Đôn đáo tìm chỗ gửi con
Các trường mầm non bắt đầu nghỉ tết từ ngày 28-1 (tức 25 tháng chạp) trong khi đa số phụ huynh phải làm đến hết ngày 27 tháng chạp, chưa kể nhiều phụ huynh phải hết ngày 30 tết mới nghỉ khiến việc tìm chỗ gửi con trong những ngày giáp tết trở nên căng thẳng.
Phụ huynh và học sinh Trường mầm non Hoa Lư, Q.1 tham gia lễ hội buffet sáng do trường tổ chức. Năm nay, trường nhận giữ trẻ những ngày giáp tết. Ảnh: H.Hương (Tuổi Trẻ). |
Mấy ngày nay chị Thu Hảo (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chạy vạy khắp nơi tìm chỗ gửi con từ 25-30 tết: “Ba ngày vừa rồi cứ buổi trưa là tranh thủ gõ cửa các trường tư thục nhưng trường nào cũng lắc đầu bảo “hết chỗ”. Họ nói phải đăng ký trước 1 tháng, không ngờ chỉ có mấy ngày giáp tết mà khó khăn thế”.
Mẹ khổ con cũng khổ
Chú ý cơ sở vật chất Cô Lê Tâm lưu ý, khi gửi con ở nhà giáo viên, các phụ huynh hãy chú ý đến cơ sở vật chất ở nhà cô như: các ổ cắm điện có an toàn không, hệ thống bếp nấu ra sao, các vật dụng có thể gây nguy hiểm cho bé như: nước lau sàn nhà, nước chà bồn cầu, nước rửa chén... để ở đâu. Rồi một cô giữ bao nhiêu cháu, có người nhà phụ hỗ trợ không,... Ở trường mầm non, lớp học được thiết kế, trí để cho các bé thoải mái vui chơi, đùa nghịch, cô giáo cũng chỉ trông và chăm sóc. Nhưng khi ở nhà, cô gíao còn phải nấu cho các bé ăn, mọi đồ dùng trong nhà cũng không phải đồ chuyên dụng cho trường mầm non, chỉ cần sơ sảy tí xíu là gây ra thương tích cho trẻ. |
Tương tự, một số phụ huynh ở Q.1, Q.2, TP.HCM cũng lâm vào tình cảnh “không biết tính thế nào” khi: “Cô giáo lớp bé Ti nhà mình đã có 12 phụ huynh đăng ký xin gửi con ở nhà cô từ 25 đến 29 tết. Nhưng nếu mang bé gửi chỗ khác cũng rất khó vì bé mới hai tuổi rưỡi đã quen cô nào, phải học đúng cô đó. Lạ chỗ, lạ cô bé khóc không chịu ăn uống, mẹ làm sao yên tâm đi làm?” - chị Phương (nhà ở Q.Tân Phú, TPHCM) cho biết.
Thời gian nghỉ tết của học sinh mầm non lệch với thời gian nghỉ tết của phụ huynh nhưng không phải gia đình nào cũng có ông bà nội, ngoại; phụ huynh cũng không thể mang con vào cơ quan. Bởi cũng thời điểm này, nhiều cơ quan, đơn vị đã ra thông báo yêu cầu cán bộ-công nhân viên không được mang con vào công sở để bảo đảm hiệu quả công việc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giải pháp mà nhiều phụ huynh chọn lựa là gửi con tại nhà giáo viên mặc dù mức phí khá cao: từ 120.000 - 170.000 đồng/ngày. Không những thế điều này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn cho trẻ.
Cô Lê Tâm - giáo viên lớp nhà trẻ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM phân tích: “Mới đầu mình không định giữ nhưng phụ huynh năn nỉ dữ quá, đành nhận giữ hai cháu thôi. Phụ huynh truyền tai nhau và hơn 2/3 lớp đăng ký nhờ cô giữ giùm. Tôi bảo một mình tôi chỉ có thể trông tối đa 4 bé chứ nhiều thêm nữa là không thể bảo vệ sự an toàn của cháu. Do nhu cầu quá bức bách, nhiều phụ huynh cứ thuyết phục tôi “cô muốn tính phí bao nhiêu cũng được”. Có người còn năn nỉ “cô giữ bé giúp giùm mẹ, mẹ không quên ơn cô”.
Môi giới người giữ trẻ
Trong khi đó tại Hà Nội, ngày 25-1, anh Hòa phụ huynh ở TT Thanh Xuân Bắc cho biết: Sau khi đã đi một vòng các dịch vụ trông trẻ, chúng tôi chấp nhận thuê trông trẻ ở một địa chỉ có bảo đảm, nhưng giá rất mắc 300.000 đồng/ngày. Buổi sáng chúng tôi phải đưa trẻ đến đia chỉ giữ trẻ, họ sẽ quản lý, cho các cháu ăn, ngủ trưa, vui chơi và trả cho cha mẹ trước 7 giờ tối.
