Chỉ cho chơi game online ban đêm?
>> Tỷ lệ chơi game của học sinh đang ở mức rất cao
Lần đầu tiên, có đại biểu đã đề nghị thực hiện giải pháp lạ và táo bạo này tại hội nghị quản lý game online do Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM tổ chức sáng 5-1.
Nhiều bạn trẻ chơi game đối kháng Last Blade 2 tại một cửa hàng Internet trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM tối 5-1. Ảnh: Thuận Thắng (Tuổi Trẻ). |
Tại hội nghị về quản lý trò chơi trực tuyến (game online) do Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) TP.HCM tổ chức sáng 5-1, các đại biểu đều nhìn nhận những tác động tiêu cực của game online là đã quá rõ ràng và cần có giải pháp mạnh để quản lý loại hình giải trí được ví như một loại “ma túy” này.
Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết sau năm tháng thực hiện biện pháp mạnh để quản lý game online trên địa bàn TP.HCM, đến nay đã có 20 trò chơi (gồm 18 trò chơi mang nội dung bạo lực) ngừng hoạt động. Trong đó có ba trò chơi bắn súng có mức độ đối kháng quyết liệt với hình ảnh, âm thanh có tính chất bạo lực và kích động bạo lực được Bộ TT-TT cấp phép là Biệt đội thần tốc (của Vinagame), Đặc nhiệm anh hùng (của Công ty FPT) và Đột kích của VTC Intecom.
“Đèn nhà ai nấy sáng”
1/5 học sinh Hà Nội chơi game online Theo báo cáo khảo sát về thực trạng học sinh chơi game online của Sở GD-ĐT Hà Nội, trong tổng số gần 990.000 học sinh phổ thông có 5.805 học sinh nghiện game online, chiếm tỉ lệ 0,58%. Cụ thể, học sinh tiểu học có 912 em, THCS có 1.949 em, THPT có 2.944 em. Cũng theo số liệu thống kê trên, có khoảng 1/5 số học sinh phổ thông, tương ứng khoảng 216.000 em đến các đại lý Internet để chơi game online từ 1-3 lần/tuần trở lên. Trong đó, có khoảng 13.000 em chơi hơn 10 lần/tuần. Thời gian chơi game online dài nhất, theo khảo sát từ học sinh, là 12 giờ. |
Sở đã yêu cầu chín doanh nghiệp loại bỏ tính năng đối kháng khỏi 29 trò chơi kiếm hiệp nhưng chỉ một số doanh nghiệp chấp hành, một số khác chưa thực hiện.
Tuy nhiên, hầu như hiện nay chỉ có TP.HCM là áp dụng các biện pháp quản lý game online nên xảy ra tình trạng “đèn nhà ai nấy sáng”. Đơn cử như trường hợp trò chơi Đột kích đã ngưng cung cấp tại TP.HCM nhưng doanh nghiệp phát hành vẫn cung cấp cho 62 tỉnh thành còn lại. Chưa kể, theo ông Lê Mạnh Hà, do không có sự thống nhất trong nội bộ ngành
TT-TT nên công tác quản game online hết sức khó khăn. “Mặc dù Bộ TT-TT đã đưa ra giải pháp ngừng phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi mới nhưng biện pháp quan trọng và cấp bách mà Sở TT-TT TP.HCM kiến nghị là phải xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và thẩm định lại toàn bộ trò chơi đã được cấp phép để loại bỏ các yếu tố bạo lực lại không nhận được phản hồi từ bộ” - ông Hà nói.
Tương tự, kiến nghị của Sở TT-TT TP.HCM về việc yêu cầu các doanh nghiệp ngưng cung cấp trò chơi trực tuyến từ 22g-8g sáng hôm sau cho tất cả người sử dụng và quản lý đối tượng, độ tuổi người chơi cho phù hợp với nội dung từng loại trò chơi cũng không được bộ phản hồi.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, những biện pháp cứng rắn trong quản lý game online của Sở TT-TT TP.HCM đã vấp phải phản ứng và sự can thiệp sai thẩm quyền, cung cấp thông tin sai sự thật và không khách quan từ Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VN (Vinasa).
Cụ thể, ngày 29-9-2010, ban chấp hành Vinasa đã có công văn kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng rằng TP.HCM áp dụng sai luật nên các doanh nghiệp cung cấp trò chơi tại TP.HCM có nguy cơ đóng cửa. “Nội dung công văn của Vinasa có nhiều điểm sai sự thật, không khách quan, không có cơ sở pháp lý và có hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của Sở TT-TT. Đặc biệt, công văn của Vinasa có thể gây hiểu sai về công tác quản lý của TP.HCM và có thể gây khó khăn đến việc ra quyết định đúng đắn của người đứng đầu Chính phủ để quản lý một vấn đề nóng đang gây nhiều bức xúc trong xã hội” - ông Hà nói.
