Vì sao tiểu thương phản đối cải tạo chợ cũ?

Các tiểu thương cha truyền con nối ở dãy phố này của chợ Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú – Sóc Trăng) đang lo mất chỗ ở. Ảnh: Xuân Lương
Các tiểu thương cha truyền con nối ở dãy phố này của chợ Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú – Sóc Trăng) đang lo mất chỗ ở. Ảnh: Xuân Lương
TP - Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc cải tạo nâng cấp các khu chợ sầm uất lâu đời nhưng chật chội, lạc hậu là nhu cầu bức thiết, nhưng vì sao khi tiến hành lại thường bị tiểu thương phản đối?
Các tiểu thương cha truyền con nối ở dãy phố này của chợ Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú – Sóc Trăng) đang lo mất chỗ ở. Ảnh: Xuân Lương
Các tiểu thương cha truyền con nối ở dãy phố này của chợ Huỳnh Hữu Nghĩa
(Mỹ Tú – Sóc Trăng) đang lo mất chỗ ở. Ảnh: Xuân Lương.


Mất chỗ ở

Chợ Huỳnh Hữu Nghĩa ở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa (Mỹ Tú, Sóc Trăng) tồn tại lâu đời, chật chội, mất vệ sinh. Năm 2007, UBND huyện lập dự án xây dựng Trung tâm Thương mại Huỳnh Hữu Nghĩa, bằng cách thu hồi khu chợ với các dãy phố cũ, thu hồi thêm đất xung quanh, lấp sông, để xây nhà lồng và các dãy phố mới. Thời gian đầu được các tiểu thương ủng hộ nhưng về sau lại phản đối quyết liệt.

Nguyên nhân chính là trong các dãy phố cũ, nơi kinh doanh của tiểu thương cũng là nơi ở, nhiều hộ cha truyền con nối mấy đời. Khi mở ra dự án, họ có nguy cơ mất chỗ ở.

Ông Nhâm Tấn Hưng có 5 người con, sinh sống và buôn bán trong căn nhà 198 m2. Quyết định của huyện thu hồi toàn bộ nhà đất, tiền đền bù tổng cộng hơn 379 triệu đồng kèm một nền thổ cư 48m2. Tiền và thổ cư ấy sẽ cất được căn nhà mới nhưng vừa ở vừa buôn bán thì quá chật. Muốn có thêm đất, ông phải tham gia đấu giá mua trong khi không đủ khả năng tài chính. Ông Hưng đề nghị được cấp 3 nền cho con cái ra riêng nhưng không được chấp nhận nên khiếu nại mấy năm nay.

Ông Phan Văn Lập bị thu hồi toàn bộ 854 m2 đất, cũng chỉ được cấp một nền 48 m2 và ông yêu cầu cấp thêm một nền nữa nhưng chưa được giải quyết. Trong số đất bị thu hồi, lại chỉ có 200 m2 được bồi thường giá đất ở là 1.350.000 đ/m2, còn lại bồi thường giá 60.000 đ/m2 và hỗ trợ thêm 30% giá đất ở. Coi như con cái của ông cũng mất chỗ ở.

Mất chỗ buôn bán

Giữa năm 2008, UBND huyện Gò Quao (Kiên Giang) lập dự án đầu tư cải tạo chợ và xây dựng khu dân cư xã Vĩnh Thắng, rộng khoảng 5ha. Đa số người dân bị thu hồi đất là mất luôn chỗ ở, vì giá đất bồi thường 28.800 đ/m2, trong khi nền tái định cư có giá 250.000 – 800.000 đ/m2 tùy vị trí. Ông Nguyễn Văn Chánh mất hơn 20.000 m2 đất, than thở “khó kiếm được nền tái định cư”.

Nhiều hộ tiểu thương buôn bán lâu năm có nguy cơ mất cả chỗ buôn bán. Điển hình là hộ bà Lê Thị Út có 16.000 m2 đất bị lấy làm kho lương thực vào năm 1979, với lời hứa đổi đất sản xuất nơi khác nhưng không có, chỉ được bố trí ra ở gần bờ sông Cái Lớn để sinh sống và buôn bán. Năm 1997, khu vực buôn bán gần sông Cái Lớn bị giải tỏa để làm đường và bến phà, lúc này kho lương thực đã bỏ hoang và ở gần chợ xã Vĩnh Thắng, bà Út được động viên trở về nhà kho ở, buôn bán.

Theo thời gian, con cháu có vợ có chồng, hộ bà Út đã thành 10 gia đình riêng, đều buôn bán ở chợ. Đầu năm 2010, chợ cũ, nhà kho được phá để xây nhà lồng mới. Vì kho của công nên 10 gia đình con cháu bà Út không được đền bù, không được tái định cư. Nguy cơ bà mất luôn cả chỗ buôn bán vì không đủ tiền đóng để có chỗ ở chợ mới.

Tương tự hoàn cảnh bà Út còn có hơn 30 hộ tiểu thương khác.

Thị trường méo mó

Nhiều dự án cải tạo chợ thực chất là dự án kinh doanh bất động sản. Hai dự án nêu trên, diện tích đất dành cho chợ chỉ khoảng 10%, còn lại phân lô bán nền. Dự án kinh doanh bất động sản mở ra ở các chợ truyền thống nhằm khai thác lợi thế đặc biệt: Nhu cầu rất lớn nên giá cao. Tuy nhiên, nó cũng gặp vấn đề nan giải: Đất chật tiểu thương đông mà tiểu thương cố cựu có các quyền lợi chính đáng.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích của nhà đầu tư và của tiểu thương, các dự án không sử dụng giải pháp kinh tế để điều hòa lợi ích mà sử dụng áp lực hành chính. Trước tiên, chủ đầu tư dự án là UBND huyện, dùng biện pháp hành chính vừa đá bóng vừa thổi còi: Ra quyết định thu hồi đất đai nhà cửa, chính sách đền bù, chính sách bán nền và lô sạp, quy định giá bán giá mua và kiêm luôn việc giải quyết khiếu nại. Như thế, việc kinh doanh bất động sản ở đây rất méo mó, trái quy luật, chưa kể hành vi trục lợi của quan chức địa phương thường xen vào.

Trực tiếp thực hiện dự án là các doanh nghiệp, mà những doanh nghiệp này chỉ quan tâm lợi nhuận trước mắt. Cuối cùng, quyền lợi của tiểu thương càng bị bớt xén, các quá trình cải tạo chợ trở nên phức tạp.

Nhiều người am hiểu cho rằng, hành chính không nên làm chủ đầu tư các dự án cải tạo chợ. Hãy trả việc đó cho doanh nghiệp để gắn quá trình cải tạo với khai thác chợ lâu dài về sau. Khi đó, lợi ích của nhà đầu tư và của các tiểu thương gắn bó, họ sẽ tìm được giải pháp chung lưng đấu cật, không chụp giật ăn xổi ở thì, để phát triển ổn định.

MỚI - NÓNG