>> Bài 1: Ông Chánh oánh chủ tịch huyện
Ông Hoàng Văn Khánh bên xưởng may trống trơn, vì không vay được vốn. |
Điều không mong muốn
Chiều muộn, trong phòng làm việc tại trụ sở Cty ở quận Dương Kinh (Hải Phòng), tôi hơi bất ngờ, khi vừa bắt đầu câu chuyện, ông Hoàng Văn Khánh đã nói ngay: “Sự việc là bất đắc dĩ thôi, bây giờ tôi mới thấy mình dại. Đáng ra tôi có thể tránh được sự việc, còn ông Dũng không phải vào tù”.
Rồi ông Khánh kể, chuyện bắt đầu nảy sinh từ năm 2009, khi tình hình tài chính của công ty gặp khó khăn, do hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng ít dần. Đời sống của hàng ngàn lao động trong hai công ty (Cty TNHH VK Hải Phòng và Cty Cổ phần Dệt may XK Hải Phòng) của ông Khánh gặp khó khăn.
Không còn cách nào khác, ông Khánh đành bán kho bãi container tại quận Hải An (Hải Phòng). “Kho bãi này tôi đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng xây dựng. Nhưng việc bán không dễ, vì tài sản này đang được thế chấp cho khoản vay trên 10 tỷ tại Ngân hàng BIDV Hải Phòng. Muốn bán phải được ngân hàng đồng ý”, ông Khánh kể.
Theo lời ông Khánh, khi đặt vấn đề bán kho cảng, ông Đoàn Tiến Dũng tỏ ra rất nhiệt tình. Ban đầu, định giá 64 tỷ đồng nhưng sau đó ông Dũng ép xuống còn 57 tỷ đồng. Hợp đồng được ký kết, kho cảng được bán cho Cty Cổ phần Dầu khí Anpha Hải Phòng.
Ông Dũng bảo tôi phải chuyển tiền qua tài khoản BIDV Hải Phòng. Không ngờ, sau khi chuyển tiền, ông Dũng cho phong toả tài khoản luôn. Sau đó, ông Dũng liên tục ra giá, đòi chung chi, đồng thời ép tôi phải trả nợ hết cả khoản vay khác, dù khoản vay này tới năm 2013 mới đáo hạn.
Chuyện gì đến đã đến, sau khi đã chuyển hơn 5 tỷ đồng vào tài khoản do ông Dũng chỉ định, ông ta tiếp tục đòi chung chi thêm. Con giun xéo lắm cũng quằn, đầu giờ sáng ngày 2-2-2010, ông Dũng hẹn gặp ông Khánh tại quán phở Vuông (phố Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa-HN). Sau khi ông Dũng nhận 1 tỷ đồng từ tay ông Khánh, vừa cầm tiền ra xe ô tô thì bị PC15 Công an Hà Nội bắt giữ.
“Mãi sau này tôi mới biết, ông Dũng có tới 30% cổ phần trong Cty cổ phần Anpha. Ông ấy đóng cổ phần bằng chính tiền nhận chung chi của tôi. Tôi không ngờ, ông Dũng có âm mưu chiếm đoạt kho cảng từ trước”.
Nhưng sao ông lại tỏ ra hối hận? Ông Khánh nói: “Giá như hồi đó tôi không nghe theo ông Dũng, không để bên mua chuyển tiền qua Ngân hàng BIDV thì có lẽ ông Dũng không có cơ hội nảy lòng tham. Vụ việc không xảy ra, ông Dũng không phải vào tù. Còn tôi không phải khổ sở”.
Đấu tranh, tránh đâu
Vụ bắt quả tang ông Đoàn Tiến Dũng nhận chung chi 1 tỷ đồng ngay sau đó xôn xao dư luận. Chuyện được nhiều người bàn tán đủ đường. Đây là điều ông Khánh chịu áp lực đầu tiên. “Khi đó nhiều người xì xào, đặt vấn đề chắc tay Khánh phải thế nào thì mới đi hối lộ chứ? Có thể Khánh chỉ là đầu mối để giúp người khác đánh Dũng?...
