Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư gần 42 tỷ đồng để xây dựng công trình cấp nước sạch cho xã Thạch Sơn và vùng phụ cận, huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Theo đó, năm 2006, Thạch Sơn phải có nước sạch thế nhưng, gần 5 năm trôi qua, làng ung thư Thạch Sơn vẫn khát.
Ông Lê Văn Thêm- Khu 8, xã Thạch Sơn: “Vòi nước nhà tôi đây đã có đâu. Người ta nói lừa các anh đấy” |
Công trình trị giá 42 tỷ đồng
Văn phòng Chính phủ còn có Công văn hỏa tốc số 899/VPCP ngày 21-2-2006, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ “Giải quyết ngay việc cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân xã Thạch Sơn do nguồn nước giếng ô nhiễm, bảo đảm có nước dùng sinh hoạt ngay trong quý I/2006”.
Chẳng hiểu vì lý do gì mà UBND tỉnh Phú Thọ loay hoay mãi đến 1-11-2006 mới ra Quyết định số 3072/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn và các vùng phụ cận với tổng vốn đầu tư gần 42 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 38,4 tỷ, còn lại do dân góp.
Mọi việc không chỉ dừng lại ở những công đoạn rùa như vậy. Trong quá trình hoàn tất các thủ tục để thực thi dự án, còn có biểu hiện coi nhẹ của các cấp có thẩm quyền.
Với một công trình lớn được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư là UBND huyện Lâm Thao lại chỉ giao cho một ông trưởng phòng hạ tầng kinh tế thực thi các bước của dự án, kiêm chủ công trình, trưởng ban quản lý dự án (QLDA).
Có một thắc mắc thường trực là tại sao với một dự án do Chính phủ chỉ đạo đầu tư và công trình gắn liền với lợi ích thiết thực của dân nhưng chỉ khi nhà thầu bắt tay vào thi công, mang máy móc cắt đường bê tông và lắp đặt đường ống, dân mới biết.
Thiết kế công trình có những chỗ cực kỳ vô lý. Nhiều tuyến ống chạy vào khu vực không có dân cư ở, còn những khu đông dân lại không có đường ống. Trong quá trình khảo sát thiết kế người ta lại không bàn với dân.
Điều này được chứng minh trong Báo cáo số12/BC-UBND ngày 23-4-2009 của Chủ tịch UBND thị trấn Lâm Thao: “Quá trình thực hiện việc khảo sát thiếu chi tiết nên trong thiết kế và khi thi công còn nhiều điểm chưa phù hợp, có những khu dân cư không có đường ống nước đến nơi, phải bổ sung nhiều...”.
Công trình xong, dân vẫn khát
Người dân Thạch Sơn vẫn phải lấy nước từ nơi khác về sinh hoạt |
Về Thạch Sơn một ngày gần đây những mong sẽ được thấy một công trình cấp nước sạch cứu làng ung thư. Nhưng hóa ra dân làng ung thư vẫn chưa có nước dù các tuyến ống chằng chịt như chỉ để trang sức trên đường làng.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Nguyễn Văn Thắng nói: “Mới có hai khu trên tổng số 10 khu dân cư có nước nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà khi cấp thử cho hai khu đó, khu 8 và 9, nước thất thoát hơn nửa. Ban nước phải cho ngừng lại. Còn cụ thể như thế nào tôi đưa các anh đến gặp ông trưởng ban nước sẽ rõ hơn”.
Vừa thấy chúng tôi, ông Phan Văn Vững - Trưởng ban nước xã Thạch Sơn, đã oang oang “Nói thật với các anh công trình này vứt đi rồi. Chúng tôi mới đóng thử nước cho hai khu 8 và 9 thì đồng hồ vỡ tung tóe. Chúng tôi bịt những đồng hồ bị vỡ lại, thử đóng nước một tuần. Khi kiểm tra, thấy thất thoát hơn 60%. Anh bảo thế chẳng vứt còn gì”.
Ông Lê Văn Thêm - Trưởng khu dân cư số 8, nói: “Ai bảo các anh Thạch Sơn có nước rồi? Nói thật, bây giờ mà thấy mấy ông trên huyện đến đây, tôi chán thêm. Những ống nước kiểu này chỉ có đem cắt ra mà làm giàn mướp, chứ làm được gì”.
Được biết, trước thời gian chúng tôi có mặt tại Thạch Sơn, khi công trình nước sạch được vận hành thử thì trên địa bàn xã có tới năm điểm nước phá vỡ ống, đùn lên mặt đường bê tông vì thế phải dừng lại nhưng không thấy ai đến để tìm hiểu khắc phục.
Ông Triệu Vương Hà - Chủ tịch UBND xã vẫn phát biểu “Công trình nước sạch của Thạch Sơn đã hoàn tất, 8 trên tổng số 10 khu dân cư đã có nước sinh hoạt”.
Khi đang viết bài này, tôi có điện thoại cho ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn hỏi thăm tình hình và biết rằng, dân Thạch Sơn vẫn khát nước sạch.