Tăng viện phí nhưng… từ từ tăng chất lượng

Tăng viện phí nhưng chưa giảm ngay việc ghép giường. Ảnh chụp tại khoa Nhi, Bệnh viện Đức Giang
Tăng viện phí nhưng chưa giảm ngay việc ghép giường. Ảnh chụp tại khoa Nhi, Bệnh viện Đức Giang
TPO – Trả lời báo chí sáng 21-7 về Dự thảo tăng viện phí đang gây sự chú ý của dư luận, Đại diện Bộ Y tế cho rằng: việc tăng viện phí lần này không dùng để đầu tư xây dựng bệnh viện, nên sẽ không tăng được số giường bệnh.

Bệnh viện kêu… thiếu tiền

Đại diện Bộ Y tế “than” rằng: giá điện, nước, thuốc, vật tư, hóa chất…phục vụ hoạt động của bệnh viện đều tăng; trong khi Ngân sách cấp cho các bệnh viện còn rất thấp (30 – 40 triệu/đồng/giường bệnh/năm) nên không đủ trang trải các chi phí khám chữa bệnh.

Do đó, trong Dự thảo lần này, Bộ Y tế đã đề nghị tăng khoảng 70 dịch vụ (chiếm 2% tổng số dịch vụ) có mức tăng 7 – 10 lần; khoảng 220 dịch vụ (chiếm 6,2%) có mức tăng 2,5 lần…

Đặc biệt, tiền khám bệnh theo Thông tư 14 là 500 đồng đến 3000 đồng/lần khám thì nay điều chỉnh lên 30.000 đồng/lần khám (với y tế tuyến cơ sở có thể thấp hơn).

“Sẽ quy định cụ thể về định mức khám bệnh cho một phòng khám hoặc 1 bác sĩ khám để đảm bảo chất lượng” – Đại diện Bộ Y tế cho hay. Nhưng quy định cụ thể thế nào để không còn hiện tượng “khám siêu tốc” thì chưa thấy vị đại diện này nói rõ.

Tăng viện phí có tăng chất lượng ?

Trước câu hỏi này của báo giới, Đại diện Bộ Y tế giải thích: chất lượng dịch vụ y tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như trình độ các bộ y tế, trang thiết bị, tinh thần và thái độ phục vụ… nên Bộ này đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trả lời báo chí
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trả lời báo chí. Ảnh: HT

Tuy nhiên, các đại diện Bộ này đều cho rằng: chất lượng phục vụ sẽ từ từ tăng, chứ không tăng “một sớm một chiều được”.

Theo họ, việc tăng viện phí như thế này vẫn chỉ đáp ứng một phần chi phí của các bệnh viện nên “khó bằng một giải pháp mà khắc phục được tình trạng quá tải”.

Người nghèo vẫn lao đao ?

Chỉ 20% người cận nghèo có bảo hiểm y tế

Ông Hoàng Kiến Thiết, trưởng Ban cấp sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết đang có chính sách hỗ trợ 50% phí tham gia bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, nhưng chỉ có vài phần trăm người cận nghèo tham gia. Các địa phương có dự án hỗ trợ 80% phí bảo hiểm y tế cho người cận nghèo nhưng cũng chỉ có 20% người cận nghèo tham gia do không đủ tiền mua bảo hiểm y tế và rất khó khăn khi phải cùng chi trả 20% phí khám chữa bệnh.

Theo Tuổi Trẻ

Trả lời PV Tiền Phong Online về việc tăng viện phí có làm cho người nghèo thêm khó khăn, Bộ Y tế cho hay: toàn bộ người dân thuộc diện nghèo đã được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm Y tế. Tuy nhiên, “việc thẻ bảo hiểm y tế đến người nghèo thế nào thì phải kiểm tra trong quá trình thực hiện” - Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế nói.

Bà Hương cũng cho rằng, nếu người nghèo nào không có bảo hiểm y tế thì trách nhiệm kiểm điểm là thuộc lãnh đạo địa phương.

Hiện nay, Bộ Y tế đang chuẩn bị trình Thủ tướng việc sửa đổi, bổ sung Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo. "Liệu Bộ có đợi khi nào Thủ tướng phê duyệt bổ sung Quỹ đó thì mới tăng viện phí, để người nghèo có hỗ trợ, bớt khó khăn?" – Câu hỏi này của báo giới không thấy đại diện Bộ Y tế trả lời.

Tuy nhiên, bà Hương cũng cho hay: với những trường hợp người nghèo không thể chi trả được viện phí,  họ có thể đề nghị với bệnh viện để xin miễn chi trả.

Mặt khác, hiện nay, một số địa phương (như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Nam ) đã có “quỹ 139” hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo; nên những đối tượng như trên có thể "trông cậy" vào quỹ này.

MỚI - NÓNG