Các bạn trẻ chơi game Warcraft III tại một tiệm Internet trên đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình (TP.HCM) chiều 5-1. Ảnh: Thuận Thắng(Tuổi Trẻ). |
Phải chặn từ gốc
Theo thống kê, hiện TP.HCM còn 352 đại lý Internet nằm cách trường học dưới 200m và Sở TT-TT đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoanh vùng để ngừng cung cấp game online cho các đại lý này. Tuy nhiên tại hội nghị, đại diện các quận huyện cho biết thực tế các đại lý này vẫn kinh doanh game online.
Cán bộ phòng văn hóa thông tin các quận 10, Tân Bình, Tân Phú đều cho rằng chỉ có thể nhắc nhở, xử phạt chứ không thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng phòng văn hóa thông tin quận Tân Phú, cho biết ngay cả việc không cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ Internet gần trường học cũng khó thực hiện vì luật không cấm. “Trên giấy chứng nhận chúng tôi chỉ có thể mở ngoặc ghi chú thêm là không được kinh doanh game online” - ông Hùng nói.
Ông Bùi Thanh Sang, phó phòng văn hóa thông tin quận 10, cho biết quận còn phát hiện một trường hợp không được phép kinh doanh game online nhưng khi UBND quận ra quyết định xử phạt thì doanh nghiệp lại trưng ra hợp đồng cung cấp dịch vụ của FPT với thời hạn ghi lùi lại rất xa nhằm hợp thức hóa.
Theo đại diện phòng văn hóa thông tin quận 2, kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết người chơi game online ban ngày là học sinh và người làm việc văn phòng, trong khi đối tượng chơi buổi tối phần lớn là thanh niên, người vô công rỗi nghề. Theo vị này, cái hại nằm ở chỗ học sinh trốn học để chơi hoặc học một buổi chơi một buổi và người đi làm chơi game trong giờ làm việc. “Do đó, tôi kiến nghị nên quy định lại theo hướng ngừng cung cấp game online vào ban ngày và chỉ nên cung cấp vào ban đêm, từ 18g-7g sáng hôm sau - vị này kiến nghị và giải thích - Bởi vì ban đêm phụ huynh có thể quản lý được con em và người lớn cũng không thể thức suốt đêm để hôm sau không đi làm nổi. Nhờ đó ban ngày người làm việc sẽ tập trung làm việc, học sinh sẽ tập trung cho việc học”.
Ông Lê Mạnh Hà cho rằng kiến nghị này đặt ra một vấn đề rất mới và Sở TT-TT sẽ lưu ý để có khảo sát, đánh giá tính khả thi. Đại diện Sở GD-ĐT và một số đại biểu dự hội nghị cùng đề xuất phải có giải pháp đồng bộ nhiều ngành, phối hợp cả ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Ông Hà đồng tình nhưng theo ông, trước hết phải giải quyết từ gốc là quản lý nội dung game online và đặc biệt phải kiên quyết xử lý các trò chơi đang lưu hành. “Nếu ví game online như ma túy thì phải triệt ông trùm chứ không chỉ bắt người bán lẻ. Còn khi con em mình đã nghiện rồi thì cơ quan quản lý phải “cấp cứu” trước, gia đình và xã hội sẽ chung tay “hồi sức” sau” - ông Hà nói.
Ông Lê Mạnh Hà: “Bộ chưa làm điều cần làm” * Tại hội nghị, đại diện một cơ quan của Bộ TT-TT phản ứng cho rằng báo cáo về game online của Sở TT-TT TP mang cảm giác là bộ không làm gì. Điều này được hiểu như thế nào, thưa ông? - Chúng tôi đã trao đổi ý kiến này, tôi đã trình bày trong báo cáo tại hội nghị là bộ có ban hành một số biện pháp để quản lý game online. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh: bộ chưa làm điều cần nhất phải làm! Đó là loại bỏ game online bạo lực. Bộ có thẩm quyền và hoàn toàn có khả năng làm việc này. Việc cụ thể cần làm mà chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần là xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ bạo lực và thẩm định lại toàn bộ game online đã được cấp phép để loại bỏ các yếu tố bạo lực. Khi các trò chơi có nội dung bạo lực còn lan tràn một cách hợp pháp thì các biện pháp của bộ là chỉ giải quyết phần ngọn và làm các địa phương rất vất vả mà vẫn không quản lý được. Không ai có thể đi kiểm tra toàn bộ 40.000 đại lý trên cả nước được, ngày nào cũng kiểm tra thì càng không thể được. Thêm nữa, cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ kinh doanh các vật phẩm trong game online và đây là một trong những cách thu hút đông đảo người chơi. Quy định của pháp luật chưa có, vẫn còn đang tranh luận liên quan đến các biện pháp quản lý, trong khi doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh. |
Theo Tuổi Trẻ