Để nhân dân quyết định người lãnh đạo

Ông Nguyễn Trọng Bảo Ảnh: Hà Nhân
Ông Nguyễn Trọng Bảo Ảnh: Hà Nhân
TP - Tiếp tục câu chuyện với Tiền Phong, PGS-TSKH Nguyễn Trọng Bảo (nguyên Chánh văn phòng Ban Khoa giáo T.Ư) cho rằng, phải đổi mới mạnh mẽ theo xu thế thời đại. Dân chủ hóa xã hội, để người dân quyết định người lãnh đạo.

>> Bài 1: Chưa mạnh dạn sử dụng nhân tài

Ông Nguyễn Trọng Bảo Ảnh: Hà Nhân
Ông Nguyễn Trọng Bảo. Ảnh: Hà Nhân.


Nhiều người cho rằng, vì cơ chế, chính sách nhân tài chưa rõ ràng nên mới dẫn đến việc chạy chức, chạy quyền?

Rõ ràng có chuyện này. Họ còn nói công khai là chức này, chức kia giá phải bao nhiêu. Mà họ phải bỏ ra bao nhiêu để lo được chức ấy thì khi được lên chức họ phải tìm cách thu lại số tiền đã mất. Chúng ta cứ nói chống tham nhũng, hối lộ chung chung, nhưng chính là phải chống tham nhũng, hối lộ ở những đảng viên có chức, có quyền, ở những người đứng đầu.

Vậy phải chăng là tâm lý chạy chọt, thân quen nó vẫn mạnh hơn tư duy đổi mới, thưa ông?

Chính xác. Nhiều người nói quá trình đổi mới từ 1986 đến nay vẫn chưa triệt để, vẫn ngập ngừng, nửa vời. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khi nghỉ hưu rồi cũng rất trăn trở về những sai lầm khi mình đang có chức, có quyền.

Theo ông nếu nhân tài không được trọng dụng thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của đất nước?

Nguy cơ đang hiện rõ là đất nước đang tụt hậu ngày càng xa. Dân tộc Việt Nam không thua kém các dân tộc trên thế giới. Nhưng bây giờ rất buồn là trong nhiều mặt chúng ta đều thua Thái Lan, Singapore, Indonesia... Thái Lan ngày xưa làm sao so sánh được với Việt Nam.

Trong khoa học công nghệ và giáo dục thì Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa với ngay các nước trong khu vực. Mà dân tộc Việt Nam đâu phải là không thông minh. Chúng ta không nên so sánh với chính mình qua các thời kỳ. Hãy so sánh ngay với các nước trong khu vực. Đáng lẽ Việt Nam phải tiến nhanh hơn, xa hơn nhiều nếu chúng ta có cơ chế, chính sách tốt để trọng dụng và phát triển nhân tài.

Điều đáng nói hơn là, từ Đại hội VIII chúng ta đã nhận thấy sự tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực, nhưng đến Đại hội XI thì thấy sự tụt hậu này vẫn ngày càng xa hơn.

Dân chủ trực tiếp

Việc chưa có cơ chế giám sát, đánh giá năng lực người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị hay địa phương dẫn đến nhiều trường hợp ai làm lãnh đạo cũng được?

Đúng là công tác cán bộ vẫn theo nếp cũ. Do vậy, phải mở rộng thí điểm cạnh tranh nhân tài. Chọn người đứng đầu là phải theo cơ chế cạnh tranh. Thực tế, nếu tất cả người đứng đầu đều qua dân chủ trực tiếp bầu chọn thì sẽ rất tốt. Có thể nói ở đâu mà người đứng đầu là người tài thì ở đó chắc chắn sẽ phát triển.

Vậy ông mong muốn thay đổi gì trong việc lựa chọn nhân tài lãnh đạo?

Cái quan trọng đầu tiên là phải thay đổi nhận thức. Điều này là không dễ dàng. Dân chủ trong xã hội chưa phát triển mạnh. Do vậy, nhiều người mong muốn Đại hội XI là đại hội của dân chủ. Phải đổi mới mạnh mẽ theo xu thế thời đại.

Dân chủ hóa xã hội, để từ đó người dân quyết định người lãnh đạo của mình. Trong kinh tế chúng ta đã có thành công nhờ giải phóng sức sản xuất thì trong giáo dục và khoa học công nghệ phải giải phóng về mặt nhận thức xã hội, trong đó có vấn đề nhân tài.

Ông nghĩ gì về phát triển nhân tài và nguồn nhân lực nói chung?

Hiện nay chúng ta đang nói ngược. Trong các văn kiện đều nói tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghệ cao nhưng lại không nói đến yếu tố ban đầu là phải có nguồn nhân lực tương ứng. Trong nghị quyết từ đại hội VII, chúng ta đã nói tới công nghệ tin học, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới, nhưng cả ba ngành công nghệ này của Việt Nam vẫn ở thứ hạng thấp so với nhiều nước trong khu vực. Phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có đội ngũ nhân tài để thúc đẩy các ngành công nghệ mũi nhọn phát triển.

"Trong các dự thảo văn kiện có ghi: “Đảm bảo cho cán bộ công chức có thu nhập từ lương ở mức trung bình xã hội”. Điều đó thật vô lý. Phải tốn bao tiền của, công sức mới đào tạo được một cán bộ, công chức, do vậy họ phải có mức sống khá, chứ không thể ở mức trung bình xã hội" - PGS-TSKH Nguyễn Trọng Bảo 

Việt Nam không thể cứ lẽo đẽo mãi. Nhân lực chất lượng cao ở đâu cũng thiếu. Trong cơ quan nhà nước, cũng như ở các doanh nghiệp đang có hiện tượng bị “chảy máu” chất xám (Hàn Quốc có hộ chiếu vàng để chiêu hiền đãi sỹ, trong đó có 14 trí thức trẻ Việt Nam). Cứ như hiện nay thì Việt Nam còn tiếp tục chảy máu chất xám, còn tụt hậu ngày càng xa.

Trong lòng những cán bộ cách mạng, những trí thức chân chính đều đau xót vì nhân tài chưa được trọng dụng. Muốn trọng dụng thì khâu thứ nhất là đánh giá phải đúng, phải công khai, phải để cán bộ tự đánh giá chứ không phải mỗi “ông tổ chức” đánh giá. Thứ hai là đừng nặng về thành phần, lý lịch. Thứ ba là tạo điều kiện, môi trường làm việc.

Tiếp đó là vấn đề đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng nhân tài. Trong các dự thảo văn kiện có ghi: “Đảm bảo cho cán bộ công chức có thu nhập từ lương ở mức trung bình xã hội”. Điều đó thật vô lý. Phải tốn bao tiền của, công sức mới đào tạo được một cán bộ, công chức, do vậy họ phải có mức sống khá, chứ không thể ở mức trung bình xã hội. Nhà nước Singapore quy định: Cán bộ, công chức phải có mức sống bằng một doanh nhân trung bình trong xã hội.

Cảm ơn ông.

Hà Nhân - Hải Hà

MỚI - NÓNG