó trưởng khoa sản, chuyển công tác khác bác sĩ Nguyễn Duy Tú. Cảnh cáo 2 bác sĩ cùng hội chẩn là Huỳnh Văn Thể (trực lãnh đạo) và Trưởng khoa ngoại Phạm Thành Lý, cùng y sĩ Tô Văn Phước, điều dưỡng viên Hồ Minh Cảnh. Theo ông Kiên, lỗi của ca trực là không khám toàn diện, bỏ sót dấu hiệu thần kinh liên quan chấn thương sọ não. Ban giám đốc Bệnh viện Năm Căn cũng đang kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo điều hành. Cơ quan giám định pháp y đã xác định Thu Hiền chết do chấn thương sọ não. * Ngày 2-7, GĐ Công an tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Nam đã tặng bằng khen cho tập thể Công an huyện Năm Căn và 5 cá nhân có thành tích chống gây rối đêm 29 rạng sáng 30-6, kèm 10 triệu đồng cho tập thể và mỗi cá nhân 1 triệu đồng. Đến thời điểm này, Công an Năm Căn đã tạm giữ 41 người. |