Mặt cầu Thăng Long hỏng: Hết đổ cho thời tiết lại đến ôtô

Mặt cầu Thăng Long hỏng: Hết đổ cho thời tiết lại đến ôtô
TP - Chiều 16-9, Bộ GTVT đã lên tiếng về sự việc mặt cầu Thăng Long càng vá, càng hỏng mà Tiền Phong phản ánh.

>> Mặt cầu Thăng Long vá nhiều tốn tiền hơn làm lại?

Mặt cầu Thăng Long hỏng: Hết đổ cho thời tiết lại đến ôtô ảnh 1

Lỗi do… ôtô?

Theo Bộ GTVT: “Khi sửa chữa xong đưa vào khai thác một thời gian, lớp phủ bê tông nhựa trên mặt cầu Thăng Long xuất hiện một số vị trí rạn nứt nhỏ, hư hỏng cục bộ”. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại tiếp tục đổ lỗi do thời tiết và xe ô tô chạy là nguyên nhân chính mặt cầu hỏng.

Có lẽ phải nhắc lại rằng, thời điểm sửa chữa cầu Thăng Long là do Bộ GTVT quyết định, không ai bắt phải thi công vào mùa ẩm ướt để rồi chịu tác động của thời tiết.

Hơn nữa, Bộ GTVT chuẩn bị dự án sửa cây cầu này từ năm 2007. Sau nhiều lần cân nhắc dùng công nghệ của Anh hay của Nhật (dùng chất dính bám, chống thấm và có độ bền của Anh hay công nghệ sử dụng một loại sơn đặc biệt xử lý bề mặt cầu của Nhật Bản), mãi đến cuối năm 2009 Bộ GTVT mới cho tiến hành thi công sửa chữa mặt cầu.

Để chứng minh tác động của thời tiết là bất khả kháng, Bộ GTVT viện dẫn 2 cuộc hội thảo với sự có mặt của các chuyên gia Mỹ, Trung Quốc, Anh, Singapore... Tuy nhiên, quá trình tổ chức 2 cuộc hội thảo này dường như bí mật với giới truyền thông. Không ai đảm bảo những kết luận từ 2 cuộc hội thảo trên là công khai minh bạch.

Hai cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế còn xác định nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng tại một số nơi là do... xe ôtô chạy trên cầu gây ra. Phải chăng giải pháp đưa ra là cấm ôtô chạy trên cầu?

Thừa thời gian chuẩn bị, vẫn thiếu kinh nghiệm

Còn nhớ lúc hiện tượng hỏng mặt cầu mới xảy ra, tư vấn giám sát và nhà thầu quyết liệt đổ lỗi cho nhau. Phía tư vấn giám sát là Viện Khoa học Công nghệ GTVT còn tổ chức gặp gỡ báo chí và đổ lỗi cho thời tiết. Nhà thầu lại cho biết thi công theo hướng dẫn của phía tư vấn giám sát. Nhưng không thấy chuyên gia nước ngoài hoặc đơn vị chuyển giao công nghệ quốc tế nào ra mặt giải thích nguyên nhân.

Cuối cùng, sau khi khẳng định hỏng mặt cầu do thời tiết và xe ô tô chạy, yếu tố độ rung động, biến dạng thép mặt cầu... của mặt cầu, Bộ GTVT chốt lại: Đây là công nghệ lần đầu tiếp cận nên không có kinh nghiệm. Nhưng câu hỏi đặt ra là sau hơn 2 năm nghiên cứu, lựa chọn công nghệ vì sao vẫn đổ lỗi cho công nghệ mới?

Chuyên gia Singapore, hãng Stirling Lloyd (Anh) đảm nhiệm chuyển giao công nghệ thiết kế hỗn hợp SMA và chuyển giao công nghệ thi công ở cả giai đoạn chuẩn bị và trực tiếp hướng dẫn thi công tại hiện trường. 
MỚI - NÓNG