> Được khởi kiện hành chính ra tòa ngay
Việc cán bộ công chức không thực hiện công việc theo đúng thẩm quyền và nghĩa vụ gây ảnh hưởng đến quyền lợi hành chính của người dân, cũng có thể bị khởi kiện. Ảnh chụp tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội) ngày 29-6. Ảnh: Ngọc Minh. |
Ông Trương Khánh Hoàn, Trưởng phòng Pháp luật Hành chính (Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính của Bộ Tư pháp) cho biết:
Quyết định hành chính của cơ quan nhà nước là những văn bản được áp dụng một lần cho những đối tượng cụ thể, ví dụ như quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông, quyết định xử phạt hành chính của cơ quan thuế, hải quan, xây dựng, đất đai, quyết định đình chỉ công trình xây dựng, và cả những hành vi hành chính cũng có thể bị khởi kiện nếu người dân không đồng ý.
Chẳng hạn như quy định cấp phép xây dựng, nếu quá thời hạn theo quy định mà cán bộ không thực hiện với lý do không thỏa đáng thì dân có thể khởi kiện ra toà về hành vi này của cán bộ công chức có thẩm quyền .
Ông có thể nói rõ hơn những điểm mới mà Luật Tố tụng Hành chính đề cập về quyền khởi kiện của người dân, doanh nghiệp và phạm vi thụ lý của toà án trong lĩnh vực hành chính?
Có thể thấy chưa bao giờ người dân được mở rộng quyền trong lĩnh vực tố tụng hành chính đến như vậy. Trước đây, Luật Khiếu nại Tố cáo 2005 quy định người dân có thể thực hiện khiếu nại qua 2 cấp trong đó khi khiếu nại lần đầu, nếu cơ quan giải quyết khiếu nại không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng thì người dân có quyền khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra toà.
Luật Tố tụng Hành chính lần này khắc phục được những tồn tại vừa nêu. Cụ thể, nếu người dân, doanh nghiệp không đồng tình với quyết định hành chính của cơ quan nhà nước nào đó thì họ có thể khởi kiện ngay ra toà án mà không cần phải qua bước khiếu nại nào như trước đây.
Điểm mới nữa là trước đây, dân chỉ có thể khởi kiện khi quyết định hành chính có đầy đủ cả về nội dung lẫn hình thức, văn bản đó phải là “Quyết định”, có số má rõ ràng. Nay, chỉ cần các quyết định được thể hiện dưới dạng một văn bản chứa đựng nội dung quyết định hành chính, đều được coi như quyết định hành chính dân thấy không thỏa đáng thì họ có thể bị khởi kiện bất cứ lúc nào trong thời hiệu văn bản.
Tôi được biết, theo dự thảo mới nhất của Nghị quyết về thi hành Luật Tố tụng hành chính của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao có thể ban hành hôm nay (30-6), kể cả công văn, thông báo đều được xem là quyết định hành chính nếu nó chứa đựng nội dung quyết định hành chính như tôi đã nói ở trên.
Điều này sẽ khắc phục được thực tế là thời gian qua và có thể cả sau này, nhiều cơ quan nhà nước vì sợ bị khởi kiện, nên khi ra quyết định hành chính thường lách luật dưới dạng “thông báo” hoặc “công văn trả lời”.
Về thời hiệu khởi kiện, trước đây là 30 ngày thì nay là 1 năm. Tức là trong vòng một năm kể từ khi ban hành quyết định hành chính, nếu người dân không khởi kiện thì họ mới mất quyền khởi kiện.
Ông dự liệu gì sau khi Luật Tố tụng hành chính đi vào cuộc sống?
Số vụ án về hành chính có thể sẽ tăng lên. Bởi trước đây theo thống kê thì lượng đơn khởi kiện hành chính nhiều nhưng tỷ lệ được thụ lý không cao, bởi phạm vi quyền khởi kiện của người dân và thụ lý của toà trước đó bị bó hẹp, còn từ nay thì ngược lại.
Trước đây, chỉ có 22 loại quyết định hành chính có thể bị khởi kiện còn nay thì hầu như tất cả mọi lĩnh vực, người dân có quyền khởi kiện thẳng ra toà. Quy định mở rộng tối đa quyền của người dân, doanh nghiệp như vậy đồng nghĩa với việc tạo áp lực cần thiết cho chính các cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đòi hỏi họ phải nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực, trách nhiệm trong quá trình giải quyết, xử lý công việc.
Cảm ơn ông!
Cán bộ nhiều nơi run Cán bộ lãnh đạo cơ sở ở nhiều quận, huyện tỏ ra rất run khi tìm hiểu Luật Tố tụng hành chính. Chánh thanh tra xây dựng một huyện ở Hà Nội cho biết, tới đây ông rất lo vì nếu tham mưu hoặc quyết định vấn đề gì không cẩn trọng, lơ mơ đều có thể bị khởi kiện như chơi. Trong khi đó, nhiều cán bộ hải quan, thuế vụ cũng tỏ ra rất quan tâm đến phạm vi khởi kiện của người dân đối với các quyết định xử phạt của cơ quan thuế và hải quan. “Đây quả thật là thách thức không nhỏ cho chúng tôi vì có thể hiểu là khó có cơ hội sửa sai như trước đây”, một cán bộ hải quan nói. |
Cấp phó ký thay, cấp trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm? Theo ông Trương Khánh Hoàn, sẽ có hai dạng khởi kiện: Khởi kiện cơ quan nhà nước ra quyết định và khởi kiện chính người có thẩm quyền đã ra quyết định hành chính đó. Vấn đề đặt ra là trường hợp quy định khởi kiện theo chức danh - cơ quan nhà nước thì người ký thay (ví dụ cấp phó ký thay thủ trưởng), người ký thừa ủy quyền (ví dụ vụ trưởng ký theo thừa uỷ quyền của bộ trưởng) thì ai là người chịu trách nhiệm về hành vi ký quyết định đó: thủ trưởng cơ quan hay cấp phó, tương tự là vụ trưởng hay bộ trưởng? Điều này cần được Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn cụ thể. |
Ngọc Minh thực hiện