Một phụ huynh có con học trường tiểu học Trung Tự cho biết: Lớp có một nhóm các cháu bố mẹ không thể gửi con ở đâu trong dịp áp tết được nên đã thống nhất nhờ cô giáo. Nhà cô rộng rãi, có thể đủ cho hơn chục cháu ăn, ngủ, học tập. Gia đình cô giáo nhận nấu ăn cho các cháu, cô sẽ quản lý cho các cháu ôn tập bài. Chi phí mỗi học sinh là 50.000 đồng/ngày. Theo phụ huynh một trường khác ở phường Bách Khoa-Hai Bà Trưng- HN, ban phụ huynh cũng thuyết phục được cô giáo nhận giúp nhưng phải đi thuê nhà dân để tổ chức “lớp trông trẻ”.
Trao đổi về việc các cô giáo nhận giữ trẻ, hiệu trưởng một số trường cho biết nhà trường không có chủ trương khuyến khích việc này. Chỉ do nhu cầu của phụ huynh quá bức thiết nên đã tự tổ chức.
Theo một số phụ huynh khác có con ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, vì cần người ở nhà với con nên đã phải thuê người giúp việc vào ngày Tết. Đối tượng các phụ huynh tin tưởng gửi gắm là những sinh viên không có điều kiện về quê ăn Tết, mức thù lao dao động từ 50.000- 200.00 đồng/ngày/ người.
Ăn theo nhu cầu của cha mẹ học sinh dịp Tết, tại HN xuất hiện nhiều địa chỉ nhận giữ trẻ, địa chỉ môi giới người trông trẻ. Theo nhân viên một trung tâm môi giới ở Ngõ Gạch- HN, giá thuê người trông trẻ trong dịp học sinh nghỉ Tết dao động từ 120.000-150.000 đồng/người/ngày, giá môi giới là 350.000 đồng/lần. Một trung tâm môi giới khác ở ngõ 575- Kim Mã cho biết có thể cung cấp người trông trẻ với giá 150.000 đồng/ngày/người, phí môi giới là 500.000 đồng/lần.
Hai bên cùng có lợi
Nếu như tết năm trước TP.HCM có khá nhiều trường mầm non tổ chức giữ trẻ đến ngày 29, 30 tết, năm nay các trường nghỉ đúng theo quy định với lý do: 26, 27 tháng chạp vào thứ 7 và chủ nhật, nếu tổ chức giữ thêm cũng chỉ được hai ngày, nhiều giáo viên xin phép về quê nghỉ tết sớm.
Mặc dù hiếm hoi nhưng cho đến thời điểm này, TP.HCM cũng đã có một số trường nhận giữ học sinh đến cận tết. Theo bà Tôn Nữ Kim Anh - hiệu trưởng Trường mầm non Bến Thành, Q.1: “Nhà trường không định làm việc này có nhiều phụ huynh đề nghị nên phải xin ý kiến giáo viên. Cả trường có 45/tổng số 79 giáo viên, công nhân viên đăng ký làm thêm mấy ngày cận tết. Do đó, trường ra thông báo giữ bé đến hết ngày 29 tết với mức phí 100.000 - 120.000 đồng/ngày/cháu”.
Còn ở Trường mầm non Hoa Lư, Q.1, trường sẽ mở cửa đón cháu từ 6h45 đến 17h các ngày 25, 26, 28, 29 tết với mức phí 100.000 đồng/ngày/cháu bao gồm cả tiền ăn sáng, trưa, xế và uống sữa.
Bà Lê Thị Kim Vân-hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lư không giấu giếm: “Giữ trẻ đến ngày giáp tết vừa đáp ứng yêu cầu của phụ huynh vừa tạo điều kiện cho những giáo viên, nhân viên khó khăn có thêm thu nhập. Thật ra, trong số những bé đến trường trong những ngày ấy, không phải tất cả phụ huynh đều đi làm mà có bé ba mẹ nghỉ ở nhà nhưng muốn gửi con để rảnh rang dọn dẹp nhà cửa, có gia đình lại nêu lý do bé khó ăn quá, gửi bé đến trường để các cô đút cho bé ăn. Thực sự làm thêm mấy ngày này cũng rất cực, số cháu đi học không nhiều nhưng trường vẫn phải tổ chức đầy đủ ban bệ với đại diện ban giám hiệu, nhà bếp, bảo vệ...”.
Theo H.Hương - V.Hà
Tuổi Trẻ