Bộ TN&MT không có ý kiến khác về bôxít

Bộ TN&MT không có ý kiến khác về bôxít
TP - Liên quan đến dự án bôxít Tây Nguyên đang “nóng” trong dư luận, tại buổi giao lưu trực tuyến giữa Bộ TN&MT, giữa người dân và doanh nghiệp ngày 28-10, Tổng cục trưởng Môi trường, ông Bùi Cách Tuyến, cho biết: Là cơ quan cấp dưới, Bộ không có ý kiến nào khác ý kiến của Chính phủ. “Về khía cạnh môi trường của hồ bùn đỏ, bản thân tôi cũng giới hạn trong trách nhiệm mà Bộ và Chính phủ đang giao. Lãnh đạo cao nhất sẽ có lời giải cuối cùng...”.

 >> Lo xảy ra sự cố khai thác
 >> Dự án về môi trường chưa được cấp vốn
 >> 'Sẽ xem lại an toàn của hồ chứa bùn đỏ'
 >> Rà soát hệ thống xử lý bùn đỏ Tân Rai

Bộ TN&MT không có ý kiến khác về bôxít ảnh 1

Bộ TN&MT đã cử ba đoàn đi tham quan môi trường các dự án bôxít tại Brasil, Tây Úc và Trung Quốc. Sau đó, Bộ đã lập ra một tổ kỹ thuật gồm nhiều nhà khoa học đầu ngành về khai khoáng, hóa học, môi trường, địa chất.

Về việc Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chế biến, khai thác bôxít thì Bộ chưa thể làm được. Bởi trên thực tế ở Việt Nam chưa có đơn vị nào khai thác (kể cả Tân Rai và Nhân Cơ) và chế biến, nên Bộ phải chờ đợi.

* Theo chỉ đạo của Bộ GT-VT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang chuẩn bị các phương án bảo đảm cho phương tiện chuyên chở phục vụ dự án khai thác nhôm và bôxít tại Tây Nguyên bằng tổ hợp xe đầu kéo và thiết bị sơmi rơmoóc loại từ 5 trục trở lên, có tổng tải trọng tối đa 40 tấn.

Bộ GT-VT đưa ra 2 phương án trước và sau khi chưa có cảng Kê Gà (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận). Khi chưa có cảng Kê Gà, các phương tiện vận chuyển bôxít- nhôm tại Lâm Đồng sẽ đi từ nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) xuống cảng Gò Dầu (Đồng Nai) với chiều dài toàn tuyến khoảng 210km; vận chuyển alumin từ Nhân Cơ (Đắc Nông) xuống cảng Gò Dầu với chiều dài toàn tuyến khoảng 260km. Sau khi có cảng Kê Ga, tuyến đường từ nhà máy Alumin Tân Rai tới cảng khoảng 144 km, từ Nhân Cơ tới cảng là 247km.

Bộ GT-VT đã đề nghị TKV phối hợp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai theo cơ chế đặc thù về thủ tục đầu tư; huy động mọi nguồn lực để đầu tư bằng các nguồn vốn, nhằm triển khai nhanh việc nâng cấp, cải tạo và xây dựng một số đoạn tuyến theo các phương án nêu trên. Đối với việc đầu tư xây dựng một số đoạn tuyến, TKV làm chủ đầu tư và lựa chọn ngay tư vấn lập dự án để huy động vốn triển khai sớm.

Nói lợi nhuận phải tính đến rủi ro

Bình luận về con số lợi nhuận kinh tế 11% tại nhà máy bôxít Tân Rai, như trả lời của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) trên Tiền Phong, ông Cao Sỹ Kiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ nói:

- Con số lợi nhuận 11% trong khai thác không phải là không chấp nhận được. Trong công nghiệp khai thác không đòi hỏi lợi nhuận cao được. Tuy nhiên, lợi nhuận trong khai thác khoáng sản rủi ro rất lớn vì có những yếu tố chưa định hình được.

Hôm nay dự kiến giá này nhưng ngày mai giá lại giảm. Chúng ta tính 330 USD/tấn alumin, nhưng giá trên thế giới cao nhất chỉ 270 USD/tấn. Như vậy giữa dự báo và thực tế đã chênh nhau đến 60 USD/tấn.

Chúng ta dự báo bán nguyên liệu alumin rất dễ, và bây giờ bán có thể dễ, nhưng một thời gian nữa không bán được, nguyên liệu sẽ ứ đọng. Khi xuất hiện rủi ro liên quan đến thiên tai, biến đổi khí hậu, chi phí gia cố, xử lý chất thải tăng lên rất nhanh. Lợi nhuận 11%, nhưng phải cộng thêm yếu tố rủi ro về thị trường và thiên tai chưa lường được. Đó mới là vấn đề lớn. Khai khoáng không giống như may áo, đóng tàu.

MỚI - NÓNG