>> Để nhân dân quyết định người lãnh đạo
Vấn đề mà TS Trần Đình Huỳnh quan tâm nhất là việc bầu vị trí người đứng đầu của Đảng làm sao có đủ tài, trí, đạo đức và bản lĩnh... Tiền Phong trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp của PGS-TS Trần Đình Huỳnh.
PGS-TS Trần Đình Huỳnh. Ảnh: www.xaydungdang.org.vn. |
Người đứng đầu nhìn từ Đại hội VI
Nhớ lại những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn của đất nước sau khi giải phóng miền Nam, cho đến khi tiến hành Đại hội Đảng lần thứ VI (ĐH VI). Khi ấy yêu cầu đổi mới được xem như là điều kiện sống còn của chế độ, chúng ta càng thấy rõ vai trò của lãnh tụ trong những giờ phút quyết định mang tính lịch sử của dân tộc.
Vai trò của Tổng Bí thư Trường Chinh trong quá trình chuẩn bị về quan điểm, tư tưởng , nội dung của các văn kiện Đại hội VI cùng với uy tín cá nhân của ông-một người nổi tiếng về sự thông tuệ, mẫu mực, thận trọng, nguyên tắc, cứng rắn - đã có sức thuyết phục cao trong Đảng và toàn xã hội.
Vì vậy Nghị quyết Đại hội (NQ) lần thứ VI có thể coi là một trong những NQ làm nức lòng quần chúng nhân dân,được toàn dân phấn khởi đón nhận một cách hào hứng nhất.Tuy được coi là một tác giả quan trọng của đường lối đổi mới nhưng đồng chí Trường Chinh lại là người xin tự nguyện rút, không ứng cử vào BCH T.Ư khóa VI để tạo điều kiện cho Đại hội chọn đồng chí Tổng Bí thư mới, trẻ tuổi hơn, có đủ uy tín và khả năng lãnh đạo thực thi đường lối đổi mới đã được ĐH quyết nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư khóa VI là người đã đáp ứng việc lãnh đạo thực thi NQ Đại hội VI. Chính vì thế mà giới nghiên cứu cũng như đại bộ phận nhân dân đều coi ĐH VI là cái mốc lịch sử mở đầu thời kỳ phát triển mới mà chúng ta quen gọi là Thời kỳ đổi mới.
Lãnh tụ Đảng phải là người tài, trí, đức độ, bản lĩnh hơn người
Một sự độc đáo và nổi trội mang nặng dấu ấn lãnh tụ Hồ Chí Minh là dưới sự lãnh đạo của Người, nhiều đảng viên cộng sản ưu tú sẵn sàng vui vẻ nhường ghế cho người không đảng phái, thậm chí cả người của đảng phái đối lập tham gia chính phủ, nhưng đất nước vẫn đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng cộng sản bởi lãnh tụ của Đảng cũng đồng thời được cả dân tộc coi là lãnh tụ của mình.
Đính chính Ngày 11- 10, Báo Tiền Phong có bài “Để nhân dân quyết định người lãnh đạo”, do sơ suất chúng tôi ghi là GS - TSKH Nguyễn Trọng Bảo, nay xin đính chính lại là PGS- TSKH Nguyễn Trọng Bảo. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc và ông Nguyễn Trọng Bảo. |
Một Quốc hội có tính chất hỗn hợp, đa dạng như năm 1946 mà Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vẫn được Quốc hội suy tôn là công dân số một, được giao trọng trách chèo lái con thuyền dân tộc đang tròng trành giữa phong ba bão táp làm trưởng ban soạn thảo Hiến pháp, đứng ra thành lập Chính phủ mới , trực tiếp làm Chủ tịch Chính phủ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng mà Hiến pháp ghi nhận “không phải chịu một trách nhiệm nào, trừ khi phạm tội phản quốc” (Điều 50 Hiến pháp 1946).
Cũng cần nói thêm rằng, khi ấy Hồ Chí Minh chỉ là một đảng viên cộng sản, một chiến sỹ quốc tế chứ Người chưa giữ chức vụ chủ chốt trong BCH T.Ư (người đứng đầu của Đảng lúc đó là Tổng Bí thư Trường Chinh), nhưng Người đã được Đảng và Quốc hội suy tôn là lãnh tụ và tin cậy trao gánh trách nhiệm như là ngọn cờ, là linh hồn của phong trào cách mạng.
Thực tiễn Việt Nam đã cho thấy lãnh tụ phải là người có tài trí, đức độ và bản lĩnh hơn người; có khả năng nắm bắt những vấn đề cơ bản nhất trong lĩnh vực chính trị - xã hội, có sức cảm hoá và thu phục nhân tâm, dũng cảm và mưu lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, quyền biến trong mọi tình huống, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ do yêu cầu của hoạt động thực tiễn đất nước đòi hỏi.
Lãnh tụ xuất hiện trong phong trào cách mạng, bộc lộ tài năng xuất chúng, được quần chúng công nhận và suy tôn. Lãnh tụ phải là người đã được rèn luyện, thử thách và chuẩn bị để có được những phẩm chất cá nhân nổi trội như trí thông minh, am hiểu sâu sắc văn hóa - lịch sử dân tộc, có khả năng giao tiếp quốc tế chủ động, mềm dẻo, cương nhu đúng lúc trên tinh thần tự chủ và tự tôn dân tộc, có trình độ lý luận tiên phong, am hiểu thực tiễn, nhạy bén, linh hoạt, quyền biến, có sức cảm hoá, thuyết phục, lôi cuốn mọi đối tượng.
Nói cách khác, Đảng lãnh đạo mà tiêu biểu là lãnh tụ của Đảng, phải là người đại diện cho trí tuệ, lương tâm, danh dự, đạo đức và khí phách của dân tộc. Một con người như thế sớm muộn cũng sẽ xuất hiện, bởi lịch sử đã có nhu cầu thì tất yếu nó đã hé lộ ra những khả năng giải quyết các yêu cầu ấy.
Con người do hoàn cảnh sản sinh ra. Vấn đề là làm cách nào để những bậc hiền tài có thể xuất thân? Theo thiển nghĩ của chúng tôi thì cứ theo cách của cụ Hồ mà suy ngẫm, vận dụng. Đó là Đảng phải đặt lợi ích của toàn dân tộc lên trên hết và trong nội bộ Đảng phải thực hành dân chủ thật rộng rãi. Đảng tin dân thì trước hết phải có niềm tin vào chính trí tuệ và bản lĩnh của toàn Đảng.
Hồ Chí Minh đã từng nói việc nước là việc chung chứ không phải việc riêng của một người, một dòng họ, phe cánh, một địa phương, đơn vị. Đảng là của toàn thể đảng viên. Đảng là của đảng viên nhưng cũng là của dân tộc. Đảng do tất cả đảng viên hợp lại mà thành.
Còn nữa