Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN). |
Riêng bị cáo Nguyễn Tiến Trung, do không có kháng cáo nên phải chấp nhận mức án 7 năm tù. Lê Thăng Long được cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo giảm án từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng tù.
Ba bị cáo đã có đơn kháng cáo xin giảm án và kêu oan. Trình bày với HĐXX, bị cáo Lê Công Định thừa nhận các hành vi sai phạm như cáo trạng của Viện KSND Tối cao và bản án sơ thẩm đã tuyên.
Cựu luật sư này thừa nhận, bản án sơ thẩm xét xử đúng người, đúng tội. Song, nêu lý do xin giảm án của mình, bị cáo Định nói, rất ân hận về những việc làm của mình nên mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì còn phải nuôi dưỡng mẹ già 80 tuổi và 2 đứa con nhỏ của người anh.
Còn bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức mặc dù thừa nhận tất cả hành vi như cáo trạng của Viện KSND Tối cao và án sơ thẩm nhưng lại ngụy biện ông ta không phạm tội.
Riêng Lê Thăng Long đã có thái độ ăn năn hối cải khi thừa nhận, có sai sót với Đảng, Nhà nước. Bị cáo Long đã thành thật xin lỗi và mong mọi người hãy nhìn mình bằng sự bao dung.
HĐXX nhận định, hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ, án sơ thẩm đã tuyên các bị cáo phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật hình sự là đúng người, đúng tội, không oan. Do đó không có cơ sở để xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Thức.
Còn đối với Lê Công Định, cấp sơ thẩm xử phạt mức án 5 năm tù là dưới khung hình phạt quy định nên không có cơ sở để giảm án thêm.
Riêng Lê Thăng Long, đã nhận thức rõ được hành vi phạm tội của mình và tỏ ra ăn năn, hối cải; bố mẹ của bị cáo đều là người có công với nước, tuổi cao sức yếu... nên chấp nhận kháng cáo của bị cáo Long; sửa án sơ thẩm để giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.
Hội đồng xét xử kết luận đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động phạm tội của các bị cáo có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự móc nối cấu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức chính trị phản động, có sự lôi kéo tập hợp lực lượng để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “bất bạo động,” thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Trong đó, Thức giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu; Định giữ vai trò là người tham gia đắc lực còn Long giữ vai trò đồng phạm giúp sức.