Dân kêu khát, bể chứa nước vẫn thủng

Dân kêu khát, bể chứa nước vẫn thủng
TP - Hơn 4.000 dân trên quần đảo Nam Du (Kiên Giang) đang khát nước, giá 1 m3 nước đã lên gần 100 ngàn đồng. Trong khi bể chứa nước được đầu tư trên 5 tỷ đồng vẫn trơ đáy từ nhiều năm qua.

Tình hình khan hiếm nước trên quần đảo Nam Du (cách đất liền khoảng 80 km, thuộc xã Nam Du và An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) đang ngày càng trở nên khốc liệt.

Giá 1m3 nước đã xấp xỉ 100 ngàn đồng và chắc chắn nó sẽ còn lên cao nữa khi nhiều giếng nước trên quần đảo này đang trở nên cạn kiệt. (Năm 2005 Tiền Phong từng có bài phản ánh tình trạng tương tự). 

Tại khu vực đảo thuộc bãi Củ Tron, An Cư, Bãi Ngự… giá 1 can nước 20 lít được bán 4 – 5 ngàn đồng. Nhiều ghe thuyền ngư dân chuyển từ đánh bắt qua làm dịch vụ cung cấp nước. 

Ông Hồ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải cho biết: Với tình hình này chắc chắn phải đề nghị tỉnh tiếp tục chi ngân sách cứu trợ nước ngọt từ đất liền ra cho dân đảo, trong đó phải ưu tiên bán nước giá rẻ cho những hộ dân nghèo, gia đình chính sách…

Bể chứa nước Chủ tịch nước tặng: vẫn thủng đáy

Dân kêu khát, bể chứa nước vẫn thủng ảnh 1
Người dân đảo Nam Du phải mua gần 100.000 đồng/m3 nước

Trong khi hàng ngàn hộ dân trên quần đảo Nam Du đang khát nước thì bể chứa nước được đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng tại đảo Hòn Lớn, xã An Sơn nằm phơi đáy trong mấy năm qua.

Bể chứa nước 30.000m3 này do Chủ tịch nước Trần Đức Lương giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng tặng nhân dân trên vùng đảo Nam Du. Công trình do Viện khoa học Thủy lợi làm tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án thủy lợi 419 làm chủ đầu tư, Cty xây lắp và vật tư xây dựng 5 thi công. Bể nước được đưa vào sử dụng từ năm 2000, nhưng chỉ 2 năm sau đột nhiên bị… thủng đáy.

Đã có không biết bao cuộc họp, bao nhiêu đoàn của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT ra đảo tìm hiểu nguyên nhân thủng đáy bể, bàn biện pháp khắc phục. Năm rồi thấy dân khát nước quá, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã quyết định cho đơn vị thi công mượn 200 triệu để “vá” chỗ thủng kịp thời hứng nước mùa mưa. Tuy nhiên đang sửa chữa thì gặp mưa, nước ngầm phun lên, tiếp tục đẩy bung lớp lót và bê tông lên.

Nhóm thi công thay vì tiếp tục nghiên cứu cách sửa chữa tiếp thì lại quay sang xây bậc tam cấp lên bể để giải quyết cho hết số vật tư đã lỡ mua, rồi bỏ mặc. Đáng nói hơn trong quá trình sửa chữa đơn vị thi công không hề báo cho chính quyền địa phương và cơ quan hữu quan biết để góp ý, phối hợp.  Như vậy thêm 200 triệu đồng nữa của nhà nước lại bị lãng phí vô bổ, ai là người sẽ chịu trách nhiệm trong việc này?

Mới đây Viện Khoa học Thuỷ lợi cùng đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công lại tiếp tục ra đảo nghiên cứu, xác định nguyên nhân thủng đáy bể để về báo cáo Bộ NN&PTNT. Theo Ts Nguyễn Văn Bản, Phó Viện trưởng Viện khoa học Thủy lợi thì nguyên nhân thủng đáy là do khi thiết kế đã không tính toán đến mạch nước ngầm; thi công không đúng theo thiết kế, chất lượng các hạng mục xây dựng kém, làm rách vải chống thấm; chưa làm tốt việc giám sát thi công…

Trong khi đó Bộ NN&PTNT lại vừa ký quyết định “Chỉ định thầu khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình bể chứa nước đảo Hòn Ngang và nâng cấp bể chứa nước đảo Hòn Lớn  huyện Kiên Hải, Kiên Giang”.

Cty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi 2 được giao nhiệm vụ này và dự án đã lập xong, theo đó bể chứa nước tại Hòn Ngang có sức chứa 45.000m3, đầu tư 19 tỷ đồng; sửa chữa bể nước Hòn Lớn 7 tỷ đồng.

Như vậy với 7 tỷ đồng này dự kiến toàn bộ lớp lót (vải, cao su và bê tông) của bể nước 30.000m3 nói trên sẽ được lột ra làm lại hoàn toàn theo một phương án xử lí mới. Tiền tỷ lại tiếp tục được đổ ra đảo khơi xa. Liệu lần này những bể nước xây mới có tiếp tục bị thủng đáy nữa không?

MỚI - NÓNG