Cụ già 97 tuổi trúng xổ số: Tiền được sử dụng ra sao?

Cụ già 97 tuổi trúng xổ số: Tiền được sử dụng ra sao?
Gần 2 tuần sau khi trúng 5 tờ vé số độc đắc, cụ Nguyễn Văn Hết - tỉ phú “diện xóa đói giảm nghèo” - bắt đầu đi làm từ thiện và trả ơn những người từng cưu mang mình.

Sáng 23-2, trong tâm trạng vui vẻ, phấn chấn, cụ Nguyễn Văn Hết (ngụ tại KP5, P.5, Q.11, TP.HCM) tuyên bố trước bà con hàng xóm và người thân trong gia đình: “Chương trình của tui hôm nay là bắt đầu đi làm từ thiện”.

Nói là làm, cụ Hết yêu cầu anh L. - người hàng xóm tốt bụng đang giữ số tiền mặt 350 triệu đồng (riêng 5 tỉ đồng đã gửi ngân hàng mang tên cụ) - trích một phần đem tặng 3 ngôi chùa (tổng cộng 55 triệu đồng) từng giúp đỡ cụ trong thời gian qua.

Cụ Hết thuê một chiếc taxi, mời một số hàng xóm và chúng tôi đi cùng để chứng kiến ngày ông gọi là “đi trả ơn”. Ngoài ra, cụ Hết còn mua 35 phần gạo (20 kg/phần) tặng bà con trong hẻm 341, nơi cụ đang sinh sống. “Vì cho gạo bà con ăn nhớ mình nhiều hơn là cho tiền”, cụ Hết cười khoái trá.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Hết có phần minh mẫn hơn hôm qua, khi thường nhắc về những ngày khổ cực, vợ chồng cụ sống nương nhờ vào sự giúp đỡ của một số ngôi chùa, chính quyền địa phương và bà con hàng xóm.

Cụ không quên mua thêm vé số vì “tui biết mình còn trúng độc đắc đến 2 lần nữa. Giờ trúng rồi đi làm phước, Phật bà phù hộ cho trúng tiếp để có tiền đi làm từ thiện nữa”, cụ cười khà khà. Chợt nhớ ra điều gì, cụ Hết bộc bạch: “Thú thiệt nhà báo, tui chỉ thích trúng số vài chục triệu đồng thôi, chứ trúng nhiều quá xài không hết, nhiều người tới xin, mệt lắm!”.

“Có tiền rồi cụ thích mua gì nhất?”, chúng tôi hỏi. Cụ Hết trả lời: “Tui mua tivi coi chơi và ra chợ mua thịt heo về làm nồi thịt kho ăn”. Nhìn quanh căn nhà tình thương do chính quyền xây tặng hồi năm 2003 nay đã xuống cấp, cụ Hết tuyên bố với mọi người xung quanh: “Tui sẽ xây căn nhà mới, đơn giản, rộng rãi để mọi người đến chơi cho vui”. Quay sang người vợ bị mất trí đang vô cảm nhìn mọi người xung quanh, cụ Hết cười nói: “Tui sẽ mua cho bà 5 bộ đồ mới, tui 5 bộ mặc chơi nha!”.

Nghĩ mình ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Hết nói sẽ trích tiền trúng số về quê ở Cầu Xáng (H.Bình Chánh, TP.HCM) mua miếng đất để dành cho hai phần mộ “để khi về với ông bà, tụi tui được nằm gần nhau”, cụ Hết hóm hỉnh.

Tiếp xúc với chúng tôi, những người hàng xóm cụ Hết cho biết, trước nay, vợ chồng cụ chỉ sống một mình, không có người thân chăm nom. Cụ Hết chỉ có 2 người gọi cụ bằng cậu và 2 người con riêng của vợ (đã được cụ Hết cho mỗi người 100 triệu đồng). “Vậy trường hợp hai vợ chồng ông cụ qua đời, ai sẽ là người được thừa hưởng số tiền mà cụ Hết trúng số?”, bà K. hàng xóm của cụ thắc mắc.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM cho biết, cụ Hết còn có quyền lập di chúc theo quy định pháp luật để định đoạt việc để lại tài sản cho cá nhân hoặc tổ chức nào nếu cụ mất đi.