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, bị cáo Đoàn Tiến Dũng và Trần Thị Thanh Bình bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” theo quy định tại khoản 4, Điều 283, Bộ luật Hình sự. Với số tiền trục lợi khoảng 7 tỷ đồng, hai bị cáo này đối mặt mức án từ 20 năm tù đến chung thân. Khi được hỏi về tội danh do Viện KSND truy tố, ông Khánh nói “Việc truy tố hai bị cáo tội danh này là đúng. Vì thực ra, họ ép tôi để trục lợi chứ không phải là đòi hối lộ”. |
Nói thật, tôi là dân làm ăn, chứ chơi ai, ngu gì mình lại đứng ra để chơi ông Dũng. Các cụ nói một đời kiện, chín đời thù. Bất đắc dĩ lắm tôi mới phải tố cáo ông Dũng. Ông ấy ép tôi quá, không chung chi làm sao lấy được tiền. Nhưng tôi không thể tưởng tượng tay này tham đến vậy. Thế làm sao mình chịu nổi”, ông Khánh nói.
Trước khi quyết định tố cáo ông Dũng, ông đã cân nhắc kỹ? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi cũng biết khi tố ông Dũng bản thân tôi và gia đình, doanh nghiệp của tôi sẽ bị thiệt thòi. Nhưng tôi là người lính, đảng viên không lẽ buông xuôi trước kẻ tham lam như vậy? Không lẽ mình chấp nhận để người ta cướp trắng tiền bạc của mình? Không lẽ mình dung túng cho cái xấu? Nghĩ nát nước, tôi chẳng còn cách nào hơn.
Sau khi vụ việc vỡ lở, ông Dũng bị bắt tạm giam, đồng phạm khác của ông Dũng là Trần Thị Thanh Bình (Phó GĐ BIDV Hải Phòng, một đầu mối nhận tiền chung chi) cũng bị bắt. Bất ngờ trụ sở Cty của ông Khánh bị hàng loạt thương binh nặng đến đập phá, bao vây.
“Họ đến do có sự kích động từ một thế lực nào đó, lấy danh nghĩa là đòi nợ giùm cho một doanh nghiệp khác, nhưng thực ra muốn tiếp tục gây khó cho tôi. Chỉ sau khi tôi trình báo cơ quan công an, vụ việc mới êm xuôi”, ông Khánh kể.
Nhưng có lẽ điều khốn khổ nhất với ông Khánh là sau vụ việc này, gần như việc làm ăn của ông không còn suôn sẻ như trước. Khi tôi đến thăm, Cty may XK, thời kỳ cao điểm có cả vạn nhân công, nhưng nay lác đác vài trăm người. “Từ ngày đó, tôi không thể vay vốn. Không ngân hàng nào muốn cho tôi vay nữa. Không có tiền trả lương cho công nhân, không mua được nguyên liệu sản xuất”. Không có vốn, ông Khánh bán cả hệ thống máy may.
Tính chuyển sang đầu tư lĩnh vực khác, tái cấu trúc doanh nghiệp nhưng làm dự án, xin thủ tục cũng không dễ. “Người ta coi tôi như người xa lạ. Trước đây mọi việc cũng với quy trình, thủ tục ấy thì khai thông bình thường, còn nay người ta bới lông tìm vết...Những dự án mới cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Khánh ngậm ngùi.
Hỏi chuyện vợ con, ông Khánh bảo: “Vợ con tôi không ca thán chuyện tôi làm nhưng cũng chẳng vui. Vợ tôi chỉ động viên, sự việc đã rồi, cố gắng vượt qua. Con trai lớn, nó cũng buồn, vì nhiều người nói bóng gió chuyện bố mày đi đút lót... Bây giờ, tôi nghĩ giá như việc đó không xảy ra với gia đình mình thì tốt hơn.
Tôi không hối tiếc việc tố ông Dũng, tôi chỉ hối tiếc là nếu được làm lại, tôi sẽ không chuyển tiền vào BIDV, để ông Dũng cũng không bị bắt, còn tôi cũng tránh được việc phải chịu cảnh mang tiếng đẩy người khác vào tù. Tôi chỉ băn khoăn, mình không đủ tài để cảm hoá cái xấu trong con người ông Dũng”.
Chia tay tôi, ông Khánh chỉ mong Đảng, Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn để bảo vệ người chống tham nhũng. Nếu không, sẽ chẳng còn ai dám làm.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế giám sát, nhất là với những vị trí nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, những ngành độc quyền. Còn khi xảy ra vụ việc rồi, cơ quan đoàn thể, chính quyền cần có sự quan tâm bằng hành động cụ thể với người chống tham nhũng, đừng để họ phải đơn thương độc mã trong cuộc chiến ấy.
“Về phần mình, tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước cho tôi được vay vốn để có thể mua nguyên liệu, trả lương cho công nhân, cứu doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản”, ông Khánh than.
Còn nữa
Bá Kiên