Cần xử lý hình sự 'hung thần' vi phạm

71 người tử nạn vì hung thần trong 5 tháng qua Ảnh: Trọng Đảng
71 người tử nạn vì hung thần trong 5 tháng qua Ảnh: Trọng Đảng
TP - Trước tình trạng ùn tắc, ô nhiễm, đặc biệt thời gian qua 'hung thần' đã cướp đi sinh mạng của 71 người dân, trao đổi với Tiền Phong, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, cần xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các trường hợp vi phạm.

>> Bài 6: Năm ngành quản, 'hung thần' vẫn lọt

71 người tử nạn vì hung thần trong 5 tháng qua Ảnh: Trọng Đảng
71 người tử nạn vì hung thần trong 5 tháng qua. Ảnh: Trọng Đảng.

Đủ thẩm quyền xử lý ngay tại công trường

Từng làm nóng nghị trường các kỳ họp HĐND thành phố với các thảo luận, chất vấn về giao thông Thủ đô, đại biểu Vũ Đức Tân tỏ ra khá bức xúc khi hằng ngày tuyến đường Lê Văn Lương - Giảng Võ ông đi và về nhà luôn bị hung thần chặn đường. “Ngoài ùn tắc gần đây mỗi khi tham gia giao thông trên tuyến đường này tôi còn phải lo tránh xe tải” - Ông Tân nói.

Theo ông Tân, thành phố nên quy hoạch và xác lập rõ ràng khu vực nào xe tải được đi, khu vực nào không được đi, cho đến nay chuyện này vẫn chưa được phân định rõ ràng, các cơ quan lý thì làm theo kiểu tùy hứng, thích cấm thì cấm, thích bịt thì bịt. Ngoài ra, phải rất vất vả mới di dời được các trường học, bệnh viện, nhà xưởng ra ngoại thành, song nhà cao ốc, trung tâm thương mại lại mọc lên ở chính chỗ đó, như thế làm sao giải quyết ùn tắc và xe tải không đi vào, đại biểu Tân dẫn chứng.

Đại biểu Trần Trọng Hanh cũng cho rằng, sau khi công trình mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long hoàn thành, để thành phố luôn được vệ sinh và hạn chế ùn tắc Hà Nội nên cấm triệt để xe tải. Nếu cần phải cho xe tải đi vào khu vực đô thị và các công trình đang xây dựng thì chỉ nên cấp phép cho xe tải nhỏ đi vào ban đêm.

Quy định về vấn đề vệ sinh môi trường đối với các công trình đã rõ, cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền để vào tận công trình để xử phạt xe tải vi phạm, thậm chí lập biên bản tạm dừng thi công.

Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, vấn đề hung thần xe tải đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân, trong các cuộc họp HĐND vừa qua, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi với lãnh đạo thành phố, song sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

“Hà Nội cứ nói chống ùn tắc và cải thiện môi trường sống, tuy nhiên trên nhiều tuyến đường xe tải vẫn lộng hành, đường phố vẫn bụi mù thì làm sao chống và cải thiện được. Ngoài nỗi lo tắc đường, hiện nay người dân ra đường còn nỗi lo gặp xe tải”, đại biểu Nguyễn Thị Thành nói.

Cần xử lý hình sự

Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và môi trường ĐH KHXH Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho biết, lượng bụi trên địa bàn Hà Nội đã vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, nhất là các khu vực từ đường vành đai 2 trở ra. Theo số liệu trung tâm đo được tại khu vực đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến – vành đai 3, lượng bụi vượt tiêu chuẩn 6 đến 7 lần, giờ cao điểm lên tới 10 lần.

Về nguyên nhân gây bụi, GS-TS Phạm Ngọc Hồ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và môi trường ĐH KHXH Tự nhiên cho rằng, do đường bẩn và xe tải chạy quá nhiều. Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường không khí Hà Nội đang ở mức báo động đỏ.

“Tôi thấy dù đã có nhiều quy định để xử lý các vi phạm về môi trường, nhưng ngay chỉ việc xử lý các xe tải công trình xây dựng gây bụi bẩn cũng chưa làm được”. GS-TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nói.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 29-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc kiểm tra xử lý các phương tiện trong đó có xe tải và công trình xây dựng gây bụi bẩn phải được tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không chỉ làm, ra quân vào dịp cao điểm rồi thôi. “Lực lượng chức năng phải thực hiện và xử lý nghiêm, nếu cần thiết thì phải rút giấy phép hoặc xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm”, ông Nghị nhấn mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.