Trường hợp cụ mất và không có di chúc, thì tài sản để lại của cụ sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật, quy định theo thứ tự sau: Hàng thừa kế thứ nhất, gồm:

Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Ngoài ra, nếu cụ Hết có con riêng của vợ và họ quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng cụ như cha con, thì họ cũng được thừa kế di sản của ông theo quy định trên.

Cũng theo luật sư Hậu, theo quy định của pháp luật, trường hợp không có năng lực hành vi dân sự, cụ Hết không thể làm di chúc và nếu ông mất đi, thì tài sản của ông sẽ được chia thừa kế theo pháp luật đã quy định.

“Trong trường hợp cụ Hết không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản (nếu có) mà không có người nhận thừa kế thì thuộc về Nhà nước”, luật sư Hậu nói.

Cụ già 97 tuổi trúng xổ số: Tiền được sử dụng ra sao? ảnh 1

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ Hết vẫn đi trả ơn những nơi từng cưu mang mình - Ảnh: Minh Nam

Bí ẩn 1,1 tỉ đồng thất thoát

Trong bài viết trước, chúng tôi đã nêu nghi vấn của bà con ở KP5, P.5, Q.11, đối với số tiền bị thất thoát 1,1 tỉ đồng trong tổng số tiền mà cụ Hết lãnh từ việc trúng 5 tờ vé số độc đắc và 1 giải khuyến khích.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo Công an P.5, Q.11 cho rằng, chỉ khi người bị hại có đơn khiếu nại thì cơ quan công an mới vào cuộc.

Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết, trường hợp cụ Hết vẫn còn minh mẫn sáng suốt, tức là cụ còn đủ năng lực hành vi dân sự và cho rằng số tiền 1,1 tỉ của mình bị mất là do người hàng xóm lừa đảo để chiếm đoạt làm của riêng, thì cụ có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra để yêu cầu xử lý hành vi chiếm đoạt (nếu có) hoặc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền (nếu có tranh chấp dân sự).

Trường hợp cụ Hết không còn minh mẫn và không nhận thức được việc bị mất số tiền 1,1 tỉ đồng như thế nào, thì việc cần thiết là phải giám định xem cụ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự hay không?

Nếu đúng là cụ không còn đủ năng lực hành vi dân sự, thì sẽ thực hiện việc giám hộ đương nhiên theo Điều 62 Bộ luật Dân sự 2005 về “Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự”, như sau:

Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Trường hợp cụ Hết không có người giám hộ đương nhiên theo quy định nêu trên, thì UBND phường, nơi cư trú của cụ Hết có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ cho cụ.

Người hoặc tổ chức nhận giám hộ cho cụ Hết sẽ có nghĩa vụ chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho cụ; quản lý tài sản cho cụ; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cụ Hết.

Người giữ tiền hoang mang

Tiếp xúc với chúng tôi sáng 23.2, anh L. người hàng xóm tốt bụng được cụ Hết và cả chính quyền địa phương tin tưởng giao giữ tiền và sổ tiết kiệm (5 tỉ đồng) do cụ trúng số, tỏ ra hoang mang, lo lắng. Anh L. cho biết, từ ngày giúp đỡ cụ Hết giữ số tiền trúng số, gia đình anh luôn sống trong phập phồng lo sợ kẻ xấu tìm đến gây rối gia đình. Để giải tỏa sự lo lắng cho bản thân và gia đình, anh L. cho biết, đã chuyển số tiền mặt còn lại của cụ Hết vào gửi trong ngân hàng (loại không kỳ hạn, do cụ Hết đứng tên).

Sẽ chăm sóc cụ Hết đến cuối đời

Ông Cao Hoàng Khương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.5, Q.11 cho biết: “Chúng tôi đang tích cực vận động một người con, cháu đã nhận tiền của cụ cho sau khi trúng số phải có trách nhiệm chăm sóc hai vợ chồng cụ Hết đến cuối đời. Ngoài ra, phường còn tính thuê một người giúp việc nhà, phụ giúp chăm sóc cho hai cụ”. Cũng theo ông Khương, sau khi cụ Hết ổn định lại tinh thần, phường sẽ đứng ra giám sát việc sửa sang hoặc xây mới căn nhà để vợ chồng cụ Hết sống hết cuối đời còn lại, đúng như ý nguyện của cụ.

Theo Công Minh - Minh Nam
Thanh Niên

MỚI - NÓNG