Nói tiếng nói cử tri là phẩm chất hàng đầu

Nói tiếng nói cử tri là phẩm chất hàng đầu
TP - “Nếu trúng cử là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ lựa chọn, đeo bám đến cùng để giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”- Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, trao đổi với PV Tiền Phong về quyết định tự ứng cử của mình.

Bầu cử Quốc hội khóa XIII:

Nói tiếng nói cử tri là phẩm chất hàng đầu

> 700 tỷ đồng cho công tác bầu cử
> Công bố 161 ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM

Nếu tham gia QH, ông có thế mạnh gì?

Tôi đã trải qua nhiều năm làm công tác chính trị- xã hội, đã tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm và sự nhạy cảm chính trị, nên thấy có đủ điều kiện tham gia QH trong xu thế đổi mới. Tôi cũng đã nghỉ công việc nhà nước nên không còn áp lực công việc và các mối quan hệ chi phối. Tôi hoàn toàn độc lập suy nghĩ khi thực hiện nhiệm vụ của một ĐBQH.

Đã làm công tác Đảng nhiều năm, 4 khóa là cán bộ chủ chốt của Ủy ban T.Ư MTTQ VN, tôi đã tham gia và đụng chạm nhiều đến công tác bầu cử... và rất trăn trở trước những ý kiến khác nhau về người tự ứng cử. Lần này tôi trực tiếp tự ứng cử để thực sự là người trong cuộc, ghi chép lại quá trình này. Tôi nhận thấy việc tự ứng cử đã thay đổi dần dần, không chỉ có người ngoài Đảng tự ứng cử mà cả đảng viên, bản thân tôi là một đảng viên thuộc diện trung ương quản lý vẫn được cơ quan có thẩm quyền đồng ý để ra tự ứng cử. Dân chủ đã được thực hiện ngay từ trong Đảng và dân chủ ngoài xã hội. Qua lần tự ứng cử này, tôi nhận thấy xu thế dân chủ ngày càng rõ.

Vậy đâu là những thôi thúc từ cuộc sống khiến ông quyết định tự ứng cử?

Những vấn đề như tham nhũng, tiêu cực và nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân vẫn còn. Cơ chế xin - cho làm tha hóa một số cán bộ, tạo ra nạn chạy chức, chạy quyền và nhiều tiêu cực. Không ít cán bộ công chức để đồng tiền chi phối mà xa rời dân, người có quyền chỉ kè kè gần người có tiền để toan tính cùng hưởng lợi thì làm gì còn có thời gian gần dân...

Nếu là ĐBQH, tôi sẽ lựa chọn một vài vấn đề bức xúc nhất của dân và đeo bám đến cùng để đòi hỏi được giải quyết, trong đó có việc xóa bỏ tận gốc cơ chế xin - cho, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một ĐBQH muốn làm tròn chức trách là người đại biểu của nhân dân thì có rất nhiều yêu cầu, cả về nhiệt huyết, năng lực, kỹ năng nghị trường, đặc biệt là bản lĩnh, chính kiến đối với những vấn đề có ý kiến khác nhau.

Nếu trúng cử ông sẽ làm gì để thực sự gắn bó với những cử tri đã bầu mình?

Tiếp xúc cử tri chính là nguồn lực nuôi dưỡng công việc của mỗi ĐBQH. Anh có thể làm việc này, việc khác nhưng không bao giờ được thoát ly khỏi nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Tiếp xúc cử tri là nơi quyền của nhân dân và quyền của ĐBQH gặp nhau để đại biểu mang tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với QH. Tôi cho rằng, nói được tiếng nói của cử tri là phẩm chất hàng đầu và cũng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người đại biểu nhân dân.

Ông đánh giá cơ hội của người tự ứng cử?

Tất nhiên có khó khăn hơn người được giới thiệu. Nhưng tôi nhìn nhận người tự ứng cử có chất lượng đã góp phần tăng thêm số ứng viên, tạo cơ hội cho các cuộc hiệp thương lựa chọn và tạo thêm số dư để cử tri bầu. Cơ hội cho người tự ứng cử là có, trong đó có cả những đảng viên tự ứng cử. Thực tế, nếu cứ căn cứ nghiêm ngặt về cơ cấu thì những người tự ứng cử không thể lọt vào danh sách bầu cử cuối cùng, vì không có cơ cấu cho người tự ứng cử. Hôm lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cũng có người hỏi tôi: “Ông tự ứng cử theo cơ cấu nào?”. Tôi nói, mình tự ứng cử theo cơ cấu chung của QH.

Ông sẽ nói gì với cử tri khi vận động bầu cử tới đây?

Theo tôi, mỗi ứng viên nên có cái riêng, thế mạnh của mình để vận động bầu cử. Nếu mọi người đều vận động theo một khuôn mẫu giống nhau thì chắc chắn không thiết thực. Các cuộc tiếp xúc cử tri nên mở rộng hơn, ai có nhu cầu thì đến dự, cử tri càng đông và càng đòi hỏi cao thì càng làm cho ứng cử viên bày tỏ được hết nhận thức, công việc và lời hứa của mình trước cử tri.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG