Mua sắm xe công sẽ tăng mạnh

Liệu rồi xe công có thành xe hoa...
Liệu rồi xe công có thành xe hoa...
TP - Theo ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), thời gian tới, sau khi Quyết định 61 cho phép được thay thế xe cũ, việc mua sắm xe công có thể tăng lên, nhất là trong năm 2011 do có nhiều xe quá cũ.

>> Bộ trưởng không được đi xe công vượt quá 1,1 tỷ đồng

Liệu rồi xe công có thành xe hoa...
Liệu rồi xe công có thành xe hoa.... Ảnh: PV

Cho thay thế xe hết niên hạn sử dụng

Thưa ông, điểm khác biệt cơ bản của Quyết định 61 vừa được Thủ tướng ký ban hành về chính sách mua sắm xe công và Quyết định 59 trước đây là gì?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, từ năm 2007 đến nay, giá xe đã tăng từ 25 đến 30% do những tác động từ điều chỉnh tỷ giá, thuế. Việc tăng tiền đầu tư xe công lên mức tối thiểu 720 triệu đồng/xe và tối đa 1,1 tỷ đồng/xe thực chất là chỉ điều chỉnh giá xe tương đương giá xe trên thị trường.

Ông
Ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính)

Tại Quyết định 59 trước đây, nhằm hạn chế việc mua sắm xe công, Chính phủ quy định không cho phép thay thế xe cũ (xe cũ thì chuyển sang sử dụng khoán dịch vụ).

Tuy nhiên, trong khi ý tưởng sử dụng xe dịch vụ chưa thành, lại có nhiều xe đã quá cũ. Hiện tại xe của rất nhiều bộ, ngành, kể cả xe của lãnh đạo đang sử dụng đã vượt quá 10 năm khấu hao. Cho nên Thủ tướng đã cho phép thay thế xe cũ hết hạn sử dụng.

Theo Quyết định 61, khi mua sắm xe công mới, UBND cấp tỉnh chỉ cần thông qua HĐND tỉnh, chứ không cần qua Bộ Tài chính. Chỉ những cơ quan Trung ương khi mua sắm xe công mới phải thỏa thuận với Bộ Tài chính.

Như vậy, tới đây việc mua sắm xe công sẽ tăng mạnh, và có thể chuyện mua sắm xe vượt tiêu chuẩn tái diễn, ông nghĩ sao?

Đúng là việc mua sắm xe mới sẽ tăng, nhưng mua sắm vượt tiêu chuẩn không phải là điều đáng ngại. Bởi để mua một chiếc xe mới theo định mức sẽ phải nằm trong dự toán ngân sách. Mà dự toán ngân sách này sẽ được các bộ, ngành, UBND xây dựng, sau đó trình Chính phủ, HĐND. Cho nên sẽ rất khó có thể sắm xe vượt tiêu chuẩn, chế độ.

Ngoài ra, còn có sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước, nếu nơi nào chi sai sẽ bị ách lại. Đó là chưa kể các đơn vị sau khi mua sắm còn bị kiểm toán. Nói chung, khâu mua sắm xe công chắc chắn sẽ không thể vượt hạn mức bởi có tới 3 cửa gác. Điều tôi e ngại lại chính là việc quản lý sử dụng xe công...

Tiếp tục khoán xe công

Tình trạng sử dụng xe công sai mục đích vẫn còn khá phổ biến. Tại sao chúng ta không xử lý được?

Theo quy định, chỉ cấp thủ trưởng đứng đầu cơ quan ví như bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh mới được đưa đón bằng xe công từ nhà riêng tới cơ quan. Nhưng ở nhiều địa phương, nhiều người không nằm trong chế độ được đưa rước bằng xe công từ nhà riêng tới cơ quan nhưng lái xe vẫn đưa rước.

Cả nước hiện có khoảng 3 vạn xe công thế này
Cả nước hiện có khoảng 3 vạn xe công thế này . Ảnh: Hồng Vĩnh

Cũng phải nói thẳng là tỉnh nào bí thư, chủ tịch nghiêm chỉnh chấp hành quy định thì việc sử dụng xe công tốt. Nhưng cũng có tỉnh quản lý lỏng lẻo, chỉ cần một phó chủ tịch tỉnh được xe công đón rước, thì phó chủ tịch khác, rồi những người có các chức danh tương đương cũng có thể sử dụng. Cách xử lý hiện tại chỉ trông vào Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hay phòng chống tham nhũng.

Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi đánh giá báo chí cũng là một kênh giám sát việc sử dụng xe công, khiến tình trạng sử dụng xe công sai mục đích giảm hẳn. Bên cạnh đó, rất cần các đồng chí lãnh đạo gương mẫu, chỉ dùng xe công vào việc công.

Trong quy định trước đây đã từng đề cập việc khoán xe công (ví như ông Trần Quốc Thuận, khi đương chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tình nguyện nhận kinh phí và tự túc đi xe ôm, taxi thay vì dùng xe công). Đến thời điểm này, câu chuyện khoán xe ra sao rồi, thưa ông?

Về khoán xe, chúng tôi sẽ có một chuyên đề tổng kết riêng. Có lẽ do nhạy cảm, tác động đến thu nhập bởi tiền khoán xe nhiều khi còn cao hơn lương nên chưa nhận được nhiều sự ủng hộ.

Mục tiêu chúng ta đề ra rất phù hợp với kinh tế thị trường, chúng tôi cũng đang nghiên cứu và xử lý những vấn đề kỹ thuật. Có thể phải vận động một vài cơ quan thí điểm. Hoặc nghiên cứu một cơ chế khác, ví như có thể kết hợp với ngân hàng để cho vay mua xe rồi trừ dần tiền thanh toán.

Thay vì phải bố trí một lái xe, đồng chí đó sẽ tự lái... trước hết giải quyết được khâu đưa đón từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Nhất là đưa đón từ sân bay về nhà. Chúng tôi đã có lần ra kiểm tra, tại sân bay thấy cùng lúc mấy chục xe biển xanh đỗ chờ đón thủ trưởng, cộng với số xe taxi có sẵn khiến sân bay rất đông đúc và đây là sự lãng phí lớn.

Nói chung, chúng tôi sẽ nghiên cứu và sắp xếp làm sao để việc sử dụng xe khoán được các đối tượng hưởng ứng và thấy thoải mái.

Cảm ơn ông.

Theo ông Phạm Đình Cường, hiện cả nước có khoảng 3 vạn xe công. So với thời gian trước, 4 năm gần đây xu hướng mua sắm xe công giảm nhanh. Nếu như những năm trước trung bình mua khoảng hơn 1.500 xe/năm, thì từ năm 2007 đến nay giảm xuống khoảng vài trăm xe.

Thời gian tới, sau khi Quyết định 61 cho phép được thay thế xe cũ, việc mua sắm xe công có thể tăng lên, nhất là trong năm 2011 do có nhiều xe quá cũ.

 

Khánh Huyền
Thực hiện

MỚI - NÓNG