Trẻ hóa thông ở Đà Lạt

Trẻ hóa thông ở Đà Lạt
TP - Hàng loạt cây thông già ngã đổ gây hậu quả nghiêm trọng khiến người dân Đà Lạt hoang mang và đồng loạt đệ đơn xin chặt thông, Tiền Phong trao đổi với ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng xung quanh vấn đề này.
Trẻ hóa thông ở Đà Lạt ảnh 1
Đà Lạt sương mù  Ảnh: Bá Trung

Về nguyên nhân của sự suy giảm nhanh về số lượng và chất lượng thông nội ô Đà Lạt và cây ngã đổ hàng loạt trong thời gian gần đây, ông Minh nói:

Đó là hệ quả tất yếu của sự phát triển nhanh của đô thị, hậu quả của thiên tai, kể cả hành vi phá hoại của con người. Nhiều cánh rừng đã bị chặt hạ nhường chỗ cho các khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp…

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là rừng thông nội ô Đà Lạt đã già. Tuổi gần thành thục và thành thục của thông ba lá là 50 đến 70 năm, trong khi nhiều quần thể thông Đà Lạt hiện đã trên dưới 80 năm. Đã thế, lại thêm tình trạng nấm bệnh nên nhiều cây bị rỗng ruột, thối rễ rất dễ bị ngã đổ.

Các nhà khoa học cảnh báo phải trẻ hoá rừng thông từ nhiều năm trước nhưng vì sao đến nay vẫn chưa khởi động?

Đúng là lâu nay chúng ta chỉ xử lý theo hướng cây nào già cỗi, chết khô hoặc có nguy cơ ngã đổ thì kiểm tra, cho phép chặt hạ chứ chưa chủ động chặt bỏ cây già, trồng cây mới thay thế.

Không chỉ các nhà khoa học mà nhiều nhà quản lý cũng nhận thấy trẻ hóa rừng thông nội ô là vấn đề bức thiết nhưng hiện vẫn chưa có phương án cụ thể vì quá khó khăn, nan giải.

Tuy nhiên, dẫu khó mấy thì địa phương cũng phải gấp rút làm bởi dự báo trong vòng 15 - 20 năm nữa, thông nội ô Đà Lạt sẽ ngã đổ đồng loạt vì quá già, trong khi lớp thông kế cận thưa vắng vì tái sinh tự nhiên rất kém.

Trẻ hóa rừng thông theo phương thức nào là hiệu quả nhất, thưa ông?

Chính quyền địa phương đã có văn bản qui định bất cứ cơ quan và hộ dân nào chặt một cây thông phải trồng lại năm cây nhưng thực tế hầu như không ai trồng mới loại cây này trong khuôn viên nhà mình bởi thông là loại cây lớn, chiếm nhiều diện tích, mỗi khi ngã đổ thường gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, các loại cây và hoa khác rất khó phát triển dưới tán thông…

Trước mắt nên bảo vệ nghiêm ngặt các quần thể thông hiện có, tuyệt đối không xen cấy nhà cửa vào rừng thông, ngăn chặn triệt để tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất. Sau đó, chủ động loại bỏ dần những cây già cỗi và trồng thay thế cây mới hoặc xúc tiến tái sinh tự nhiên.  

Không nên trồng thông theo kiểu giăng hàng trên đường phố hoặc trồng trong khuôn viên nhỏ hẹp của các ngôi nhà mà trồng theo cụm. Dẫu rất khó khăn, tốn kém nhưng cũng phải giải tỏa một số công trình xây dựng để tạo lập những quần thể thông bởi đây là loại cây đặc trưng tạo nên nét thơ mộng của thành phố này. Nếu không còn thông thì Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt nữa.

Xin cám ơn ông.

Nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh: Nên trồng thông nhiều hơn trồng hoa

Thông là cái hồn của Đà Lạt: Những tòa biệt thự cổ kính ẩn hiện trong rừng thông, sương giăng mắc trên ngọn thông, thảm hoa dại dưới gốc thông là nét duyên của Đà Lạt. Thông còn là lá phổi xanh điều hòa khí hậu làm cho Đà Lạt trong lành, mát dịu. Thông là loài cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc.

Trồng thông kết hợp với trồng cỏ dưới gốc thông tất yếu sẽ xuất hiện các loài hoa dại trông rất tự nhiên, đáng yêu. Nên tận dụng những khu đất trống trong nội ô thành phố để trồng thông và nên trồng thông nhiều hơn trồng hoa.

Bởi vì hoa khó trồng, đòi hỏi nhiều công chăm sóc và nếu không chăm bón thường xuyên thì sẽ cằn cỗi không đẹp mắt. Nhà nước phải đầu tư thích đáng để trồng và bảo vệ thông.

Nhật Minh - Vĩnh Hiền, trú tại Lê Văn Sỹ, quận 3, TP Hồ Chí Minh, đôi vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật tại Đà Lạt:

Rất đáng lo ngại khi mà thông Đà Lạt ngã đổ hàng loạt như vậy. Nếu biết cách quản lý và ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng, chăm sóc, bảo vệ thì những sự cố như thế sẽ không xảy ra.

Cây nào quá già cỗi thì cũng nên chặt nhưng chặt rồi thì phải tái tạo lại chứ không thể để mất thông. Đà Lạt không còn thông thì cũng vô duyên như Đà Lạt không còn lạnh nữa.

Kim Anh

MỚI - NÓNG