Đói, khát làng tái định cư

Người dân làng TĐC Kon Von 1 thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt trầm trọng
Người dân làng TĐC Kon Von 1 thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt trầm trọng
TP - Tái định cư đã sáu năm trên vùng đất mới nhưng hàng chục hộ dân người Bahnar ở làng Kon Von 1, xã Đăk Roong (huyện Kbang, Gia Lai) vẫn muốn hướng về vùng quê cũ.

Cả làng ra đi nhường lại đất đai, nhà cửa cho việc xây dựng công trình thủy điện Vĩnh Sơn nhưng nay họ phải đối mặt với thiếu đói thường trực, thiếu nước cho sinh hoạt và đất sản xuất.

Người dân làng TĐC Kon Von 1 thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt trầm trọng
Người dân làng TĐC Kon Von 1 thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt trầm trọng.

Năm 2005, 35 hộ dân làng Kon Von 1 tự nguyện nhường đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của mình ở Hồ C để làm lòng hồ cho công trình nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn. Cách thị trấn Kbang chừng 60 km, làng Kon Von 1 lọt thỏm giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đến làng tái định cư (TĐC) mới với hy vọng cuộc sống sẽ được sung túc, khấm khá nhưng 6 năm qua người dân nơi đây vẫn phải đối mặt cái đói thường xuyên.

Khi quy hoạch, khu TĐC được xây gồm 5 bể chứa nước lớn sử dụng nguồn nước tự chảy nhưng tất cả đều không có một giọt nước. Đến nay, làng Kon Von 1 có tất cả 54 hộ (19 hộ mới tách) với gần 200 nhân khẩu phải sử dụng chung 7 giếng nước đào sâu hàng chục mét “chữa cháy” cho các bể chứa bị bỏ hoang.

“Lấy nước giếng phải kéo bằng tay, có khi đông người thì phải chờ cả tiếng đồng hồ mới lấy đủ nước. Vào mùa khô, có giếng có nước có giếng không. Nhiều nhà phải đi gánh nước ở con đập cách xa làng, vất vả lắm. Có khi nước nhiễm phèn cũng phải dùng”, chị Đinh Thị Thuế than thở.

Các thiếu nữ làng Kon Von 1 phải lặn lội lấy nước về sinh hoạt
Các thiếu nữ làng Kon Von 1 phải lặn lội lấy nước về sinh hoạt.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng do Ban Quản lý Thủy điện Vĩnh Sơn cấp cho người dân TĐC, ông Đinh Văn Thin không khỏi xót xa: “Ở đây mỗi hộ được cấp 1 sào. Đất được ủi bằng, gạt đi lớp đất tốt nên không có cây gì lên nổi. Ngay cả cây măng tre cũng không sống được trên đất này.

Thiếu đất sản xuất thì người dân phải khai hoang thêm, nhưng chặt cây rừng thì lại bị cấm. Chuyện thiếu đói trong làng thường xuyên xảy ra, vào các vụ giáp hạt (khoảng tháng 7, 8, 9) là đói nhiều nhất. Nhà tôi có 6 đứa con nên rất lo”.

Theo quan sát của chúng tôi, đã gần 6 năm qua nhưng vùng đất dùng để quy hoạch tái định canh cho bà con nơi đây vẫn còn trơ trọi, không có cây gì mọc nổi. Đất để người dân sản xuất nông nghiệp nay trở thành đất chết, hoang hoá và khô cằn.

Được biết, ngoài việc cấp đất sản xuất, các gia đình ở khu TĐC cũng được cấp ao để nuôi cá, cứ 2 hộ dân dùng chung 1 ao. Tuy nhiên, ao đào vừa xong, ngày cho nước vào qua đêm đến sáng nước rút chỉ còn trơ đáy nên không ai dám thả cá. Con mương dẫn tiêu nước cho đồng ruộng cạnh đó được xây dựng khá bài bản cũng trơ ra từ lâu. Việc quy hoạch TĐC, tái định canh cho người dân nơi đây chẳng khác việc “đem con bỏ chợ”.

Khát, đói “treo” lơ lửng

Thiếu đất sản xuất ở khu TĐC mới, nhiều hộ dân ở làng Kon Von 1 đã quay về quê cũ để tiếp tục canh tác trên mảnh đất của mình, nơi mà nước hồ thuỷ điện còn chưa ngập đến. Từ làng mới về làng cũ phải lặn lội hơn chục cây số, chèo đò vượt lòng hồ mới đến vùng đất canh tác. Các hộ gia đình ông Đinh Văn Thin, Đinh Công… ngày nào cũng vượt hàng chục kilômét về làng cũ canh tác để có cái ăn.

Theo quy định, việc TĐC cho người dân, nhất là người dân phải di dời để xây dựng công trình thủy điện phải ngang bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Nhưng thực trạng ở làng Kon Von 1 thì trái ngược. Chung quanh là rừng thuộc Cty Lâm nghiệp Đak Roong quản lý nên người dân đều bị vướng. Dân thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt khiến cho cái đói, khó khăn luôn “treo” lơ lửng trên đầu.

Ông Đinh Văn Miên, Chủ tịch UBND xã Đak Roong cho biết: Chính quyền địa phương đã có kế hoạch đề nghị huyện, tỉnh chuyển từ đất rừng nghèo sang đất nông nghiệp cấp cho người dân nhưng vẫn chưa nhận được văn bản nào. Hiện tại, người dân thiếu đất sản xuất tỏ ra hết sức bức xúc, nếu người dân không săn bắt, hái lượm các sản vật của rừng để đổi gạo… không biết đời sống sẽ ra sao.

MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.