Nhận diện tham nhũng ngoài lương

Nhận diện tham nhũng ngoài lương
TP - Góp ý về tiến trình cải cách tiền lương cán bộ công chức (CBCC), nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, có nhiều công chức đang giàu lên nhanh chóng, có ô tô xịn, biệt thự, đầy đủ tiện nghi cao cấp mà với mức lương của họ không thể nào có được. Đó chính là những khoản thu nhập ngoài lương, những đặc lợi.

>> Sợ nhất là 'a lô, vỗ vai'

Minh họa của Khều
Minh họa của Khều.

Các đặc lợi

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết, những khoản thu nhập ngoài lương không chỉ tập trung ở trung ương mà có ở cả cấp địa phương, gây ra tình trạng bất công giữa các loại công chức, giữa các cơ quan nhà nước.

Theo ông Tuấn, những thu nhập ngoài lương rất cao và không có giới hạn, không minh bạch, không kiểm soát được, đang diễn biến rất tinh vi, muôn hình vạn trạng. Đó chính là các dạng tham nhũng của công chức khi có quyền lực trong tay. Tình trạng này, nhiều nơi có, nhiều người biết nhưng do nhiều lý do tế nhị, không thể chỉ đích danh.

Những loại thu nhập không chính đáng ngoài lương bắt nguồn từ quyền lực có thể kể đến như: những người có quyền phê duyệt các loại dự án, có quyền sử dụng vốn ODA, họ được hưởng lại quả, có đường dây chạy dự án; những người có quyền chỉ định ngân hàng cho vay tiền đối với những doanh nghiệp hoặc dự án; người có quyền khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ thành vốn nhà nước cấp sẽ được trả hoa hồng tuỳ theo số nợ; những người có quyền quy định mức thuế mà cá nhân hoặc doanh nghiệp phải nộp, nhiều trường hợp thoái thu tiền thuế rất khó khăn cần lót tay; những người có quyền xử phạt hành chính những lỗi vi phạm trong kinh doanh, trong giao thông vận tải (quản lý thị trường, CSGT, trật tự đô thị...); những người có quyền bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền hoặc người có quyền can thiệp việc xét xử của tòa án dẫn đến chạy án, chạy tù, chạy tội...

TS Dương Quang Tung (nguyên Viện phó Viện Quản lý Khoa học Nhà nước) cho rằng, tiền lương không đủ sống, mang nặng tính bình quân, cào bằng là một trong những nguyên nhân trực tiếp của nhiều căn bệnh ngày càng trầm trọng hơn trong đội ngũ CBCC.

Điều này dễ hiểu vì một khi thu nhập chính đáng không đủ sống, người ta phải tìm cách có thêm thu nhập vì sự tồn tại của bản thân và gia đình.

Theo TS Tung, trong điều kiện tiền lương quá thấp, không đủ nuôi sống bản thân và gia đình thì mục tiêu quan trọng chủ yếu của CBCC không phải là thực thi công vụ mà là cải thiện thu nhập.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, tiền lương thấp không phải nguyên nhân duy nhất của nạn tham nhũng, mà tham nhũng còn là hậu quả tất yếu của sự yếu kém về nhân cách, đạo đức công vụ; của những hạn chế, bất hợp lý về phát huy dân chủ.

Bỏ đặc lợi, cách nào?

Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, điều quan trọng hàng đầu là phải tăng lương để đảm bảo công chức an tâm làm việc, thực thi bổn phận. Đặc biệt, việc trả lương công chức phải công bằng. Công bằng đối với từng người, theo trình độ, năng lực, trách nhiệm, đạo đức công chức, được thể hiện và đo bằng kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đó.

Nhiều cán bộ giàu lên không phải nhờ lương
Nhiều cán bộ giàu lên không phải nhờ lương.

Để xóa bỏ đặc lợi, có chuyên gia cho rằng, cần phải tinh giảm biên chế trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công, tăng dần tính tự chủ về biên chế và tài chính cho các đơn vị khu vực này, chuyển dần tiền lương trả cho cán bộ viên chức khu vực này ra khỏi NSNN.

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, thu nhập ngoài lương không chính đáng thường có nguồn gốc là quyền lực. Người có quyền lực dựa vào vị thế của mình để trục lợi. Quyền lực càng cao, thu nhập bất chính càng lớn. Do đó, mới xuất hiện loại kinh doanh quyền lực.

Trong thực tế, khi quyền lực (thể hiện bằng chức vụ) trở thành hàng hóa, có thể “mua, bán” thì người bỏ tiền ra mua chức vụ phải tìm mọi cách để “thu hồi vốn” và có lãi và phải thực hiện ngay trong nhiệm kỳ. Từ đó, nảy sinh “tư duy nhiệm kỳ”, tranh thủ vơ vét trong nhiệm kỳ. Khi quyền lực không bị kiểm soát, người có quyền lực thường có khuynh hướng “tối đa hóa quyền lực” để tận hưởng những đặc quyền, đặc lợi.

Theo ông Tuấn, để ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng trên, cần hoàn chỉnh thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tức là tạo ra cơ chế quản lý đúng để xóa bỏ nguồn gốc những đặc lợi bắt nguồn từ quyền lực. Bộ máy cần tinh gọn, tránh trùng lặp, chồng chéo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành.

Năm 2011, lương tối thiểu vùng cao nhất là 1,5 triệu đồng

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2011, theo dự kiến mức lương tối thiểu vùng I đối với doanh nghiệp trong nước (DNTN) là 1.270.000 đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 1.500.000 đồng; vùng II là 1.150.000 đồng và 1.320.000 đồng; vùng III là 950.000 đồng và 1.150.000 đồng; vùng IV là 830.000 đồng và 1.100.000 đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, với mức điều chỉnh này khu vực DNTN tăng 21,5 lần và khu vực FDI tăng 10,8%.  

MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.